Những quốc gia dùng USD như đồng nội tệ

Tin tức - Ngày đăng : 14:00, 20/06/2023

Trong khi một số quốc gia đi theo xu hướng phi đô la hóa thì một số nước lại sử dụng đồng bạc xanh như đồng nội tệ.


Đồng đôla Mỹ. Ảnh minh họa

Theo tờ Business Insider, cuộc bầu cử tổng thống của Argentina có thể quyết định liệu nước này có sử dụng đồng đô la Mỹ làm đồng tiền riêng hay không và có khả năng Argentina trở thành nền kinh tế lớn nhất làm như vậy.

Đây là sự tương phản đáng chú ý với xu hướng phi đô la hóa ở các quốc gia đang cố gắng giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh trong các giao dịch toàn cầu và nắm giữ dự trữ.

Theo ông Marc Chandler, Giám đốc chiến lược thị trường tại Bannockburn Global Forex: “Nếu Argentina sử dụng đồng đô la Mỹ, thì không khác gì họ để ngân hàng trung ương và chính sách tiền tệ phụ thuộc vào Mỹ. Tôi cảm nhận được rằng rất ít quốc gia, đặc biệt là một số quốc gia lớn, thực sự muốn làm điều đó. Chủ nghĩa dân tộc dường như quá mạnh”.

Tuy nhiên, có một số các quốc gia khác đang sử dụng đồng đô la Mỹ làm nội tệ.

Ecuador

Quốc gia Mỹ Latinh này đã sử dụng một số loại tiền tệ trước khi dùng đồng sucre. Tuy nhiên, khi đồng tiền này trở nên vô giá trị, nhiều người dân bắt đầu tích lũy đô la Mỹ và đô la hóa Ecuador một cách không chính thức. Ecuador cuối cùng đã sử dụng đồng đô la Mỹ vào năm 2000.

Panama

Quốc gia Trung Mỹ này sử dụng đồng đô la Mỹ cùng với đồng nội tệ của mình. Đồng balboa của Panama được neo giá 1 ăn 1 với đồng bạc xanh và chỉ được phát hành dưới dạng tiền xu. Cấu trúc này được thành lập từ năm 1904 sau khi Panama tuyên bố độc lập.

El Salvador

Đồng tiền của Mỹ đã thay thế đồng colón của El Salvador vào năm 2001 để ổn định nền kinh tế của nước này. Gần đây hơn, El Salvador đã chuyển sang công nhận bitcoin vào năm 2021.

Zimbabwe

Đồng bạc xanh đã được sử dụng trong 77% giao dịch ở Zimbabwe trong năm nay sau khi đồng đô la Mỹ được đưa vào sử dụng trở lại để kiềm chế lạm phát do đồng đô la Zimbabwe gây ra. Đây là lần thứ hai kể từ năm 2009, đồng tiền của Mỹ được đưa vào sử dụng.

Đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thúc giục Zimbabwe thực hiện thêm các hành động cải cách tiền tệ, như cho phép thả nổi tự do đồng nội tệ

Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste

Đồng đô la Mỹ trở thành đồng tiền hợp pháp của quốc gia này vào năm 2000 sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1999.

Liên bang Micronesia

Quốc đảo ở phía Tây Thái Bình Dương này đã sử dụng đồng đô la Mỹ sau khi giành được độc lập vào năm 1979.

Quần đảo Marshall


Ảnh minh họa

Quốc đảo Nam Thái Bình Dương này đã sử dụng đồng đô la Mỹ từ năm 1979. Mặc dù IMF đã kêu gọi xem xét lại động thái này, nhưng nước này cũng đã thông qua luật thiết lập một loại tiền điện tử quốc gia vào năm 2018.

Cộng hòa Palau

Quốc gia ở quần đảo Thái Bình Dương này đã sử dụng đồng đô la Mỹ kể từ khi thành lập vào năm 1994. Gần đây, họ đã hợp tác với công ty tiền điện tử Ripple vào tháng 1.2022 để phát triển một loại tiền ổn định.

Trong khi đó, các lãnh thổ và khu vực khác cũng sử dụng đồng đô la Mỹ gồm có Puerto Rico, Guam, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Bonaire, Samoa thuộc Mỹ, Turks và Caicos.

Xu hướng phi đô la hóa


Trong ảnh: Đồng rupee của Ấn Độ

Trái lại xu hướng đô la hóa trên, một số quốc gia đang tích cực theo đuổi quá trình phi đô la hóa, như Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ, các quốc gia ASEAN, Kenya, Saudi Arabia và UAE. Ấn Độ đã cùng với Trung Quốc thúc đẩy giao dịch bằng đồng tiền riêng là đồng rupee để thay thế cho đồng USD trong thương mại toàn cầu.

Cụ thể, vào ngày 29.3 vừa qua, Ấn Độ đã công bố chính sách ngoại thương mới, cho phép sử dụng đồng rupee trong thương mại với các quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu USD hoặc khủng hoảng tiền tệ. Malaysia là quốc gia mới nhất tham gia chương trình này.

Trước đó vào tháng 7.2022, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã quyết định cho phép thanh toán thương mại quốc tế bằng đồng rupee. Động thái này nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu và hỗ trợ lợi ích của các thương nhân sử dụng đồng rupee. Ấn Độ cũng đã giao dịch bằng đồng rupee với Nga, Mauritius, Iran và Sri Lanka.

Ngày 15.5, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tuyên bố nước này sẽ tìm cách tham gia xu hướng phi đô la hóa đang được nhiều quốc gia theo đuổi. Tổng thống Maduro cho rằng xu hướng phi đô la hóa xuất phát từ những thách thức kinh tế và địa chính trị mà nhiều quốc gia phải đối mặt do các lệnh trừng phạt hoặc ảnh hưởng của Mỹ. Ông nhấn mạnh Venezuela cần tham gia các sáng kiến nhằm giảm bớt phụ thuộc vào đồng USD và hướng tới một nền kinh tế tự do mới, nơi tiền tệ không phải là công cụ dùng để trừng phạt.

Theo các chuyên gia, quá trình phi đô la hóa là không đơn giản và phải mất nhiều năm để bất kỳ đồng tiền nào có thể thách thức sự thống trị của đồng đô la Mỹ, nhưng xu hướng này là rõ ràng và không thể phủ nhận. Khi nhiều quốc gia chuyển sang các loại tiền tệ khác để giao dịch hàng hóa, Mỹ sẽ phải đối mặt với giá nhập khẩu cao hơn và sự biến động trên thị trường hàng hóa toàn cầu có thể tác động đến sự tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế Mỹ. Do đó, Mỹ có lẽ phải chuẩn bị cho một thế giới mà tiền tệ của họ không còn là lựa chọn chính cho thương mại và đầu tư toàn cầu.

Theo Báo Tin tức