Hạ tầng giao thông liên quan đến đường sắt phức tạp nhất tỉnh nên thời gian qua, Kim Thành luôn đứng đầu tỉnh về số vụ tai nạn giao thông đường sắt. Đặc biệt, một số vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thường xuyên xảy ra tai nạn khiến đoạn đường sắt qua địa phương này trở thành điểm đen nhức nhối.  

'

Ám ảnh, đau thương

Đã một năm trôi qua kể từ ngày mất của đứa cháu nội bé bỏng. Song nỗi đau mất người thân vẫn chưa thể nguôi ngoai trong lòng bà Lương Thị Hồng, 59 tuổi ở thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên (Kim Thành).

Nhắc về người cháu xấu số, bà Hồng kể lại, đầu giờ sáng 27.6.2022, hai đứa cháu của bà là cháu N.N.L., sinh năm 2014 và N.T.N.Ph., sinh năm 2011 rủ nhau đạp xe đi chơi. Đến 8 giờ cùng ngày, gia đình bà nhận được tin thông báo 2 cháu bị tàu hỏa đâm.

Nơi 2 cháu gặp nạn là đường vào xóm Hoa Bắc, thôn Quỳnh Khê giao cắt với đường sắt Hà Nội-Hải Phòng. Cháu L. đã không qua khỏi, cháu Ph. bị thương. Tin dữ ấy như xé toạc tim gan bà Hồng, khiến bà đứng không vững, rụng rời tay chân.

Cho đến ngày hôm nay, mỗi lần nhìn lên di ảnh của đứa cháu nội bé bỏng, bà Hồng đều không cầm được nước mắt vì thương đứa cháu nhỏ ngoan ngoãn, lễ phép nhưng bạc mệnh.

Gần một tháng trước khi chúng tôi thực hiện bài báo này, tuyến đường sắt đi qua Kim Thành ghi nhận một vụ tai nạn giao thông thương tâm khác. Vụ tai nạn xảy ra sáng 25.5, tại km 72+315 tuyến đường sắt Hà Hải đoạn qua thôn Phạm Xá 2, xã Tuấn Việt đã cướp đi sinh mạng của một người đàn ông gần 70 tuổi.

Khoảng 10 giờ sáng hôm ấy, cũng như bao buổi sáng khác, ông N.V.T., sinh năm 1957, ở thôn Phạm Xá 2, xã Tuấn Việt phóng xe máy đi đón cháu tan học. Nhà ông T. gần đường tàu, mấy chục năm sống ở đây nên ông nắm rất rõ lịch tàu chạy, hơn thế ông T. lại là người rất cẩn thận. Nhưng chỉ vì một phút lơ là, thiếu chú ý quan sát mà ông T. đã phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Đường ngang qua đường sắt nơi ông T. gặp tai nạn không có barie và cũng không có người gác chắn. Đây là vụ tai nạn đường sắt thứ 2 xảy ra ở huyện Kim Thành và là vụ tai nạn đường sắt thứ 3 trong tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng trên địa bàn tỉnh dài 45,6 km, trải dài qua 18 xã, phường, thị trấn của các huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà, Kim Thành và TP Hải Dương, do Công ty CP Đường sắt Hà Hải quản lý, bảo trì. Toàn tuyến có 33 đường ngang (12 đường ngang có người gác, 21 đường ngang có cần chắn tự động), 166 lối đi tự mở. Riêng huyện Kim Thành có nhiều nhất với 15 đường ngang (4 đường ngang có người gác, 11 đường ngang có cần chắn tự động), 128 lối đi tự mở.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ điểm lại 2 trong số rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên tuyến đường sắt đi qua huyện Kim Thành trong nhiều năm trở lại đây. Đau thương, mất mát, thậm chí ám ảnh, sợ hãi - đó là tâm lý chung của rất nhiều người, kể cả thân nhân những người xấu số cho đến người dân bình thường khác. Bởi mỗi ngày, họ đều phải đi qua những vị trí từng xảy ra tai nạn mà phần lớn trong số những lối đi qua đường sắt ấy là lối đi tự mở.

