Cuốn sách của Tổng Bí thư lan tỏa xung lực lớn, đẩy lùi trở lực mới - Bài 2: Không thể thiếu trách nhiệm rồi đổ lỗi
Chính trị - Ngày đăng : 19:59, 17/06/2023
Phát biểu kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII vào ngày 17.5.2023, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ làm nhụt chí, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức. Ảnh: TTXVN
Luận điệu mới, rất nguy hiểm
Trong lúc cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, chưa từng có kể từ ngày thành lập nước tới nay, thì nhiều thế lực thù địch ở nước ngoài sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để tung ra một luận điệu sai trái, rất nguy hiểm là “bệnh” thiếu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên bắt nguồn từ “hệ lụy, hậu quả” của công cuộc “đốt lò”. Chúng cố tình suy diễn, gán ghép, tạo mối tương quan giữa 2 vấn đề “nóng” của đất nước hiện nay để tấn công vào tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên, người dân.
Ý đồ của chúng là lấy tình trạng hạn chế, yếu kém, thiếu trách nhiệm của một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên để xuyên tạc, hạ thấp uy tín, làm giảm vai trò, thành quả của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng muốn tạo sự đối lập giữa 2 vấn đề với ý đồ là nếu tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì sẽ triệt tiêu trách nhiệm công vụ.
Thoạt nghe, một số người thấy luận điệu đưa ra có vẻ đúng, nhưng suy nghĩ kỹ hơn thì đó chỉ là trò xảo thuật ngôn từ để lừa dối mọi người. Đáng buồn, một số cán bộ, đảng viên, người dân lại nhận thức sai lạc và cho rằng luận điệu này là đúng, thậm chí lan truyền, cổ vũ cho những quan điểm, thông tin sai trái. Đặc biệt, có những cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm đang bị toàn Đảng, toàn dân ta lên án như tìm được cái cớ, cái “phao cứu sinh” nên đã vô tình hoặc cố ý cổ vũ cho luận điệu nguy hiểm này.
Tôi cho rằng đây là luận điệu mới rất nguy hiểm, mang tính bôi nhọ, phá hoại công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một thách thức mới trong cuộc chiến với “giặc nội xâm”, cần được nhận diện rõ, phân tích thấu đáo để đấu tranh phản bác, xử lý kịp thời.
Yêu cầu đấu tranh với luận điệu sai trái nêu trên đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII vào ngày 17.5.2023: “Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm cầm chừng, phòng thủ, che chắn, giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng nhìn gà hoá quốc!; đừng thấy đỏ tưởng là chín"!
Thiếu trách nhiệm là biểu hiện của suy thoái, tiêu cực
Nhiều người dùng từ “né trách nhiệm”, “sợ trách nhiệm”, “đùn đẩy trách nhiệm”… đã xảy ra trong một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên, nhưng tôi nghĩ rằng dùng từ “thiếu trách nhiệm” là bao quát hơn cả. Suy cho cùng, “né trách nhiệm”, “sợ trách nhiệm”, “đùn đẩy trách nhiệm” đều là biểu hiện của "thiếu trách nhiệm".
Trách nhiệm là chức trách, nhiệm vụ được giao của mỗi người và mọi người phải cố gắng hoàn thành, làm tốt trách nhiệm đó. Cán bộ, đảng viên càng cần gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Một quần chúng, một người bình thường thiếu trách nhiệm đã là không được rồi, còn cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ cao mà thiếu trách nhiệm thì càng cần lên án, xử lý.
Tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm đã được Đảng, Nhà nước chỉ rõ và phê bình. Thiếu trách nhiệm là một biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị và cũng là một biểu hiện tiêu cực được xác định trong Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 1.8.2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, tình trạng thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đã được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội phân tích, đề xuất nhiều giải pháp khắc phục, chấn chỉnh.
Tình trạng này đã tới mức báo động, nếu không xử lý sớm sẽ cản trở phát triển đất nước. Ngày 19.4.2023, Thủ tướng Chính phủ phải có Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Nội dung công điện nêu rõ tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Hậu quả là công việc bị chậm trễ, cản trở và cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy có thể thấy tình trạng thiếu trách nhiệm xuất hiện cả với cán bộ ở cấp Trung ương và địa phương. Những ngành, lĩnh vực mà tình trạng thiếu trách nhiệm của cán bộ rất nổi cộm, được Chính phủ thẳng thắn chỉ ra là đầu tư công, mua sắm công, quản lý đất đai, định giá, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Đầu tư công, mua sắm công, quản lý đất đai… là những ngành, lĩnh vực được xác định xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm của cán bộ rất nổi cộm (Ảnh minh họa)
Minh định nguyên nhân
Đâu là nguyên nhân dẫn tới việc cán bộ thiếu trách nhiệm? Theo tôi có 3 nguyên nhân chủ yếu, gồm 1 nguyên nhân khách quan và 2 nguyên nhân chủ quan.
