Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương góp ý vào 4 dự án luật

Tin tức - Ngày đăng : 05:13, 11/06/2023

Đây là 4 dự án luật quan trọng được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ trong 1,5 ngày.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận ở tổ 14 cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Sơn La, Bình Thuận

Trong ngày 9.6 và sáng 10.5, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tham gia các phiên thảo luận ở tổ về 4 Dự án Luật: Căn cước công dân (sửa đổi), Viễn thông (sửa đổi), Đất đai (sửa đổi) và Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Băn khoăn căn cứ tính giá đất theo nguyên tắc thị trường

Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đề nghị tiếp tục làm rõ các căn cứ, quy định cụ thể về phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường.


Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chủ trì phiên thảo luận tổ

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đề cập rất rõ việc tính giá đất theo cách thức hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Nếu giá thị trường quá cao thì cũng ảnh hưởng tới hiệu quả của các nhà đầu tư và không thu hút đầu tư. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng cần thu hút đầu tư để từ đất có thể sản xuất, kinh doanh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải vì chỉ thu tiền từ thuế đất mà mang lại hiệu quả.

Về quy định mở rộng thời hạn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết qua nhiều lần sửa đổi thì đây là lần thứ 3 tiếp tục nới rộng thời hạn sử dụng của các cá nhân sử dụng đất có nhà ở công trình phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp mà chỉ cần xác nhận của UBND cấp xã. Qua quá trình tiếp dân ở tỉnh Hải Dương, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhận thấy đây là vấn đề nổi cộm.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đề nghị tiếp tục làm rõ các căn cứ tính giá đất

"Nếu không quy định cụ thể sẽ dẫn tới vấn đề là hợp thức hóa những cái sai phạm từ trước đến nay, những phần đất lấn chiếm mặc dù cũng nằm trong quy hoạch của huyện, tỉnh nhưng nguồn gốc là lấn chiếm rồi lại hợp thức hóa chỉ bằng giấy xác nhận của UBND cấp xã. Tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét kỹ lưỡng vì số lượng các trường hợp này hiện rất nhiều", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.

Cũng góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đánh giá dự thảo luật trình lần này đã quy định cụ thể về việc thu hồi đất xây dựng bình đẳng giữa các công trình sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập với ngoài công lập. Dự thảo cũng quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bao gồm đất xây dựng cơ sở văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao.


Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đánh giá cao sự bình đẳng trong việc thu hồi đất xây dựng

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) còn nhiều chỗ chưa sáng rõ

Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng có nhiều mục mà đại biểu thấy vẫn chưa sáng rõ như cách giải thích, sử dụng từ ngữ, khái niệm...

Về quy định liên quan đến cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga băn khoăn bao nhiêu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức chính trị được số hóa lưu trữ. Dự thảo hiện quy định chưa rõ có phải tất cả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành hiện nay đều được số hóa hay không, những cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa kịp số hóa có được coi là cơ sở dữ liệu chuyên ngành hay không?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí với dự thảo về nội dung, thông tin trên căn cước công dân. Đại biểu cho rằng nơi đăng ký khai sinh là thông tin quan trọng để phân biệt giữa cá nhân này với cá nhân khác và không phải thông tin có thể thay đổi.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng nhiều mục Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vẫn chưa sáng rõ như cách giải thích, sử dụng từ ngữ, khái niệm...

"Trong cả cuộc đời, chúng ta chỉ có một lần, một nơi đăng ký khai sinh nên thể hiện căn cước công dân là hợp lý. Đặc biệt, có những trường hợp trùng họ tên, thậm chí trùng đến ngày, tháng, năm sinh thì nơi đăng ký khai sinh này là một thông tin quan trọng để phân biệt", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.

Thiết kế lại Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Giám đốc Sở Tư pháp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương), việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự theo cách liệt kê ra các nội dung sau đó lại cụ thể từng nội dung một làm cho luật dài mà rối. Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị giữ nội dung và thiết kế lại cho khoa học hơn.


Theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương), việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự chưa khoa học

Đối với quy định về công trình ứng dụng, dự thảo luật chưa làm rõ công trình quốc phòng hay khu vực quân sự thì được xếp loại, công trình ứng dụng chưa rõ được xếp loại nào và quản lý ra sao. Tại khoản 5 điều 3 quy định công trình ứng dụng sử dụng cho mục đích dân sự thì được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và trong trường hợp sử dụng cho mục đích quân sự - quốc phòng thì được quản lý, bảo vệ theo quy định của luật này.

Nếu được quản lý theo công trình dân sự thì có thể bị thay đổi công năng sử dụng, thậm chí phá bỏ. Như vậy, đến lúc cần dùng cho mục đích quốc phòng thì không còn giá trị. Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho rằng cần có quy định rõ hơn về việc quản lý với công trình ứng dụng để sử dụng hiệu quả hơn.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cũng đóng góp nhiều ý kiến về những bất cập trong Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ sáng 9.6.

PHONG TUYẾT