Làm báo trong tù

Tin tức - Ngày đăng : 20:34, 21/06/2023

Trong nhà lao cái gì cũng không có nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn tìm cách để xuất bản các tờ báo, mở mang nhận thức, hiểu rõ địch, hiểu rõ chủ trương của ta, vừa để giải trí.


Trưng bày "Đứng lên và cất tiếng" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp người xem tiếp cận với những tờ báo đặc biệt được xuất bản sau song sắt (ảnh tư liệu) 

Hầu hết các chiến sĩ cách mạng tiền bối của chúng ta như Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Xuân Thủy, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Hoàng Thao, Nguyễn Cơ Thạch, Hoàng Văn Thụ…. đều đã bị thực dân Pháp bắt và cầm tù ở những nhà lao nổi tiếng tàn bạo như Sơn La, Kon Tum, Lao Bảo, Phú Quốc, Côn Đảo…

Trong lao tù vô cùng cực khổ bởi các kiểu tra tấn, đày đoạ của bọn cai ngục, các đồng chí còn phải trải qua bệnh tật hành hạ, sơn lam chướng khí, nóng bức của mùa hè, rét cắt da cắt thịt của mùa đông... Ấy vậy mà các chiến sĩ cách mạng không hề nao núng. Họ vẫn đoàn kết đấu tranh giữ vững bản lĩnh thép của người cộng sản. Và một trong những phương pháp đấu tranh của họ là làm báo.

“Làm báo”. Hai từ ấy làm bao người ngạc nhiên, thậm chí không tin đó là sự thật. Bởi vì làm báo ở ngoài đời đã rất khó, nào là phải có kỹ năng chuyên môn để viết bài, phải lấy tư liệu để viết, phải có ban biên tập, phải có phương tiện in ấn và cuối cùng là phải có bạn đọc. Còn trong tù… tất cả những cái “phải có” vừa nêu thì đều không thể có. Thế mà vẫn có báo. Quả là một điều kỳ diệu. Vậy họ đã làm thế nào?

Theo đồng chí Xuân Thủy (người đã từng bị tù ở Sơn La) thì trong nhà tù Sơn La những chiến sĩ cách mạng đã cho ra đời tập san Suối Reo. Tập san ra mỗi tháng hai kỳ. Mỗi kỳ hai số viết bằng bút trên giấy thường. Khổ báo 20 x 14 cm. Đồng chí Trần Huy Liệu được cử làm chủ bút đầu tiên, sau đó đến Xuân Thủy. Số đầu tiên ra mắt vào tháng 5.1941. Lời tựa là bốn câu thơ của Xuân Thủy: “Thu sang hoa cỏ già rồi/ Suối Reo lên để cho đời trẻ trung/Thu sang non nước lạnh lùng/ Suối Reo lên để cho lòng ta reo”. Suối Reo có nhiều bài viết bằng nhiều thể loại: nghị luận chính trị, truyện ngắn, châm biếm, vui cười, thơ ca… Những dịp lễ, kỷ niệm như Ngày Quốc tế Lao động 1.5, Cách mạng tháng 10 Nga… báo ra nhiều trang hơn.

Làm tập san như vậy thì lấy giấy ở đâu? Anh em đã nghĩ ra mẹo. Trong tù, bọn cai ngục không cho tù nhân mang bút mực. Anh em đấu tranh đòi mỗi tháng được viết thư về nhà một lần, chúng phải đồng ý. Thế là có giấy, bút, mực. Cả ngày các anh phải đi làm dưới sự cai quản chặt chẽ của gác ngục. Đó chính là thời gian các anh nghĩ về đề tài mình sẽ viết, nắm bắt hiện thực cảnh tù tội hoặc âm mưu của lũ quản ngục. Đêm về phòng giam đóng cửa lại, các anh cắt cử người canh gác đề phòng bọn giám thị rình mò. Còn lại tất cả tụm lại từng nhóm làm báo. 9 giờ tối chúng tắt đèn, các anh mắc trộm bóng, che ánh sáng khỏi ra ngoài để tiếp tục viết. Bờ tường được khoét lỗ để cất báo rồi bịt lại. Vì thế mà bọn cai ngục mấy lần kiểm tra trại tù vẫn không nhìn thấy. Suối Reo vẫn reo ngay trước mắt kẻ thù. Số báo đặc biệt kỷ niệm Ngày thành lập Đảng dài hơn 60 trang được anh em bí mật truyền nhau đọc. Đặc biệt là bài thơ của Xuân Thủy thì hầu hết mọi người đều thuộc: "Đảng ta từ thuở ra đời/ Bao phen máu đỏ vẫn ngời lòng son./ Sơn La những núi cùng non/ Dù cho đá lở vẫn còn suối reo./ Hôm nay rừng nặng sương chiều/ Ngày mai nắng sớm lưng đèo nở hoa".

