Đề xuất quy định giải ngân hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết trong nông nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 14:30, 27/06/2023

Đề xuất quy định giải ngân hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết trong nông nghiệp là một trong những giải pháp đưa ra tại hội nghị về phát triển hợp tác, liên kết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.


Quang cảnh hội nghị

Sáng 27.6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Về thực hiện Nghị định 98, đến ngày 31.12.2022, UBND tỉnh đã hỗ trợ 1 dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 57 kế hoạch liên kết, trong đó đã nghiệm thu cấp kinh phí cho 40 kế hoạch thuộc các lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, sản phẩm OCOP. Các dự án, kế hoạch được hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị phục vụ liên kết, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã, chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi cho các bên tham gia liên kết.

Các kế hoạch liên kết đã thu hút được 2.237 hộ nông dân, 20 hợp tác xã, 13 doanh nghiệp và 16 cá nhân thu mua sản phẩm tham gia.

Về thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, Hải Dương hiện có trên 15.500 ha rau, cây ăn quả sản xuất theo quy trình GAP (1.500 ha rau, cây ăn quả đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP), gần 422 ha sản xuất theo hướng hữu cơ (gần 150 ha đã được chứng nhận sản xuất hữu cơ), xây dựng và cấp 287 mã số vùng trồng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với tổng diện tích 1.909 ha, 36 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP.

Để nâng cao hiệu quả trong hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các giải pháp là tham mưu UBND tỉnh có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải ngân hỗ trợ nội dung hạ tầng phục vụ liên kết các dự án được phê duyệt, có thêm chính sách khuyến khích khác như đất đai, vốn tín dụng nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết, đặc biệt là các dự án liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, cần điều chỉnh một số nội dung hỗ trợ như điều chỉnh tăng diện tích hỗ trợ xây dựng nhà màng từ mức 20.000 m2/năm lên 50.000 m2/năm, tăng mức hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung từ không quá 100 triệu đồng/ha lên mức tối đa 150 triệu đồng/ha, trên cơ sở điều chỉnh kinh phí từ một số nội dung hỗ trợ khác sang 2 nội dung này nhằm bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện đề án không thay đổi.

PV