Chuyển đổi số báo chí: Bài 1 - Dòng chảy chuyển đổi số báo chí
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:00, 19/06/2023
Mô hình tòa soạn hội tụ được nhiều báo áp dụng để tích hợp khoa học các loại hình báo chí. Trong ảnh: Tòa soạn hội tụ của Báo Nhân Dân điện tử. Ảnh: Báo Nhân Dân
Xu thế tất yếu
Hơn 10 năm gần đây, công nghệ đã có sự thay đổi lớn, tác động đến hành vi người dùng internet và xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Sự khác biệt giữa báo in, truyền hình và báo điện tử nới rộng bởi yếu tố công nghệ cho phép trình bày các thể loại báo chí đặc thù trên nền tảng internet với tính tương tác cao. Nhiều độc giả lớn tuổi vẫn đang giữ thói quen đọc báo in, nhưng tương lai không xa, những người sinh ra trong thế giới số (digital) sẽ là nhóm độc giả chủ đạo.
Mark Thompson, Giám đốc điều hành của New York Times, dự đoán báo in sẽ chấm dứt vai trò trong vòng 20 năm tới.
Ở góc nhìn kinh tế, theo một thống kê từ From Digital, gần 70% số tiền chi cho quảng cáo trên các ấn phẩm giấy đã bay hơi trong 15 năm qua. Năm 2022, doanh thu quảng cáo trên nền tảng số chiếm hơn 50% và giữ mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn sau của đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang tạo áp lực, đồng thời cũng là cơ hội của các cơ quan báo chí trên môi trường số.
Chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình sử dụng các công nghệ số nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Chuyển đổi số báo chí là đặt công nghệ ở trung tâm của chiến lược phát triển, sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo nguồn thu lớn hơn.
Câu chuyện chuyển đổi số tại báo New York Times
The New York Times là một trong những tờ báo quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ với lượng bản in khổng lồ xuất bản mỗi ngày. Tuy nhiên, với sự phát triển của thiết bị điện tử và xu hướng chuyển đổi số, New York Times cũng không đứng ngoài vòng ảnh hưởng này. Họ đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục khi biến thách thức số trở thành cơ hội. Mặc dù quảng cáo in trên The New York Times trung bình giảm khoảng 18% mỗi năm nhưng tổn thất này lại được bù đắp bởi sự tăng lên của các thuê bao theo dõi và các mẫu quảng cáo điện tử.
Nhiều toà soạn trên thế giới cũng từng rơi vào tình huống tương tự như New York Times – nhận thức rõ ràng báo điện tử là tương lai - nhưng phần lớn uy tín, doanh thu hiện tại vẫn đến từ các sản phẩm và kênh phân phối cũ (in, truyền hình...). Điều này dẫn đến câu hỏi: tổ chức nên đầu tư bao nhiêu (cơ chế, tài chính, nhân sự…) cho báo điện tử?
Mặc dù có hơn 2/3 doanh thu đến từ báo in, The New York Times vẫn quyết định báo điện tử là chiến lược phát triển quan trọng trong tương lai. Cụ thể, với bộ máy lãnh đạo gồm 14 người thì đa số (bao gồm cả người sáng lập) tập trung nghĩ các chiến lược tiếp theo cho kế hoạch số hóa. Một số bài học có thể nghiên cứu từ The New York Times như :
- Tận dụng thế mạnh vốn có là sáng tạo nội dung để bắt đầu quá trình số hóa. The New York Times đã khởi động quá trình số hóa của mình bằng những sản phẩm mới - bản chất là những kho nội dung mang tính thế mạnh từ báo in.
- Chú trọng văn hóa chuyển đổi số trong nội bộ tòa soạn: Nếu muốn tờ báo chuyển đổi số thành công, điều đầu tiên là chuyển đổi số trong bộ máy, không áp dụng máy móc tư duy điều hành, quy trình xuất bản báo in sang báo điện tử.
- Tiếp cận các xu hướng công nghệ mới, các sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu mới của độc giả, đặc biệt trên thiết bị di động.
Quá trình chuyển đổi số quyết liệt đã mang lại cơ hội chuyển mình cho New York Times, một trong những tòa soạn lâu đời nhất nước Mỹ. Sự chuyển đổi kịp thời và chiến lược này đã giúp tòa soạn đương đầu được với một trong những vấn đề cốt lõi cơ bản của ngành báo chí - khi mà công nghệ thay đổi, các thiết bị điện tử lên ngôi thì những tờ báo in truyền thống sẽ phải thay đổi thế nào. New York Times tiên phong chuyển đổi số bằng giá trị cốt lõi, thế mạnh nền tảng là kho tàng nội dung không giới hạn của họ kết hợp với công nghệ hiện đại trong sản xuất, phân phối.
Chuyển động tích cực từ các tòa soạn
Tại Việt Nam, không ít cơ quan truyền thông đã có những thay đổi mạnh mẽ, kịp thời nắm bắt xu hướng chuyển đổi số và đã có những bước đi đúng đắn, tạo nền tảng vững chắc để sẵn sàng bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Một số cơ quan báo chí đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào việc thu thập dữ liệu và phân tích người dùng. Chiến lược thu thập dữ liệu độc giả sẽ giúp các cơ quan báo chí xác định rõ đối tượng độc giả của mình, từ đó mở ra các cơ hội để cải thiện chất lượng nội dung, trải nghiệm người dùng, đồng thời tạo ra những phân khúc hấp dẫn để tăng nguồn thu quảng cáo. Báo Nhân Dân hợp tác với các đối tác quốc tế Chartbeat phát triển công cụ đo lường, phân tích dữ liệu hành vi, nhu cầu độc giả, nhằm giúp tòa soạn cung cấp thông tin đúng nhu cầu của bạn đọc, tối ưu thời gian bạn đọc lưu lại trên báo (time on site) và lượng truy cập (pageviews). Các công cụ phân tích dữ liệu còn gợi ý những chủ đề đang được quan tâm, gợi ý tít bài, hiển thị tỷ lệ truy cập trực tiếp các tin bài trên khu vực nổi bật của báo.
