[Audio] Ngày hè ở lò đốt rác

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 15:00, 10/06/2023

Nắng nóng, những chiếc quạt công nghiệp gần như chẳng có mấy tác dụng nên mồ hôi đua nhau rơi lã chã trên mặt những công nhân làm nhiệm vụ xử lý rác thải.


Nhiệt lượng tỏa ra từ lò đốt rác kết hợp thời tiết nắng nóng khiến công việc của công nhân càng thêm vất vả

Những ngày nắng nóng cao điểm, ngồi trong bóng râm vẫn khiến nhiều người đổ mồ hôi. Vậy mà những lao động làm nhiệm vụ xử lý rác ở Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương hằng ngày đều phải làm việc 24/24 giờ trong môi trường ngột ngạt, hôi hám, nóng nực. 

Nóng hầm hập 

Chắc nhiều người giống tôi, đã từng đi qua xe ô tô chuyên dụng thu gom rác thải. Chẳng cần phải miêu tả thì ai cũng đều biết thứ mùi hôi hám đó khủng khiếp thế nào khi đi qua những chiếc xe như vậy. Nhưng việc chúng ta đi qua xe chở rác chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi. Còn với những người lao động tại nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương thì phải tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm tấn rác thải mỗi ngày.

Đầu tháng 6, lần đầu tôi đặt chân tới nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương ở xã Việt Hồng (Thanh Hà). Mới 9 giờ sáng trời đã nắng nóng gay gắt, oi nồng. Tôi lái xe tới cổng công ty, vừa kéo cửa kính ô tô xuống để nhờ bác bảo vệ mở cửa thì mùi hôi hám, khó chịu ập thẳng vào mũi. Thấy tôi nhăn mặt, bác bảo vệ cất lời: “Chắc cậu lần đầu đến đây phải không? Ai lần đầu vào nhà máy cũng vậy cả. Phải hằng ngày sống chung với nó như chúng tôi thì mới quen được”.


Công nhân nhà máy xử lý rác cặm cụi làm việc trong môi trường hôi hám, nóng nực khi mùa hè đến

Di chuyển vào phía trong nhà máy, mở hé cửa kính xe ô tô cũng đủ để tôi cảm nhận thấy mùi hôi nồng nặc càng lúc càng rõ rệt hơn. Bước ra khỏi xe, một bầu không khí đặc quánh mùi rác thải bao trùm lấy toàn bộ cơ thể. Dù đã đeo 2 chiếc khẩu trang y tế lồng vào nhau thì tôi vẫn cảm nhận rõ thứ mùi đầy khó chịu. Anh Bùi Đức Thụ, Giám đốc Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương thấy tôi chưa quen với môi trường nơi đây liền kéo tay vào văn phòng. “Đây là anh còn ở bên ngoài nhé. Lát nữa tôi sẽ dẫn anh vào phía trong để cảm nhận xem lò đốt rác mùa nắng nóng như thế nào”, anh Thụ mở đầu câu chuyện.

Nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương rộng khoảng 13,1 ha, hoạt động từ năm 2018. Nhiệm vụ của nhà máy là xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt cho toàn bộ địa bàn TP Hải Dương và các huyện Nam Sách, Thanh Hà, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng). Theo thiết kế, công suất nhà máy xử lý được 183 tấn rác thải sinh hoạt và 65 tấn rác thải công nghiệp/ngày. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy mới chỉ xử lý rác thải sinh hoạt. Lượng rác ngày càng lớn, mỗi năm tăng từ 5-7%, thời điểm này xử lý 240 tấn/ngày. Lượng rác lớn nên 65 cán bộ, nhân viên nhà máy phải chia ca làm việc liên tục 24/24 giờ. Nhà máy có 2 khu vực chính là tập kết, phân loại rác và lò đốt. Công việc của những lao động ở đây vốn đã vất vả, mùa hè lại càng áp lực gấp bội phần.

Anh Thụ dẫn tôi xuống khu nhà xưởng tập kết và phân loại rác. Phía bên trong là cả núi rác khổng lồ, tiếng máy xúc, băng chuyền phân loại rác kêu inh tai. Nhưng điều đó chẳng là gì so với mùi xú uế nồng nặc từ rác thải sinh hoạt cộng với hơi nóng hầm hập đang phả thẳng vào người. Nhiệt độ trong này có lẽ phải cao hơn bên ngoài vài độ. Chẳng mấy chốc, mặt mũi, quần áo tôi đã ướt nhẹp mồ hôi. “Hôm nay thời tiết đỡ nắng nóng mà còn như vậy, mấy hôm trước mà vào đây thì chắc anh không chịu nổi”, anh Thụ nói.


