Quả ngọt Thanh Hà

Kinh tế - Ngày đăng : 15:00, 25/06/2023

Vốn là sản vật tiến vua trước kia, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) ngày nay vẫn là một đặc sản quý với thị trường trong và ngoài nước. 
cover-vaiok.jpg

Từ một cây vải thiều tổ quý hiếm

Cách đây gần 200 năm, một lần cụ Hoàng Văn Cơm ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn đến Hải Phòng giao lưu với các thương nhân người Hoa được ăn quả vải thiều. Thấy quả ngon, thơm ngọt, cụ liền nhặt 3 hạt đem về ươm trồng trong vườn nhà. Cả 3 hạt vải đều nảy mầm, nhưng trong quá trình chăm sóc chỉ có một cây còn sống. Không lâu sau đó, cây đơm hoa kết trái, quả chín thơm ngon, cụ Cơm chiết cành nhân giống rồi biếu tặng bạn bè, người thân. Trước đây, cây vải chưa được trồng nhiều như bây giờ nên khi ra quả bán rất đắt, hiếm người mua được. Quả vải ăn có vị ngọt sắc, cùi dầy, hạt nhỏ, bóc không bị nước dính tay. Năm 2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận đây là cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam.

bhd_2406_quangotthanhha_2.jpg
Cây vải tổ đang được giữ gìn, chăm sóc cẩn thận, thu hút nhiều khách đến tham quan

Năm 2017, UBND huyện Thanh Hà thực hiện dự án “Cải tạo, bảo tồn cây vải tổ” với kinh phí gần 5 tỷ đồng, gồm các hạng mục: nhà thờ cụ Hoàng Văn Cơm, nhà khách, khuôn viên ao, tường bao xung quanh và một số công trình phụ trợ khác. Hiện khu vực này được giao cho ông Hoàng Văn Lượm (cháu đích tôn đời thứ 5 của cụ Hoàng Văn Cơm) trông coi, chăm sóc. Ông Lượm cho biết: “Cây vải thiều tổ từ đầu mùa đến nay đã thu hút hàng nghìn người đến tham quan, chiêm ngưỡng. Cây vải tuy đã già nhưng năm nào cũng cho quả với hương vị rất đặc biệt, ngọt sắc”.

td-luon2-copy.jpg

Du khách thập phương về tham quan đều thích thú chiêm ngưỡng. Ông Cao Văn Đại, một du khách Hà Nội cho biết: “Nghe về cây vải thiều tổ đã lâu, nay mới có dịp đưa mẹ và anh chị em, con cháu đến thăm. Chúng tôi thấy không gian ở đây rất thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên, mát mẻ. Đây là cây di sản quý, địa điểm tham quan hấp dẫn”.

Năm 2019-2020, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương đã đặt hàng UBND huyện Thanh Hà thực hiện đề tài "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn và phát triển nguồn gen quý cây vải tổ" với tổng kinh phí 668 triệu đồng nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gen của cây vải tổ. 

Đến vùng vải bát ngát, mênh mông

Dần dần, cây vải thiều được trồng khắp vùng, mang lại giá trị kinh tế cao, ổn định cho người dân Thanh Hà. Trước đây vải thiều Thanh Hà được trồng một cách tự nhiên, ít chăm bón, chưa áp dụng tiến bộ khoa học nên năng suất không ổn định. Ngày nay, bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, các sở, ngành và huyện thì nông dân đã tự tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, chủ động sản xuất vải nhằm nâng cao giá trị cho đặc sản này. Từ đó đã dần hình thành các vùng chuyên canh cây vải. Vải sớm trồng tập trung ở Hà Đông, vải chính vụ chủ yếu ở khu Hà Nam. Với chất đất màu mỡ, thời tiết thuận lợi, chất lượng vải quả ở các vùng này thường được đánh giá cao hơn những vùng khác.

Huyện Thanh Hà hiện có 3.265 ha vải thiều (gồm cả vải sớm và chính vụ), trong số đó có 500 ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 50 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Vụ vải này, huyện có 45 vùng sản xuất vải được cấp 168 mã số xuất khẩu. Đây là nông sản duy nhất của Hải Dương nằm trong 39 sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý tại thị trường các nước EU.

td-phuong2-copy.jpg

Chị Nguyễn Thị Phương, người có kinh nghiệm trồng vải lâu năm ở xã Thanh Sơn cho biết: “Nhiều năm qua, cây vải vẫn là cây chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nông dân chúng tôi. Với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật ngày nay, chúng tôi sẽ tiếp tục chăm sóc vải, cam kết đưa ra thị trường sản phẩm ngon nhất, bảo đảm chất lượng, an toàn”.

