Nâng cao chất lượng Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng

Chính trị - Ngày đăng : 15:00, 21/06/2023

Việc gộp 2 giải báo chí thành Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng được xét và trao giải hằng năm sẽ là sân chơi mới để mỗi nhà báo trong và ngoài tỉnh sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao.


Giải báo chí hằng năm của Hội Nhà báo tỉnh sẽ được gộp với Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng, thành Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng, tổ chức xét và trao thưởng hằng năm. Trong ảnh: Các đồng chí: Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Quang Phúc, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Văn Phú trao giải A cho các tác giả đoạt giải báo chí năm 2021 của Hội Nhà báo tỉnh (ảnh tư liệu)

Với việc cho phép gộp giải báo chí Hội Nhà báo tỉnh với Giải thưởng báo chí Nguyễn Lương Bằng, lấy tên là Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng được tổ chức hằng năm, chắc chắn chất lượng giải báo chí của tỉnh sẽ được nâng lên.

Hoàn thành sứ mệnh

Trong nhiều năm qua, Hải Dương có 2 giải báo chí song hành được tổ chức. Đó là Giải thưởng báo chí Nguyễn Lương Bằng được tổ chức 5 năm/lần và Giải báo chí Hội Nhà báo tỉnh được tổ chức hằng năm.

Giải thưởng báo chí Nguyễn Lương Bằng mang tên người chiến sĩ, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, người con quê hương Hải Dương, người sáng lập báo Công Nông, tờ báo Cách mạng đầu tiên ở Hải Dương. Đây cũng là giải thưởng báo chí cao nhất của tỉnh, dành cho những tác phẩm báo chí xuất sắc viết về Hải Dương của các nhà báo và người viết báo trong và ngoài tỉnh, được tổ chức 5 năm một lần, đến nay đã trải qua chặng đường hơn 20 năm. Qua 5 lần trao giải, Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng đã có gần 600 tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh gửi gần 1.000 tác phẩm dự thi, ở 4 nhóm thể loại phản ánh, chính luận, tin, ảnh báo chí thuộc các loại hình báo hình, báo in, báo nói, báo điện tử.

Hầu hết tác phẩm dự Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng có chất lượng tốt, đi sâu phản ánh khó khăn, vướng mắc, nổi cộm, khía cạnh gai góc trong đời sống xã hội, các hiện tượng tiêu cực trên nhiều lĩnh vực, được dư luận đặc biệt quan tâm, gắn với từng thời kỳ, quá trình xây dựng, phát triển, đổi mới của quê hương Hải Dương nói riêng, đất nước nói chung. Cùng với đó là hàng loạt tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống, phản ánh những mặt tích cực, tôn vinh các cá nhân, tập thể điển hình, cổ vũ, động viên cộng đồng xã hội cùng phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, tạo nền tảng, sức mạnh trong sự nghiệp đổi mới. Ở mỗi kỳ xét giải đã đánh dấu sự lớn mạnh, trưởng thành, tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm báo, sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan báo chí, sự gia tăng về số lượng tác phẩm, đa dạng về thể loại, đề tài, hình thức thể hiện. Qua đó càng khẳng định uy tín của giải thưởng.

Cùng với Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng, nhiều năm qua, Hội Nhà báo tỉnh duy trì và tổ chức Giải báo chí Hội Nhà báo tỉnh hằng năm. Đây cũng là sân chơi bổ ích để các nhà báo trong tỉnh có cơ hội thể hiện tài năng. Hằng năm, giải được phát động và tổ chức nghiêm túc, bám sát chương trình, kế hoạch, thể lệ, quy chế... Đề tài tác phẩm đều gắn với các sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng của đất nước, địa phương, phản ánh kịp thời nhiều vấn đề thời sự, các vấn đề nổi cộm bức xúc trong xã hội, cả những vấn đề mới phát sinh, có tác dụng tuyên truyền, cổ vũ, khích lệ, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, phê phán cái xấu, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực từ dư luận. Qua đó, khẳng định vai trò tích cực của báo chí Hải Dương trong công cuộc đổi mới, khẳng định sự trưởng thành, chuyên nghiệp của đội ngũ người làm báo tỉnh nhà.

Sân chơi mới

Có thể khẳng định, bên cạnh những kết quả, dấu ấn đạt được của Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng và Giải báo chí Hội Nhà báo tỉnh thì vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, cần thay đổi để nâng cao hơn nữa chất lượng giải báo chí của tỉnh.

Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng được tổ chức 5 năm một lần nên không ít các vấn đề mang tính thời sự được các nhà báo dày công đầu tư để thu thập thông tin, thể hiện, đến khi xét giải lại hết tính thời sự so với các tác phẩm khác, vì thế không được đánh giá cao. Thậm chí, có tác giả khi đến kỳ gửi tác phẩm còn không nhớ nổi trong 5 năm đó thì nên gửi tác phẩm nào để dự giải. Do tính chất 5 năm một lần nên giá trị giải thưởng so với một số giải thưởng khác còn thấp cũng chưa thực sự khuyến khích được các tác giả đầu tư công phu cho các tác phẩm để tham dự giải…

Còn Giải báo chí Hội Nhà báo tỉnh hằng năm có giá trị giải thưởng rất thấp do kinh phí hạn hẹp. Trước năm 2020, giá trị giải thưởng của tác phẩm đoạt giải A còn thấp hơn nhiều so với nhuận bút những bài có vấn đề thời sự, chất lượng cao được đăng tải trên báo Hải Dương, hoặc phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Dương. Mặc dù từ năm 2020, Hội Nhà báo tỉnh đã nỗ lực kêu gọi xã hội hóa để nâng giá trị giải thưởng lên gấp đôi so với trước đó, nhưng giá trị giải thưởng của tác phẩm đoạt giải A vẫn thấp, chưa tương xứng với công sức tác giả bỏ ra. Vì thế số lượng tác phẩm báo chí gửi về tham dự giải hằng năm còn thấp, nhiều tác giả chưa thực sự quan tâm đầu tư để sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng cao tham dự giải…

Với những hạn chế trong nhiều năm nêu trên của 2 giải báo chí, việc Thường trực Tỉnh ủy cho phép gộp 2 giải báo chí thành Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng được xét và trao giải hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6 chắc chắn sẽ là sân chơi mới, động lực mới để mỗi nhà báo trong và ngoài tỉnh sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Hội Nhà báo tỉnh sẽ tiếp tục phát huy kinh nghiệm nhiều năm tổ chức các giải báo chí tham mưu UBND tỉnh tổ chức Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng giải thưởng. Mong rằng Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng sẽ thực sự thu hút được các nhà báo trong và ngoài tỉnh tham gia, khuyến khích các tác giả sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, kịp thời phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Hải Dương ngày càng phát triển giàu đẹp.

VŨ ÚY