Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:00, 23/06/2023
Hợp tác xã Tân Minh Đức (Gia Lộc) bước đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Băn khoăn của những người làm nông nghiệp công nghệ cao cũng chính là vấn đề nóng được bàn thảo nhiều trên nghị trường Quốc hội mấy ngày vừa qua. Ai cũng biết nông nghiệp công nghệ cao là tương lai, là xu hướng tất yếu của nông nghiệp Việt nhưng những khó khăn, điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành sản xuất này vẫn còn nhiều và chưa được giải quyết thấu đáo. Cụ thể như các vấn đề về vốn, cơ chế chính sách hỗ trợ, công nghệ, thị trường tiêu thụ…
Hải Dương đã có nhiều cú hích cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bằng chứng qua hơn 2 năm triển khai Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030", tỉnh đã hỗ trợ người dân xây dựng 2,15 ha nhà màng, thuê trên 140 ha đất để sản xuất quy mô lớn; hỗ trợ mở rộng 212 ha cây vụ đông, cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho 476,8 ha rau, trái cây, 36 cơ sở chăn nuôi VietGAP, an toàn dịch bệnh, 86,5 ha nuôi thủy sản... Tổng kinh phí hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gần 29 tỷ đồng.
Đây là kết quả bước đầu về sự quan tâm của tỉnh đối với nông nghiệp công nghệ cao, nhưng có lẽ vẫn còn chưa đủ để tạo ra cú hích lớn hơn cho một nền nông nghiệp hiện đại phát triển bền vững. Nguồn lực mà những người làm nông nghiệp công nghệ cao phải tự đầu tư cao hơn rất nhiều và phần lớn họ đang phải tự "bơi". Từ việc tự tìm cây con, phương thức canh tác phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Hải Dương cho đến tìm ra “bến đỗ” của sản phẩm vẫn chủ yếu do người đầu tư sản xuất, chăn nuôi.
Vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa phát triển xứng tầm như tỉnh kỳ vọng. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đa phần mới chỉ ở một khâu hay một công đoạn sản xuất. Số doanh nghiệp, hợp tác xã hay đơn vị có sức đầu tư ứng dụng công nghệ cao đồng bộ trong nông nghiệp của tỉnh còn khá khiêm tốn.
Hải Dương có nhiều điều kiện phát triển nông nghiệp với vựa rau, vựa lúa và nhiều nông sản đặc sản, nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn của khu vực đồng bằng sông Hồng. Để nông nghiệp công nghệ cao phát triển, trở thành điểm sáng trong nông nghiệp thì cần những cú hích lớn hơn và sự thay đổi toàn diện. Những điểm nghẽn, khó khăn cho phát triển công nghệ cao cần sớm được tháo gỡ, tiếp cận vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn. Cuối năm 2022, Tập đoàn Royal K, Công ty TNHH Hi-Tech Farm (Hàn Quốc) đã về làm việc tại Hải Dương và mong muốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý cũng như môi trường kinh doanh tốt, các doanh nghiệp trên có thể là mô hình mẫu để các tổ chức, cá nhân của tỉnh học hỏi và từ đó tìm ra hướng đi phù hợp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của riêng mình.
BẢO ANH