Vì sao mùa hè thường gia tăng các bệnh thần kinh?
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:41, 10/06/2023
Những người vận động nhiều trong thời tiết nắng nóng nên bổ sung nước trước khi hoạt động. Và trong lúc vận động nên bổ sung nước cho cơ thể bằng cách uống từng ngụm nhỏ
Nắng nóng dễ khiến bệnh thần kinh bộc phát
Vào mùa hè thông thường các bệnh thần kinh sẽ có xu hướng tăng lên. Yếu tố đầu tiên dẫn tới tình trạng này là do nhiệt độ. Bình thường cơ thể quen với việc thích nghi ở mức nhiệt vừa phải. Vào mùa hè khi nhiệt độ tăng quá cao, cơ thể không thích nghi kịp. Hoặc ở một số người có thể gặp hiện tượng tiết mồ hôi, điều hòa nhiệt độ cơ thể không tốt. Từ đó gây ra tình trạng lo lắng, căng thẳng, giận dữ, mệt mỏi và mất ngủ.
Khi tình trạng này tăng lên sẽ gây ra nhiều vấn đề liên quan tới sức khỏe đặc biệt là với những người có đã mắc các bệnh thần kinh và tâm thần trước đó như rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, tâm thần phân liệt… Việc nhiệt độ tác động lên cơ thể khiến mất nước, máu cô đặc, khối lượng tuần hoàn giảm, cũng như nồng độ các chất điện giải thay đổi. Hoặc có thể việc đi tiểu tiện nhiều trong mùa hè khiến lượng thuốc đang sử dụng để điều trị giảm xuống, tác dụng điều trị giảm đi. Lúc này dễ làm tăng các bệnh thần kinh như vấn đề về rối loạn lo âu hay rối loạn trầm cảm, rối loạn cưỡng chế, tâm thần phân liệt…
Vì vậy vào những mùa nắng nóng, các bệnh thần kinh và tình trạng căng thẳng, giận giữ, rối loạn trầm cảm, tâm thần phân liệt… cũng nặng lên. Thậm chí tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh thần kinh, tâm thần nói trên tử vong cũng tăng hơn. Tuy nhiên, chưa có những nghiên cứu sâu để xác định nguyên nhân rõ ràng.
Ngoài ra, vào mùa nắng nóng cơ thể thường mất nước nhiều. Trung tâm điều hòa thân nhiệt đằng sau gáy bị ảnh hưởng do thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc nước cung cấp cho cơ thể không đủ để làm mát. Nếu để trung tâm điều hòa thân nhiệt quá nóng, việc điều hòa cho thân nhiệt cơ thể cũng sẽ bị rối loạn. Từ đó dẫn đến tình trạng mất nước say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do rối loạn đông máu, rối loạn dẫn truyền, thay đổi sự co bóp của cơ tim dẫn đến các vấn đề về tim mạch.
Say nắng và say nóng khác nhau thế nào?
Thời tiết nắng nóng, ngoài các bệnh thần kinh, cơ thể có thể gặp tình trạng say nắng hoặc say nóng. Tuy nhiên đây là hai loại bệnh lý khác nhau cần được phân biệt rõ ràng để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Say nóng là tình trạng rối loạn về trung tâm điều nhiệt và diễn ra một cách từ từ thường nhẹ hơn say nắng và cơ thể có thể tự hồi phục. Nguyên nhân dẫn đến say nóng có thể do làm việc dưới thời tiết nắng nóng.
Say nắng hay sốc nhiệt là tình trạng trung tâm điều nhiệt rối loạn khiến nhiệt độ trong cơ thể tăng lên cao. Các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột thậm chí bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng suy thận cấp, tử vong do trụy tim mạch ngay lập tức. Nguyên nhân dẫn tới say nắng có thể do làm việc quá sức. Ví dụ như một số vận động viên hoạt động nhiều dẫn tới cơ thể mất nước và trung tâm điều nhiệt không thể điều chỉnh được, lúc này có thể dẫn tới tình trạng sốc nhiệt thậm chí tử vong khi đang hoạt động thể thao.
Phòng ngừa bệnh thần kinh khi trời nắng nóng
Để giải quyết các bệnh thần kinh nói chung và tình trạng say nắng, say nóng trong ngày hè. Mọi người cần lưu ý giữ mát trung tâm điều nhiệt (vùng cổ, gáy) bằng cách mặc trang phục che, hạn chế tác động của nắng nóng, nhiệt độ. Kết hợp mặc quần áo thoáng, dễ thấm hút mồ hôi, quần áo sáng màu để hạn chế hấp thụ nhiệt. Bổ sung đủ nước hoặc dung dịch điện giải, nước chanh muối, nước gạo rang…. để giúp cơ thể hạn chế bị rối loạn điện giải.
Trong thời tiết nắng nóng, với những người già, trẻ em, người có nhiều bệnh nền (tiểu đường, huyết áp, tăng mỡ máu, béo phì…) để phòng ngừa bệnh thần kinh gia tăng hoặc phát nặng nên hạn chế đi ra ngoài vào khung giờ từ 11 giờ đến 16 giờ. Nếu trong trường hợp phải ra ngoài nên chuẩn bị trang phục che chắn ánh nắng. Hoặc nếu phải vận động, làm việc dưới thời tiết nắng nóng phải sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thông thường vận động từ 45 phút - 1 tiếng nên nghỉ ngơi từ 5-10 phút để cơ thể điều chỉnh cân bằng trở lại.
Nếu gia đình có người mắc bệnh thần kinh, cần được người nhà quan tâm thường xuyên hơn vào những ngày thời tiết nắng nóng.
Có nên uống nước lạnh vào mùa hè không?
Đặc biệt lưu ý trong thời tiết nắng nóng không nên uống nước lạnh. Nước lạnh chỉ nên sử dụng khi muốn giảm nhiệt độ cơ thể một cách đột ngột. Khi uống nước lạnh vào thời tiết nắng nóng dễ làm các mạch máu co thắt lại và làm các tế bào lưu thông trong máu bị giảm đi và sức đề kháng của cơ thể cũng giảm đi.
Hơn nữa, khả năng hấp thụ thức ăn của cơ thể cũng bị ảnh hưởng. Nên uống nước ấm và không dùng các loại nước có cồn, nước ngọt, nước có gas để bổ sung nước cho cơ thể khi nắng nóng. Việc dùng đồ uống có cồn sẽ làm tăng cảm giác khát và khiến đi tiểu nhiều hơn.
Theo Sức khỏe và Đời sống