"Chán làm việc" trở thành vấn nạn toàn cầu

Đời sống - Ngày đăng : 17:45, 17/06/2023

Theo khảo sát người lao động trên 160 nước, vùng lãnh thổ của Gallup, “chán làm việc” trở thành một hiện tượng toàn cầu, gây thiệt hại hơn 8.800 tỷ USD cho các nền kinh tế.

"Chán làm việc" hay quiet quitting là thuật ngữ miêu tả hiện tượng nhân viên chỉ làm vừa đủ bổn phận công việc của mình một cách thờ ơ, đối phó, không nhận thêm bất cứ trách nhiệm nào khác dù là nhỏ nhất. Họ là nhóm người bị ảnh hưởng vì lương thấp, thiếu thỏa mãn hay đơn giản vì không thể nghỉ việc và tìm được việc khác tốt hơn.

Thuật ngữ này có thể xuất phát tại Mỹ nhưng đã lan rộng ra phạm vi thế giới. Hãng nghiên cứu Gallup đã khảo sát hơn 122.000 người lao động từ 15 tuổi trở lên tại hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ để xây dựng báo cáo Thực trạng môi trường làm việc toàn cầu năm 2023. Kết quả, 59% trong số này đang "chán làm việc".


Ảnh minh họa

Dựa trên 12 câu trả lời của người tham gia khảo sát, Gallup chia họ làm ba nhóm: gắn bó, không gắn bó và chủ động không gắn bó. Bất kỳ ai thuộc hai nhóm sau đều được xem là "chán làm việc".

Gallup ước tính mức độ gắn bó thấp với nơi làm việc gây thiệt hại 8,8 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, khảo sát của Gallup còn chỉ ra mức độ căng thẳng của nhân viên cao kỷ lục trong năm 2021, với 44% người được hỏi nói họ trải qua tình trạng này trong phần lớn ngày làm việc.

Mức độ căng thẳng có liên quan nhiều đến mức độ gắn bó và tham gia tại nơi làm việc, hơn là với địa điểm làm việc (từ xa, tại chỗ hay kết hợp).

Dù thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, hơn một nửa người cho biết họ đã tìm kiếm công việc mới. Một phân tích khác của Gallup chỉ ra, với nhân viên gắn bó với công việc, họ cần được tăng lương trung bình 31% để nhảy việc, nhưng với một người không gắn bó, họ chỉ cần tăng 22%. Khi được hỏi họ muốn thay đổi điều gì, nhóm đối tượng "chán làm việc" nhắc đến một trong ba thứ: văn hóa, tiền lương và đời sống.

Trong một báo cáo khác của hãng nghiên cứu Deloitte, những nhân viên trẻ đặc biệt tỏ ra căng thẳng khi làm việc. Gần một nửa Gen Z nói họ cảm thấy lo lắng trong hầu hết thời gian. Theo các nhà nghiên cứu, Gen Z không thấy ổn vì lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Nhiều người lo sợ không đạt được các mục tiêu tài chính, cá nhân trong tương lai, bao gồm lập gia đình hay mua nhà.

Theo VnExpress