Đào tạo tại chỗ ở Bệnh viện Đa khoa Hải Dương

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 01:05, 16/06/2023

Chương trình đào tạo tại chỗ ngày càng được Bệnh viện Đa khoa Hải Dương chú trọng đã mang lại nhiều lợi ích cho cả nhân viên y tế và người bệnh.


Một buổi tập huấn kỹ năng cấp cứu bệnh nhân bị sốc phản vệ và ngừng tuần hoàn tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương

Đa dạng 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Dương cho biết song song với nhiệm vụ cấp cứu, chăm sóc và điều trị bệnh nhân, công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm bắt kịp xu thế phát triển của nền y học là nhiệm vụ sống còn đối với mỗi cơ sở y tế, đặc biệt là tuyến tỉnh. Công tác này tác động trực tiếp tới định hướng, chiến lược phát triển của bệnh viện với đích đến cuối cùng là chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày một tốt hơn. Những năm gần đây, công tác đào tạo nguồn nhân lực ở bệnh viện được mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng thông qua việc cử nhân viên đi học tập, làm chủ các kỹ thuật y tế chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến Trung ương và duy trì chương trình đào tạo tại chỗ.

Chương trình đào tạo tại chỗ khá đa dạng về hình thức từ việc mở các lớp học, tập huấn, tọa đàm, nói chuyện, sinh hoạt theo chuyên đề đến tổ chức hội nghị khoa học mang tầm khu vực. Bệnh viện Đa khoa Hải Dương mời các chuyên gia đầu ngành ở Trung ương về giảng dạy; đồng thời sử dụng chính những bác sĩ giàu kinh nghiệm của đơn vị, từng tham dự nhiều khoá đào tạo chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến trên tham gia truyền đạt kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn thực hành cho toàn thể đội ngũ nhân viên y tế tại đơn vị. Từ đây, nhân viên y tế được mở mang kiến thức, nắm vững các kỹ thuật mới, chuyên sâu trong điều trị cận lâm sàng. Trong 3 năm từ 2020-2022, bệnh viện đã tổ chức 80 chương trình đào tạo, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề tại chỗ cho 8.094 lượt nhân viên y tế với một loạt kỹ thuật mới, chuyên sâu như phòng, chẩn đoán, xử trí sốc phản vệ; tiếp cận ô xy hoá máu ngoài phổi; kỹ thuật đặt nội khí quản; quy trình cấp cứu và điều trị đột quỵ não cấp; nâng cao chẩn đoán, xử trí phản vệ và cấp cứu ngừng tuần hoàn; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hiến, lấy, ghép tạng; xử trí bệnh nhân sốc đa chấn thương; phát hiện và xử trí bệnh nhân đột quỵ… 

Chương trình đào tạo tại chỗ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn được thể hiện thông qua việc hội chẩn ca bệnh, các buổi bình bệnh án hoặc hoạt động “cầm tay chỉ việc” của lãnh đạo khoa chuyên môn với nhân viên trong quá trình điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân hằng ngày. Những người đi trước có trách nhiệm truyền đạt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho người đi sau.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa Hải Dương, trên thực tế, cùng một loại bệnh nhưng ở mỗi người lại có biểu hiện khác nhau, có trường hợp biểu hiện bệnh không điển hình, khó chẩn đoán và điều trị. Trong trường hợp này, bắt buộc phải hội chẩn liên khoa, huy động sự tham gia của nhiều bác sĩ giàu kinh nghiệm. “Những buổi hội chẩn giúp bác sĩ chuyên ngành này tích luỹ được kiến thức của chuyên ngành kia và ngược lại. Quan trọng là trí tuệ tập thể được phát huy để đưa ra phương án xử trí tốt nhất, bảo đảm an toàn cho người bệnh", bác sĩ Hoàn nói.

Không chỉ đào tạo cho nhân viên y tế của đơn vị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng thường xuyên cử bác sĩ giàu kinh nghiệm xuống đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên sâu cho nhân viên y tế của hai tuyến huyện và xã để xử trí những ca bệnh liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung bướu, nội tiết…


Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa Hải Dương (phải) hằng ngày vẫn tham gia đào tạo tại chỗ bằng cách "cầm tay chỉ việc" cho nhân viên

Nhiều lợi ích

Công tác đào tạo tại chỗ ở Bệnh viện Đa khoa Hải Dương mang lại rất nhiều lợi ích. Đội ngũ nhân viên y tế được cập nhật, không ngừng nâng cao về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, làm việc chủ động, hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng để đơn vị hướng tới mở rộng, phát triển thêm những chuyên khoa sâu, chất lượng, góp phần thực hiện tốt sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

Điều dưỡng Nguyễn Trọng Cường (Khoa Hồi sức tích cực và chống độc) chia sẻ: “Kiến thức được học trong trường khác nhiều so với thực tế tại bệnh viện. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo tại chỗ đã giúp tôi lĩnh hội kịp thời các kiến thức, kỹ năng để đảm đương được nhiệm vụ. Tôi có thể vận hành thành thạo máy thở, đoán được tình hình bệnh nhân thông qua biểu hiện bên ngoài của họ để xử trí các bước bảo đảm an toàn cho người bệnh”.

Nhân viên y tế được đào tạo thường xuyên giúp người bệnh tiếp cận những kỹ thuật y khoa cao ngay từ cơ sở. Tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì vậy đã giảm mạnh so với trước. Các sự cố y khoa tại bệnh viện cũng ít khi xảy ra. Năm 2022, thời gian điều trị trung bình của bệnh nhân đã được rút ngắn từ 7,5 ngày xuống còn 6,8 ngày. Một số bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tim đập rời rạc, ngừng tuần hoàn, sốc nhiễm khuẩn nặng nhưng vẫn được cấp cứu kịp thời…

BÌNH MINH