Ở nhà tù Côn Đảo giai đoạn 1947 - 1950, phong trào làm báo rất rầm rộ. Năm 1949, tổ chức Liên đoàn tù nhân ra đời. Đây là tiền thân của tổ chức Đảng Cộng sản trong nhà tù Côn Đảo. Tháng 11 năm ấy, tạp chí Côn Đảo mới, tiếng nói của Liên đoàn tù nhân ra đời, do trưởng ban tuyên truyền Trương Anh Tuấn phụ trách. Báo ra hằng tháng, đăng các chủ trương chỉ đạo hoạt động của liên đoàn trên toàn đảo cùng những tin tức của các khám. Bên cạnh báo viết “Côn Đảo mới” còn có “báo nói” lợi dụng vào buổi phát thanh mỗi tối của nhà tù. Khi chuông mồm “Boong! Boong!” của trật tự vang lên, mọi người đều ngồi ngay ngắn và yên lặng. Từ góc khám vang lên tiếng nói: “Đây là đài phát thanh khu…, tiếng nói của tù nhân khu… Chương trình được phát ngắn gọn nhằm phổ biến chủ trương, chỉ thị của liên đoàn cùng tin tức của các khu. Thứ bảy hoặc ngày lễ còn có cả chương trình văn nghệ truyền thanh. 

Ngoài tờ “Côn Đảo mới”, Ban Tuyên huấn còn có thêm tờ Đời sống mới. Đồng chí Trương Anh Tuấn, Trịnh Xuân Hà vừa là người lãnh đạo, vừa là người viết bài chính. Họa sĩ Nam Hải trình bày mỹ thuật. Trần Quốc Phiên thư ký tòa soạn. Cộng tác có cả chục anh em khác để viết bài, biên tập, “in ấn”. 

Hội Văn nghệ của tù Côn Đảo cũng được thành lập gồm những chiến sĩ cách mạng là những văn nghệ sĩ, những người yêu thích văn nghệ. Hội Văn nghệ thường tổ chức làm báo tường, thơ, diễn “kịch cương” (vừa diễn vừa sáng tác kịch bản). Hài kịch cũng là loại hình anh em hay diễn. Anh Lý Tiến Vinh là diễn viên hài nổi tiếng trong nhà tù Côn Đảo. 

Hội Văn nghệ còn có tờ báo Văn nghệ, là nơi động viên anh em sáng tác, cho ra đời hàng trăm bài thơ để đăng báo hoặc để anh em thuộc lòng. Đội ngũ sáng tác tiêu biểu như Song Việt, Văn Quý, Tô Lịch, Đồng Mạ, Lê Đình, Văn Lân, Kim Diệu Lý… 

Đặc biệt là báo tường phát triển mạnh, kịp thời. Khám tù tử hình có tờ Bạn tù. Kíp lò vôi có tờ Tiến lên. Kíp thợ hồ có tờ Xây dựng…

Mặc dù các tờ báo đều rất thô sơ, nhỏ gọn, số trang ít là hai, nhiều tới cả chục trang. “In ấn” chủ yếu là chép tay, cũng có tờ in bột. Tất nhiên đều rất bí mật. Có báo viết ngay xuống sàn, viết ở nhà vệ sinh, bằng gạch non, phấn. Nếu có động, anh em kịp thời xóa sạch. Song tù nhân ai cũng thích đọc vì đọc báo để mở mang nhận thức, hiểu rõ ta, địch, hiểu rõ chủ trương của ta. Đọc báo còn được thưởng thức thơ văn của các bạn để nhận thức sâu sắc hơn về cách mạng, về tương lai. Cũng có lúc chỉ là cái cười giải trí.

Phong trào làm báo của các chiến sĩ cách mạng còn cuốn hút cả tù thường phạm. Khám tù thường phạm có tờ Cởi áo giang hồ. Tờ báo không chỉ giải thích nguồn gốc của giang hồ là do nghèo đói, bất công, do nhận thức sai lầm mà còn ca ngợi những giang hồ giác ngộ cởi bỏ tấm ấo xấu xa tội lỗi để tham gia kháng chiến như các “anh lớn” Ba Dương, Tám Mạnh đã một thời nổi đình nổi đám với những đâm chém, cướp bóc. 

Hầu như nhà tù nào tù nhân cách mạng cũng tự làm ra báo. Tờ báo quay lại phục vụ cho chính họ. Cũng không ít “tờ báo” bị bọn cai ngục phát hiện. Không ít “người làm báo” trong tù phải chịu tra tấn, chịu đổ máu vì “báo”.

Ngày nay, có đặt mình vào hoàn cảnh tù tội của đế quốc Pháp, Mỹ mới hiểu được báo chí trong nhà tù đế quốc như thế nào và ta càng thấy giá trị cao quý của báo chí, càng kính phục những chiến sĩ cách mạng và trân trọng những đóng góp, hy sinh của họ. 

VĂN DUY