Phóng viên Báo Hải Dương truyền hình trực tuyến Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh
Nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam đã ứng dụng công nghệ, sử dụng các tools (công cụ) miễn phí như Flourish, Infogram... vào quy trình sản xuất các sản phẩm trực quan, dữ liệu. Phóng viên, biên tập viên có thể tự làm Infographic có tính tương tác cao, trong thời gian chỉ vài chục phút thay vì chờ bộ phận kỹ thuật vẽ tay hàng giờ trước đây. Đặc biệt, Báo Nhân Dân đã hợp tác với đối tác quốc tế đưa công cụ Shorthand vào hoạt động sản xuất các bài e-magazine, longform. Đây là công cụ có nhiều tính năng vượt trội cho phép trình bày ấn tượng các sản phẩm đồ họa tương tác, ảnh, video, phục vụ cho nội dung báo chí. Nhiều nội dung mang tính chính trị, kén độc giả nhưng khi được trình bày sáng tạo, trực quan thì thu hút rất nhiều người đọc. Nhờ ứng dụng công nghệ, chi phí sản xuất các bài e-magazine rất hợp lý, tiết kiệm so với trước đây.
Nhiều cơ quan báo chí cũng đẩy nhanh thực hiện chiến lược multi-platform (đa nền tảng) và xu hướng social-first (ưu tiên phát thông tin lên mạng xã hội). Thông tin xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả và chủ động đưa tin đến với độc giả thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin. Không chỉ có một fanpage, nhiều cơ quan báo chí có fanpage cho từng chuyên mục, chương trình trên mạng xã hội Facebook. Nhiều tờ báo, đài truyền hình mở hàng chục kênh trên mạng xã hội YouTube, Tik Tok để đưa thông tin đi xa hơn, rộng hơn, tiếp cận đối tượng độc giả mới. Các fanpage trên Facebook của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, VTV Digital… nằm trong top các kênh mạnh nhất Việt Nam. VTV Digital cũng khai thác các nền tảng phổ biến khác như Instagram, TikTok. Mạng xã hội không chỉ là nền tảng mới phát hành các chương trình của VTV mà còn góp phần thu hút nhiều khán giả trẻ quay lại xem truyền hình truyền thống.
Trong bức tranh chuyển đổi số thời gian qua, báo đảng địa phương cũng có nhiều sự thay đổi đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động sản xuất nội dung, hệ thống quản trị, phân phối đa nền tảng. Theo Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang Mai Đức Thông quá trình chuyển đổi số trước hết tập trung vào báo điện tử. Báo Tuyên Quang đã tiến hành thay đổi giao diện, thay đổi tính năng CMS, làm phát thanh và truyền hình trực tiếp. Tính từ năm 2020 đến nay, Báo Tuyên Quang đã thực hiện hơn 1.400 video, trên 200 bản tin phát thanh, trên 100 chương trình truyền hình trực tiếp.
Mô hình tòa soạn hội tụ được nhiều báo đảng địa phương áp dụng để tích hợp khoa học các loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh) trên các hạ tầng kỹ thuật số, tối ưu hóa nhân lực cũng như trí tuệ tập thể; tăng hiệu quả xử lý thông tin. Các tòa soạn báo đảng địa phương nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số, như: Tuyên Quang, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương…
Tuy đạt những thành tựu ban đầu nhưng nhiều cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số. Theo khảo sát tháng 11.2022 của Báo Nhân Dân với hệ thống báo đảng địa phương trên toàn quốc, có 35 cơ quan báo đảng cho rằng thiếu nhân lực công nghệ là thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số, 27 cơ quan báo chí chỉ ra vấn đề nhân sự tòa soạn thiếu kỹ năng số, 26 cơ quan báo chí cho rằng kinh phí đầu tư hạn hẹp là khó khăn lớn, 7 đơn vị không có chiến lược chuyển đối số dài hạn.
Theo Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh Nguyễn Công Thành, Báo Hà Tĩnh đang đối diện với 3 thách thức mấu chốt trong chuyển đổi số, bao gồm: nguồn nhân lực; kinh phí đầu tư hạn hẹp, hạ tầng công nghệ thiếu đồng bộ; chưa định hình được chiến lược, hướng đi, đích đến trong chuyển đổi số. Báo Hà Tĩnh nói riêng và nhiều tòa soạn báo địa phương hiện còn thiếu những vị trí nhân sự được đào tạo chuyên sâu về công nghệ. Thứ hai, kinh phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi số báo chí còn hạn hẹp, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Hạ tầng công nghệ kỹ thuật của nhiều cơ quan báo chí còn manh mún, chắp vá chưa đáp ứng được yêu cầu, quy trình làm báo hiện đại. Thứ ba, mục tiêu, chiến lược và hướng đi Chuyển đổi số đang là một vấn đề khá “mông lung”. Chuyển đổi số nên bắt đầu từ con người, công nghệ hay nội dung? Làm thế nào để giải bài toán kinh phí, nhân lực? Đó là những câu hỏi lớn mà nhiều cơ quan báo chí đang loay hoay chưa tìm được lời đáp.
Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí
NGÔ VIỆT ANH
Kỳ sau: Chuyển đổi số báo chí: Bài 2 - Bạn đọc được lợi gì?