Thứ nhất, nguyên nhân khách quan là do hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách của đất nước vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên còn nhiều thiếu sót, bất cập, chồng chéo.
Thứ 2, nguyên nhân chủ quan đến từ chính những cán bộ thiếu trách nhiệm. Họ thiếu trách nhiệm bởi nhận thức hạn chế. Họ thiếu trách nhiệm bởi năng lực yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Những người này không nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, năng lực chuyên môn hạn chế nên luôn lo sợ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. Họ không đủ năng lực và nhận thức để làm đúng trách nhiệm.
Thứ 3, nguyên nhân từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Có những cán bộ cấp dưới thiếu trách nhiệm nhưng tập thể, người lãnh đạo cấp trên kiên quyết kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm thì cấp dưới phải làm đúng trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế một số cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu tổ chức cũng chưa làm tròn trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nên cán bộ cấp dưới vẫn không sợ phải chịu trách nhiệm.
Trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu trách nhiệm, tôi không thấy nguyên nhân nào là “hệ lụy, hậu quả” của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Mà cả căn cứ lý luận và thực tiễn lại khẳng định công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực và nhận thức rõ trách nhiệm, làm tròn trách nhiệm luôn đi đôi với nhau, bổ trợ cho nhau.
Rõ ràng, một sự ngụy biện, đưa ra luận điệu vô lý, không có căn cứ thì không thể thuyết phục được xã hội.
Một trang thông tin ở nước ngoài thường xuyên đưa ra luận điệu sai trái, cho rằng một bộ phận cán bộ thiếu trách nhiệm là do hậu quả, hệ lụy của công cuộc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng
Ghi nhận những thành tựu to lớn
Dù các thế lực thù địch ra sức chống phá công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta đẩy mạnh trong 11 năm qua ở 3 nhiệm kỳ đại hội liên tiếp (Đại hội XI, XII, XIII) thì chúng cũng không thể phủ nhận thành tựu to lớn, toàn diện của sự nghiệp “đốt lò” dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng mà người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thậm chí, ngay trong nội bộ những thế lực chống phá Đảng, Nhà nước, dân tộc ta cũng phải nhiều lần công khai thừa nhận kết quả, chuyển biến tích cực trong đấu tranh với “giặc nội xâm”.
Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đều ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Dư luận tiến bộ trên quốc tế và nhiều chính khách các nước, tổ chức quốc tế, hãng thông tấn lớn trên thế giới đánh giá cao kết quả to lớn trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden từng nói: “Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của Ngài trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới”.
Tờ báo Le Monde của Pháp trong một bài viết ngày 21.6.2022 có đoạn: “Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam đã tăng tốc mạnh mẽ và giờ đây không loại trừ ai, từ các đại gia ở khu vực kinh tế tư nhân cho tới các đảng viên là quan chức cấp cao”.
Những thành tựu to lớn trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần làm trong sạch và củng cố hệ thống chính trị, mang lại niềm tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, góp phần thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển lành mạnh, đúng hướng. Những thành tựu ấy làm cho thế lực chống phá phải ngán ngại, tức tối. Những thành tựu ấy cũng khiến một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên “nhúng chàm” tham nhũng, tiêu cực phải kinh hãi, những người có ý muốn tham nhũng, tiêu cực phải chùn tay, lùi bước. Nhưng tuyệt nhiên những thành tựu ấy không phải là “hệ lụy, hậu quả” dẫn tới số ít cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm. Luận điệu xuyên tạc của thế lực chống phá quá khiên cưỡng và lố bịch!
Theo báo cáo tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy các cấp trong cả nước đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và 29 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Thành tựu công cuộc “đốt lò” không chỉ có xử lý vi phạm, mà còn nhiều bước tiến quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế để hướng tới mục tiêu “không thể, không dám, không muốn, không cần” tham nhũng, tiêu cực. Việc kiểm soát quyền lực, công khai, minh bạch, xây dựng văn hóa liêm chính cũng được quan tâm. |
NINH TUÂN
Kỳ sau: Nhân lên thuận lợi, giải quyết thách thức thế nào?