Quy định rõ việc cấm lấn chiếm sông suối, kênh rạch

Môi trường - Ngày đăng : 19:10, 21/06/2023

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng trong khoản 4 điều 10 dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chưa quy định rõ các hành vi bị cấm.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. 
Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phát biểu góp ý tại hội trường Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV chiều 20.6 vào Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy dự thảo đã quy định tương đối đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, trong khoản 4 điều 10 có quy định hành vi bị cấm là “lấp sông suối, kênh rạch” chưa rõ các hành vi bị cấm.

"Thực tế hiện nay, rất nhiều dòng sông tuy chưa bị lấp nhưng bị người dân lấn chiếm diện tích ven sông bằng cách đổ vật liệu bồi đắp, biến phần mặt nước sông thành diện tích đất để sử dụng. Đa số các con sông có gia đình sinh sống hai bên bờ đều rơi vào tình trạng bị lấn chiếm. Tôi đề nghị quy định rõ hành vi bị cấm là lấn chiếm, lấp sông suối, kênh rạch…", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị.

Về chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước, dự thảo luật đã quy định về việc ưu tiên đầu tư, có chính sách ưu đãi đối với các dự án khai thác nước để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt. Để chính sách này có thể đi vào thực tế cuộc sống, cần có cơ chế để triển khai thực hiện hiệu quả, làm rõ việc ưu tiên và các chính sách ưu đãi được thực hiện như thế nào. Từ kinh nghiệm thực tiễn, đại biểu Việt Nga cho rằng các chính sách ưu tiên, ưu đãi chỉ đạt được hiệu quả khi có các quy định, quy trình cụ thể để triển khai. Nếu các quy định về chính sách ưu đãi chỉ mang tính chất chung chung sẽ rất dễ bị vướng, thậm chí bị lãng quên khi luật có hiệu lực thi hành.

Về bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, điều 10 dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng của nguồn nước sinh hoạt đối với các nguồn nước trên địa bàn. Theo đại biểu, quy định này là hợp lý và cần thiết để tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm của chính quyền cũng như người dân trong bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, để đông đảo nhân dân nắm được thông tin về chất lượng nguồn nước sinh hoạt và lựa chọn sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, quy định này còn quá chung chung, chưa rõ hình thức thực hiện công bố thông tin như thế nào, trên các kênh nào, theo chu kỳ ra sao? ...

Đại biểu Việt Nga cũng nhất trí cao với việc bổ sung nội dung phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vào dự thảo luật để bảo đảm loại trừ tối đa các hành vi tác động tiêu cực tới nguồn nước. Đại biểu Việt Nga góp ý vào khoản 5 về quy định các hồ chứa, đập dâng và công trình khai thác, sử dụng nước khác khai thác nước không hiệu quả, gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng thì phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ.

Theo đại biểu, quy định như trên còn khá dễ dãi, chưa nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nguồn nước khi “gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước” tới mức nghiêm trọng mới phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ. Mặt khác, mức độ “ô nhiễm nghiêm trọng” cụ thể là như thế nào cũng chưa được quy định rõ. Đại biểu Việt Nga đề nghị sửa theo hướng bỏ từ “nghiêm trọng”. Các hồ chứa, đập dâng và công trình khai thác nước sử dụng không hiệu quả, gây suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước phải cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc phá dỡ. 

PHONG TUYẾT