Từ sản xuất tập trung theo vùng, tại Thanh Hà đã hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái miệt vườn hấp dẫn vào mùa vải. Tiểu khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn (xã Thanh Khê) có nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm đi thuyền, hái vải trên sông. Vào vụ thu hoạch vải thiều hằng năm, tiểu khu này thu hút hàng nghìn lượt khách.

bhd_2406_quangotthanhha_12.jpg
Từ những vườn vải sai trĩu quả, Thanh Hà đã có nhiều điểm du lịch miệt vườn vào mùa thu hoạch vải

Tiêu thụ nhiều nơi trong và ngoài nước

Trước đây, vải thiều Thanh Hà chủ yếu bán ở các tỉnh, thành phố lân cận và xuất khẩu sang Trung Quốc. Với chất lượng vượt trội và sự vào cuộc tuyên truyền, quảng bá của các cấp, ngành liên quan, các cơ quan thông tấn, báo chí, nhiều năm nay, vải thiều Thanh Hà đã được bán tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Úc, các nước EU, Trung Đông... Vải thiều Thanh Hà trở thành đặc sản hiếm có đối với nhiều quốc gia. Ngoài ra, vải thiều Thanh Hà là quả ngọt, đặc sản xứ Đông được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chọn làm quà. Chị Quách Thị Phượng ở xã Thanh Xá cho biết: “Có những ngày chúng tôi hỗ trợ Công ty CP Ameii Việt Nam sản xuất, chế biến vải đến khuya để kịp hàng mang đi chiếu xạ, xuất khẩu và nhiều đơn vị đặt làm quà”.

td-quach-phuong2-copy.jpg

Nhiều năm nay, các Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, CP Ameii Việt Nam luôn đồng hành cùng người dân Thanh Hà xúc tiến, xuất khẩu vải sang nước ngoài. Các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương cũng tích cực đưa quả vải vào chuỗi siêu thị trong và ngoài nước. Qua đó góp phần khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị quả vải thiều Thanh Hà. Các doanh nghiệp cũng chủ động ký kết hợp đồng nguyên tắc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vải với các tổ sản xuất vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

bhd_2406_quangotthanhha_17.jpg
Hằng năm, tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà, các doanh nghiệp tích cực xúc tiến, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ vải thiều


Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết vụ vải năm nay nhìn chung thị trường tiêu thụ ổn định. Những vùng vải áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất vẫn có giá trị cao hơn và được các doanh nghiệp thu mua.

Ngay từ đầu vụ, huyện Thanh Hà đã chủ động tuyên truyền, quảng bá, phối hợp Sở Công thương Hải Dương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều. Các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương đã kết nối với các tỉnh bạn quảng bá về quả vải, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ vải. Ngay khi bước vào thu hoạch vải thiều chính vụ, các đơn vị trên đã phối hợp Công ty TNHH Thực phẩm sạch Big Green Việt Nam khai trương điểm bán và giới thiệu vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng. Hằng năm công tác xúc tiến có những nét mới nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà. “Mùa vải chuẩn bị khép lại nhưng nông dân Thanh Hà chưa thực sự vui vì giá vải năm nay chưa cao. Tôi tin rằng vụ vải năm 2024, người trồng vải Thanh Hà sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của tỉnh, các sở, ngành liên quan cùng với huyện trong việc xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị quả vải”, bà Hà nói.

td-ha2-copy.jpg

Năm nay, vải thiều Thanh Hà đạt gần 40.000 tấn, thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Vải thiều sớm thu hoạch xong vào giữa tháng 6, vải thiều chính đang vào cuối vụ. Vải xuất khẩu đạt khoảng 60% sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU... và 40% tiêu thụ trong nước. Đây cũng là năm đầu tiên có khoảng 20 tấn vải thiều Thanh Hà được đưa lên suất ăn của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Để quả ngọt xứ Đông tiếp tục mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước, những mùa vải tới, nông dân Thanh Hà cần chủ động sản xuất vải bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tiếp tục hỗ trợ tích cực, hiệu quả giúp nông dân yên tâm hơn về thị trường, giá cả.

Nội dung:  PV - TUẤN ANH

PV