Nghỉ hè, công nhân ngược xuôi tìm nơi gửi con

Xã hội - Ngày đăng : 10:07, 20/06/2023

Mùa hè là lúc trẻ em được nghỉ ngơi sau một năm học hành vất vả, nhưng đối với công nhân làm ăn xa quê thì thời điểm đó lại khiến họ lo lắng khi phải xoay xở tìm chỗ gửi con.


Bà Phạm Thị Túy từ Thái Bình ra ở trọ cùng con gái để trông 2 cháu trong dịp hè tại xã Tân Trường (Cẩm Giàng)

Phương án “chống cháy” 

Trong căn nhà nhỏ chật chội (ở thôn Quý Dương, xã Tân Trường, Cẩm Giàng), bà Phạm Thị Túy đang trông 2 cháu ngoại, một cháu 5 tuổi, một cháu 6 tuổi. Dù ban ngày nhưng trong nhà rất bí bách và tối. Bà Túy năm nay đã 72 tuổi nhưng vẫn phải từ Thái Bình ra trông cháu cho con gái đi làm. Đây đã là năm thứ sáu con gái bà đi làm ở khu công nghiệp Tân Trường, khi các cháu đi học thì bà về quê, nhưng lần nào nghỉ hè bà cũng phải ra trông cháu. Trời nóng, 3 bà cháu đều toát mồ hôi. Không chỉ trông cháu mà bà còn thường xuyên phải lên tiếng khi các cháu nghịch ngợm, cãi vã nhau, tranh giành đồ chơi.

Bà Túy nói: “Nghỉ học thì các cháu vui đấy nhưng tôi vất vả lắm, vì không có tiền nên không cho các cháu đi học hè được. Tôi ở nhà cố trông cho mẹ chúng nó yên tâm đi làm nhưng quát tháo suốt ngày. Lương ba cọc ba đồng mà nuôi mấy miệng ăn đã là cố gắng lắm rồi, đấy là chưa kể lúc ốm đau phải đi vay mượn”. 

Đến các khu nhà trọ mùa này, gia đình công nhân nào có con nhỏ thì chủ yếu bà trông cháu. Bà Trần Thị Mơ (quê Bắc Giang) cũng phải xuống ở trọ tại xã Tân Trường trông cháu cho vợ chồng con trai đi làm. “May mà đứa lớn đi học hè chứ không cũng như đánh vật suốt ngày. Chúng nó nghịch lắm, loáng cái đã ra khỏi tầm mắt rồi, lúc nào cũng phải để ý đến chóng mặt”, bà Mơ cho biết.  

Hiện nay, hầu hết công nhân đi làm ăn xa phải mang con theo. Tại xã Tân Trường có khoảng 3.000 công nhân, lao động đang tạm trú. Những gia đình có con nhỏ đều phải kèm theo người trông nom. Mùa hè, công nhân không có điều kiện cho con học hè, vui chơi, nhiều nhà phải thuê người trông con khi không có người hỗ trợ.

Chị Phạm Thùy Linh, quê ở Hải Phòng hiện là mẹ đơn thân, làm công nhân tại khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành) cho biết con trai chị năm nay 5 tuổi nghỉ hè nên chị phải thuê người trông 1 triệu đồng/tháng. “Thế nhưng đi làm vẫn thấp thỏm, đi học thì yên tâm nên chắc sắp tới tôi cũng cố cho con đi học hè”, chị Linh nói. 

Nếu không cho con đi học hè, công nhân cũng không biết gửi con nơi đâu, nhốt con trong phòng trọ thì không đành vì các cháu có thể xem điện thoại, tivi suốt ngày, còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, trong khi thời tiết oi nóng, thường xuyên mất điện. Tuy nhiên, ai cũng lựa chọn cho mình phương án “chống cháy” an toàn nhất, phù hợp với hoàn cảnh của mình là nhờ người ở quê lên trông cháu. 

Mong sớm có căn hộ dành cho công nhân

Trong khi tiền điện, nước tăng, ít việc làm, không tăng ca, kéo theo thu nhập của công nhân giảm. Thế nhưng với đồng lương ít ỏi họ vẫn phải trang trải mọi việc. Thấu hiểu nỗi vất vả đó, một số chủ nhà đã giảm tiền trọ. Bà Bùi Thị Loan (ở xã Lai Vu, Kim Thành) cho biết đang giảm 100.000 đồng/phòng cho công nhân dịp hè vì nhu cầu sử dụng điện mùa này nhiều, công nhân thu nhập không cao.

Về lâu dài, các khu công nghiệp cần xây dựng thiết chế công đoàn, trong đó có tổ hợp nhà ở công nhân, khu vui chơi, siêu thị… nhằm hướng tới một cuộc sống ổn định cho công nhân, đặc biệt là những gia đình công nhân ở xa đang làm việc tại Hải Dương. 

Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã làm việc với Hải Dương về đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các bước tiếp theo với dự án thuộc Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trong khu dân cư, nhà ở công nhân và dịch vụ khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng).

Ông Vũ Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tân Trường cho biết mới đây Liên đoàn Lao động tỉnh đã có buổi làm việc với xã, lấy ý kiến về việc triển khai xây dựng nhà ở công nhân. Dự kiến cuối năm sẽ khởi công xây dựng 4 tòa nhà cho công nhân, mỗi tòa 15 tầng cùng với các công trình phụ trợ khác. Khu vực này sẽ đáp ứng được 2.600 chỗ ở cho công nhân, lao động, có trường học liên cấp từ mầm non đến THCS. Các công trình góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, tạo môi trường sống và sinh hoạt ổn định lâu dài cho công nhân, người lao động thu nhập thấp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Còn các khu công nghiệp khác, người lao động vẫn mong muốn có khu vui chơi, trường học để gửi trẻ với chi phí thấp nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động.  

MINH NGUYÊN