Núi rác khổng lồ bên trong nhà máy xử lý rác của Công ty CP Quản lý môi trường đô thị Hải Dương

Trên núi rác, hai chiếc máy xúc thay nhau cào, múc rác lên băng chuyền để công nhân phân loại rồi chuyển vào lò đốt. Tôi leo cầu thang lên khu băng chuyền, nơi có mấy công nhân nữ đang phân loại ni lông, chai nhựa, rác thải rắn. Đôi tay các chị thoăn thoắt nhặt rác chạy trên băng chuyền. Trời nắng nóng, những chiếc quạt công nghiệp ở đây gần như chẳng có mấy tác dụng. Mồ hôi trên mặt các chị rơi lã chã, quần áo ướt đẫm, lấm lem.

Chị Vũ Thị Hiền quê ở Thanh Hà làm ở nhà máy này đã được mấy năm. Mới 49 tuổi mà nhìn chị già hơn cả chục tuổi, người gầy gò, da sạm đen vì công việc vất vả. “Sợ nhất là mùa hè chú ạ. Bên ngoài nhiệt độ 38-39 độ thì trong xưởng cứ phải 41-42 độ, hôi hám, bí bách, khó chịu vô cùng. Bình thường các chị đứng như này tầm 2-3 tiếng thì nghỉ giữa ca nhưng mùa hè mất nước nhanh nên phải xin tạm nghỉ thường xuyên để hồi sức. Nhọc lắm, nhưng vẫn phải cố gắng làm vì chậm thì rác sẽ bị ùn ứ”, chị Hiền chia sẻ.

Ở trong nơi tập kết, phân loại rác chưa đầy 10 phút mà tôi đã phải vội chạy ra cửa để lấy lại sự cân bằng với không khí và nhiệt độ bên ngoài. Đợi tôi nghỉ ngơi một lúc, anh Thụ tiếp tục dẫn xuống khu vực lò đốt rác. Khu vực này có 10 người, thay nhau vận hành cầu trục gắp rác bỏ vào lò, kiểm tra độ cháy, cào xỉ… Đứng cách lò 5-6m mà tôi vẫn cảm nhận thấy hơi nóng hầm hập toả ra. Cứ khoảng 10 phút, anh Phan Văn Khoa, Tổ trưởng Tổ đốt lò và các công nhân khác lại mở cửa lò thay nhau dùng cào sắt thò vào trong cào xỉ. Xỉ rơi xuống hố, họ tiếp tục vào phía sau lò thu gom để cho đợt xỉ mới rơi xuống. Người nào người nấy nhễ nhại mồ hôi. Tôi xin vào bên trong khu vực thu gom xỉ, một công nhân liền khuyên: “Anh không quen không vào được đâu. Trong ấy nóng nực vô cùng mà khói bụi không nhìn thấy gì cả. Làm quen việc như chúng em mà chỉ có thể vào trong đó vài phút, cần thao tác thật nhanh để còn ra ngoài”.

Anh Khoa cho biết trực đốt rác là một trong những công việc vất vả nhất tại nhà máy này. Cứ mỗi giờ, những công nhân ở đây phải đốt xong 5 tấn rác thì mới bảo đảm tiến độ. Công việc nặng nhọc, tay chân liên tục hoạt động nên phải là những anh em có sức khoẻ tốt mới có thể đảm đương. Nhiệt độ trong lò đốt rác dao động từ 700-800 độ C. Dù tường lò được xây dựng bằng vật liệu chịu lửa, cách nhiệt nhưng đứng cách mấy mét vẫn cảm thấy hơi nóng hầm hập. Chưa kể mùa hè nắng nóng gay gắt càng làm cho môi trường nơi đây thêm bức bí. Da mặt ai cũng đen sạm vì nắng nóng. “Chú đứng xem mà mồ hôi còn ướt đẫm áo kia kìa. Huống gì bọn anh còn phải làm việc gần cửa lò, vận động liên tục. Nhiều anh em vào đây làm việc chỉ vài ngày đã không chịu được nên phải xin nghỉ”, anh Khoa chia sẻ.

