Khám phá công viên tượng Phật kỳ bí bên bờ sông Mekong
Khám phá - Ngày đăng : 07:10, 12/06/2023
Lào và Thái Lan là hai quốc gia mà Phật giáo là quốc đạo, có chung dòng sông Mekong, nhiều điểm tương đồng về ngôn ngữ, kiến trúc các công trình chùa chiền. Ở mỗi quốc gia đều có công viên tượng Phật nằm ở hai bờ sông Mekong với nhiều nét chung. Nếu như ở Lào có vườn tượng Phật Xieng Khuan thì phía bên kia bờ sông là công viên tượng Phật Sala Keokou ở Thái Lan.
Sala Keokou tọa lạc ở tỉnh Nong Khai (vùng Đông Bắc Thái Lan), cách cửa khẩu Nong Khai khoảng 10 km và chỉ cách Xieng Khuan ở Vientiane (Lào) khoảng một giờ đi ô tô.
Công viên do Luang Pu Bunleua Sulilat và các môn đồ xây dựng vào năm 1978. Những công trình điêu khắc ở đây hầu hết là sáng tạo của Sulilat, nổi bật với bề ngoài lạ mắt và kích cỡ khổng lồ.
Ở đây có hơn 200 tác phẩm điêu khắc và công trình kỳ quái, tất cả đều được làm bằng bê tông cốt thép với kích thước khác nhau từ nhỏ đến rất lớn. Bao gồm các tác phẩm điêu khắc các vị Đức Phật, một số vị thần Hindu, ngoài ra còn có các tác phẩm điêu khắc hình người, ma quỷ, động vật... và các sinh vật thần thoại như voi ba đầu khá uy phong rất ấn tượng ở khu vực trung tâm.
Các tác phẩm điêu khắc được lấy cảm hứng từ Phật giáo và Ấn Độ giáo, trong đó một số bức tượng điêu khắc cao tới 25 m.
Nổi bật trong đó là bức tượng thần rắn Naga. Đối với người Thái, tượng thần rắn Naga mang nhiều ý nghĩa trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Thái Lan, mang lại niềm tin, may mắn, hạnh phúc, bình an, giàu có.
Với ý tưởng rằng “Các tôn giáo đều có thể chung sống” và là nơi tiêu biểu cho hình ảnh xứ sở giải thoát mọi phiền não như lạc vào cõi Thánh bởi vì nó chứa đầy những ngôi đền khác nhau với nghệ thuật bằng vữa mang lại cảm giác mê hoặc và có nét xen kẽ đáng sợ nhưng lại vừa được tôn kính.
Những bức tượng có một câu chuyện về lịch sử của Đức Phật, từ sinh, giác ngộ, niết bàn, bao gồm nhiều câu chuyện khác nhau theo truyền thuyết, tín ngưỡng Ấn Độ giáo và Thiên Chúa giáo.
Một số tác phẩm điêu khắc mô phỏng các sự kiện từ các câu tục ngữ cổ xưa hoặc truyện dân gian cũng hiển thị dưới chân của những ngôi đền và sẽ có những mô tả chú thích được khắc chữ Thái Đông Bắc “Isaan Thai” và chữ thái miền trung “Central Thai” kể về những câu chuyện liên quan đến tác phẩm ở tại công viên này nhằm mục đích để khách du lịch đọc và nghiên cứu và hiểu.
Anh Artith Manas, hướng dẫn viên du lịch Thái Lan kể rằng, vị cư sĩ khởi công xây dựng công trình ở Viêng Chăn vào khoảng năm 1958, thời điểm đó cả khu vực Đông Dương đang rơi vào cuộc chiến tranh khốc liệt. Cư sĩ Bounlua Suliat, là một con người đặc biệt, cả hai lần xuất gia, khi mặc áo vàng - mắt của ông đều bị mù không nhìn thấy gì, ngộ được căn nguyên "không thể xuất gia", ông đã sống đời sống của một vị cư sĩ ẩn tu.
Bounlua Suliat là người thông minh, giỏi về kiến trúc, triết học Hindu, triết học Phật giáo, với tài năng của ông - tuy công trình chỉ thực hiện bằng các chất liệu đơn giản như xi măng và gạch, song ông đã để lại công trình độc đáo về kiến trúc và cả những cung bậc và sắc thái tâm linh.
Sự bí ẩn của kiến trúc, cách sắp xếp và bài trí tượng luôn thách đố tài suy nghiệm của du khách, vì những ai đến đây mỗi người tùy theo căn cơ và nghiệp lực sẽ có những "phỏng đoán" riêng. Khó lòng để có thể giải mã hết được thông điệp mà Suliat đã sống, đã làm và để lại.
Sau khi xây dựng công trình dang dở ở Viêng Chăn, bên cạnh thời cuộc biến loạn do chiến tranh, cư sĩ Suliat còn để lại thông điệp về sự vô thường của mỗi công trình mà ông thực hiện.
Ngay cả công trình ở Nong Khai cũng vậy, với ông mọi việc cứ để dở dang, không cần hoàn thiện, vì bản thân cuộc đời này, kiếp sống này cũng chỉ là sự "chưa hoàn thiện".
Những bức tượng khổng lồ được chạm trổ tỉ mỉ, mang đậm dấu ấn thời gian.
Mỗi du khách đến đây đều ấn tượng với những công trình kỳ vĩ.
Công viên tượng Phật Sala Keokou là điểm đến của nhiều du khách trong hành trình khám phá vùng Đông Bắc Thái Lan
Theo VOV