Năm 2022, Hải Dương xảy ra 11 vụ tai nạn và va chạm giao thông đường sắt làm 7 người chết, 3 người bị thương. Trong đó riêng huyện Kim Thành xảy ra 8 vụ, 6 người chết, 2 người bị thương. 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 3 người chết thì huyện Kim Thành xảy ra 2 vụ, 2 người chết. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những con số đau thương, ám ảnh này.

Theo ông Lưu Văn Ngự, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, nếu như tuyến đường sắt qua TP Hải Dương và 2 huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà chạy vào các tuyến đường gom, đường nhánh thì tuyến đường sắt đi qua huyện Kim Thành lại chạy dọc theo quốc lộ 5, có nhiều khu dân cư sát mặt đường. “Quốc lộ 5 có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, người tham gia giao thông nhiều thành phần, nhiều đường ngang, lối mở… Đó là một số nguyên nhân khiến nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt ở địa phương này cao hơn hẳn các nơi khác”, ông Ngự phân tích.

Thiếu tá Nguyễn Minh Tân, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hải Dương) nhận định, hạ tầng đường sắt đi qua huyện Kim Thành rất phức tạp, số lượng lối đi tự mở chiếm tới gần 80% tổng số lối đi tự mở qua đường sắt toàn tỉnh. “Bên cạnh nguyên nhân này, do tuyến đường sắt qua huyện Kim Thành dọc theo quốc lộ 5 nên âm thanh của các phương tiện giao thông đã ảnh hưởng không nhỏ tới người đi đường. Một nguyên nhân khác, đó là không ít vụ tai nạn đường sắt mà nạn nhân là người từ nơi khác đến, không thông đường thuộc ngõ”, ông Tân nói.

Một số nguyên nhân khác xuất phát từ chính người tham gia giao thông. Sự bất cẩn, chủ quan như đứng nghe điện thoại cạnh đường sắt, vô tư đi qua lối mở mà không mảy may quan sát, thậm chí có trường hợp đã có tín hiệu cảnh báo tàu sắp đến nhưng có người vẫn cố lách qua đường tàu…

Đã hơn 9 năm làm công việc cảnh giới đường ngang qua đường sắt đoạn qua thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên, bà Bùi Thị Sâm không ít lần giật mình khi chứng kiến những vụ suýt chết chỉ bởi ý thức kém của người dân. “Dù đã có đèn tín hiệu và hiệu lệnh của người cảnh giới như chúng tôi, nhưng nhiều người ý thức rất kém, không thèm chấp hành hiệu lệnh, cố băng qua đường sắt. Không ít lần, khi tàu sắp đến, chúng tôi cảnh báo đến khản cổ nhưng một số người dân vẫn chẳng thèm nghe. Không hiểu nhanh chậm gì một vài phút chờ tàu mà người dân phải liều cả mạng sống như vậy?”, bà Sâm chia sẻ.

Ngay trong quá trình thực hiện ghi hình và phỏng vấn bà Sâm, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một trường hợp thanh niên giao hàng vì mải nghe điện thoại mà không để ý tàu đến gần. Đoàn tàu đang lao đến, khoảng cách chỉ cỡ vài mét, còn thanh niên kia vẫn thản nhiên băng qua. Ngay lúc ấy bà Sâm và chúng tôi đã cùng hét lên. Chiếc xe máy phanh khựng lại tích tắc trước khi đoàn tàu đi qua. "Sởn cả da gà" là cảm giác chung của nhóm phóng viên chúng tôi ngay lúc đó.

'

Bài toán phải sớm có lời giải

Để khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông, Hải Dương đang đề xuất xây dựng thêm một nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5 qua đường sắt Hà Nội-Hải Phòng thuộc địa phận các xã Kim Xuyên, Ngũ Phúc (Kim Thành) và xã Thượng Quận (Kinh Môn) với tổng kinh phí dự kiến 1.867 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2023-2025.

