Tiếng thơm cho quả vải
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:30, 09/06/2023
Vải thiều Thanh Hà sẽ được giới thiệu tại hệ thống AEON Việt Nam và nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh (ảnh tư liệu)
Bố tôi năm nay ngoài 60 tuổi vì yêu mến mà thường xuyên theo dõi những thông tin về vải thiều Thanh Hà, từ giá cả ra sao đến xuất đi những nơi nào. Mùa này món quà biếu khách phương xa của bố không thể thiếu vải thiều. Em trai tôi cũng nhiều lần rủ bạn về Thanh Hà thưởng thức những quả vải tươi ngon tại vườn và không quên chụp ảnh bên những chùm vải sai lúc lỉu để khoe trên Facebook. Và cứ thế, từ chính quyền đến mỗi người dân cùng chăm lo quảng bá thương hiệu cho quả vải. Nhờ đó, thương hiệu vải Thanh Hà đã được lan tỏa rộng rãi hơn.
Trong sách Vân đài Loại ngữ của Lê Quý Đôn, quả vải được hết mực khen ngợi “mã ngoài như lụa hồng, tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như giáng tuyết”. Quả vải nổi tiếng như vậy không có lý gì mà người dân Hải Dương không tự hào quảng bá và giới thiệu đến bạn bè, người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Gần 200 năm trước, cây vải đã được đưa về trồng ở làng Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà). Kể từ đó, cây vải phát triển nhiều nơi và trở thành cây trồng thế mạnh của Hải Dương, là cây "vàng" của nông dân Thanh Hà ngày nay. Vậy quảng bá thế nào để hiệu quả hơn nữa giúp quả vải Thanh Hà không chỉ thêm nổi tiếng mà quan trọng hơn là nâng tầm giá trị. Điều này không chỉ trông vào sự quan tâm của các cấp chính quyền mà còn cần sự nỗ lực từ mỗi người dân.
Thương hiệu có tốt hay không xuất phát từ chính những người trồng cây. Đồng đất Thanh Hà màu mỡ đã vun đắp, tạo nên những vườn vải tốt tươi và quả vải chất lượng nhưng sự cần mẫn chăm sóc của bà con nông dân rất quan trọng để quả vải không chỉ ngon mà còn sạch, an toàn. Muốn quả vải vươn đi các nước, người dân tin dùng thì đầu tiên phải tuân thủ quy trình sản xuất, hạn chế dùng phân bón hoá học, trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP hoặc Organic. Sở hữu sản phẩm có chất lượng thì mới tính đến chuyện làm marketing, quảng bá. Khi đó, chất lượng quả vải Thanh Hà sẽ tự tin khẳng định thương hiệu và hữu xạ tự nhiên hương.
Mỗi người dân Hải Dương cùng nhau quảng bá thương hiệu, giới thiệu đặc sản này đến nhiều người. Đó có thể chỉ là những hành động nhỏ như chia sẻ thông tin tốt về quả vải Thanh Hà trên mạng xã hội. Rộng hơn có thể là sự kết nối để quả vải tiêu thụ tốt hơn ở thị trường quốc tế. Một nhóm lao động Hải Dương tại Nhật Bản đã góp phần không nhỏ tạo nên thương hiệu quả vải của quê hương ở đây. Họ lập nhóm quảng bá cho đặc sản này mỗi mùa vải chín. Họ chia sẻ cho người dân bản địa cách chọn vải ngon và giới thiệu những câu chuyện về quả vải Hải Dương từ lúc trồng đến khi thu hoạch. Sự am hiểu về một loại quả nơi xa lạ sẽ khiến người tiêu dùng Nhật Bản có đánh giá tốt và yêu thích quả vải Hải Dương hơn.
Sự quan tâm, nỗ lực quảng bá thương hiệu quả vải đã được đền đáp khi những năm gần đây người dân trong và ngoài nước biết đến vải Hải Dương nhiều hơn. Quả vải của tỉnh đã được xuất khẩu sang nhiều nước. Ngay đầu vụ vải năm nay đã có cả nghìn tấn vải xuất sang các thị trường lớn như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Australia... Trên mỗi chuyến bay của một số hãng hàng không Việt Nam quả vải đã và sẽ được giới thiệu đến từng vị khách...
Khi quả vải khẳng định được thương hiệu, chất lượng được nâng lên và nhiều giá trị khác từ cây vải được khai thác hiệu quả thì cây trồng này sẽ bén rễ bền chặt ở nhiều vùng đất của Hải Dương.
BẢO ANH