Các công nhân ở đây cho biết cứ 3 tháng họ lại phải dọn lò một lần. Dù lò đã ngưng hoạt động trước đó mấy ngày nhưng mùa hè khi vào bên trong vẫn cảm nhận được sức nóng lớn, vừa bụi bặm, bí bách. Công việc này diễn ra trong 4-5 ngày liên tục. Vì không khí nóng nực nên công nhân ở đây phải chia thành tốp, lần lượt thay nhau chui vào lò dùng vật dụng cạo muội đen kết dính vào thành. Cứ 20 phút, tốp này lại vào thay cho tốp kia.


Công ty CP Quản lý môi trường đô thị Hải Dương phải tăng cường thêm nước muối khoáng cho công nhân giải nhiệt vì nắng nóng

Quyết tâm gắn bó

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, tôi có thêm thời gian để trò chuyện cùng những công nhân nhà máy xử lý rác. Qua tìm hiểu được biết thu nhập trung bình mỗi người được khoảng 9,5 triệu đồng/tháng, cao hơn không đáng kể so với nhiều doanh nghiệp có tính chất công việc nhẹ nhàng hơn. 

Ngày trước anh Khoa làm công nhân trồng và chăm sóc cây xanh, công việc không vất vả như hiện tại mà thu nhập cũng gần tương đương. Từ ngày được công ty điều động xuống bộ phận này, rất nhiều lần người thân, bạn bè khuyên chuyển sang công việc khác nhưng anh vẫn kiên trì bám trụ. “Nếu người khác và mình không làm thì ai làm bây giờ? Rác thải thì mỗi ngày một nhiều lên, thôi thì cố gắng vừa vì đã có duyên với nghề này, vừa vì mong muốn góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp cho xã hội”, anh Khoa bộc bạch.

Làm việc trong môi trường toàn mùi xú uế cũng khiến các công nhân nữ phần nào cảm thấy mặc cảm, tự ti. Về nhà dù tắm kỹ càng nhưng vẫn ngửi thấy mùi của rác còn ám lại trên cơ thể. Họ ngại ra ngoài, ít giao tiếp với người khác. “Chúng tôi vẫn động viên nhau mình làm việc nơi hôi hám nhưng người khác được sống trong môi trường sạch sẽ thì cũng là việc tốt. Anh chị em lấy đó là niềm vui, là động lực để tiếp tục gắn bó với công việc”, chị Hiền trải lòng.

Anh Vũ Hoàng Lâm đã có 6 năm gắn bó với nhà máy xử lý rác cho biết cuối năm 2021, anh từng xin nghỉ việc. Nguyên nhân là bạn gái không muốn anh làm việc trong môi trường độc hại, lại có rất ít thời gian bên nhau. Tuy nhiên, không lâu sau khi tổ chức lễ cưới, anh Lâm đã quay lại với công ty. “Vất vả thật đấy nhưng em là thanh niên nên cố gắng được. Em nói với vợ nên biết thông cảm cho công việc đặc thù này, vì thu nhập là một phần, phần còn lại cũng là trách nhiệm với xã hội. Vợ em hiểu chuyện nên vui vẻ để em quay lại gắn bó với nơi này”, anh Lâm kể.

Biết công nhân vất vả, lại tâm huyết với nghề nên lãnh đạo Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương luôn đồng hành, quan tâm. Mùa hè thời tiết nóng nực, doanh nghiệp trang bị thêm quạt hơi nước ở khu vực lò đốt rác, phun nước lên mái nhà xưởng để giảm áp lực nắng nóng. Hằng ngày, công ty tăng gấp đôi lượng nước khoáng, chanh muối để công nhân giải khát. Quần áo bảo hộ lao động được may bằng 100% vải cotton tạo cảm giác dễ chịu hơn khi làm việc. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán sắt vụn gom nhặt trong quá trình đốt rác cũng được đưa vào quỹ để chăm lo thêm cho đời sống công nhân… 

Nắng chiều dần tàn, những chiếc xe ô tô từ các nơi lại nối đuôi nhau chở rác tập kết về nhà máy. Các công nhân cũng bắt đầu giao ca và công việc đốt rác cứ vậy tiếp diễn.

TIẾN MẠNH