Đây là nút giao khác mức liên thông dạng hình vòng xuyến trên cao gồm cầu chính và 8 nhánh lên xuống. So với nút giao lập thể tại điểm giao cắt đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, quốc lộ 5 và đường tỉnh 390 (nút giao lập thể Ba Hàng), nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5 qua đường sắt Hà Nội-Hải Phòng có quy mô lớn hơn.

thiet-ke-chua-co-ten-13(2).jpg
Thiết kế nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5 qua đường sắt Hà Nội-Hải Phòng (ảnh do Sở Giao thông vận tải cung cấp)

Việc xây dựng nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5 qua đường sắt Hà Nội-Hải Phòng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông trên quốc lộ 5, kết nối thuận lợi mạng lưới giao thông huyện Kim Thành, thị xã Kinh Môn với các khu vực lân cận. Theo ông Vũ Văn Tùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Dương, nút giao giữa quốc lộ 17B với quốc lộ 5 qua đường sắt là một trong những khu vực xung đột giao thông rất lớn, từ các luồng phương tiện đan chéo nhau cả đường bộ lẫn đường sắt.

“Nút giao liên thông ở vị trí này khi được xây dựng sẽ giảm thiểu tình trạng ách tắc, xung đột ấy và chắc chắn hình ảnh xe chở container dừng hàng dài mỗi khi chờ tàu sẽ không còn nữa. Người dân qua lại đường sắt cũng sẽ an toàn hơn. Nút giao này đồng thời từng bước hoàn thành tuyến giao thông kết nối đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với quốc lộ 18”, ông Tùng nói.

Ít năm trước, một dự án đường gom đường sắt Hà Nội – Hải Phòng qua Kim Thành đã được đề xuất. Dự án đường gom đường sắt qua huyện Kim Thành này dự kiến được thực hiện trên địa bàn các xã Tuấn Việt, Kim Xuyên, Phúc Thành và Kim Liên, với 5 đoạn tuyến đường gom, rào chắn đi qua các khu dân cư hiện tại, tiếp giáp bên phải quốc lộ 5 và đường sắt theo hướng Hà Nội-Hải Phòng.

Chị Vũ Thị Thu ở thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên (Kim Thành) chia sẻ: “Người dân chúng tôi rất vui mừng khi nghe thông tin này. Nhưng đến nay, vì nhiều lý do mà dự án chưa hoàn thành. Chúng tôi chỉ mong sao sớm có đường gom để việc tham gia giao thông được an toàn, thuận tiện”.

Được biết, dự án này được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ trì, hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh báo cáo. Bên cạnh những giải pháp trên, Ban An toàn giao thông huyện Kim Thành đã bố trí lực lượng cảnh giới tại 24/132 điểm là đường ngang dân sinh tự phát, trong đó 12 điểm có cần chắn tự động. Lãnh đạo huyện này cũng yêu cầu các địa phương chú trọng giải tỏa hành lang đường sắt, nhất là các vị trí đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt để không bị che khuất tầm nhìn, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn.

Huyện Kim Thành đang quyết tâm, cố gắng hạn chế đến mức tối đa, không để phát sinh lối đi tự mở mới, thực hiện giảm số lượng, xóa bỏ các lối đi tự mở đang có, xây dựng đường gom kết hợp hàng rào bảo vệ để nối vào các đường ngang, các vị trí giao nhau khác mức nhằm giảm số lượng lối đi tự mở qua đường sắt. “Chúng tôi cũng đề xuất ngành đường sắt nghiên cứu, lắp đặt hệ thống biển cảnh báo tàu hỏa bằng đèn LED, có thể hiện dòng chữ cảnh báo trước và trong khi tàu chạy qua tại các lối đi tự mở trên tuyến nhằm thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông qua đường sắt cả ban ngày và ban đêm”, ông Nguyễn Phúc Công, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phó Trưởng ban Ban An toàn giao thông huyện Kim Thành thông tin. 

Một vấn đề khác, trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi nhận thấy tại các điểm cảnh giới đường sắt, người thực hiện nhiệm vụ cảnh giới khá bị động khi nhắc đến lịch trình tàu chạy qua, do họ không có bộ đàm liên lạc. Thiết nghĩ, ngành giao thông vận tải Hải Dương cần rà soát, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất trang bị bộ đàm cho những người cảnh giới đường sắt. Nắm rõ lịch trình tàu chạy cũng đồng nghĩa với việc cảnh báo người dân chủ động hơn.

Thực hiện: HÀ NGA - HÀ KIÊN

Ảnh: THÀNH CHUNG

Hà Nga-Hà Kiên-Thành Chung