[Video] Vất vả nghề dạy bơi

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 15:00, 10/06/2023

Dịp hè, mỗi giáo viên dạy bơi cho từ 100-200 học viên. Thu nhập cao, nhưng đổi lại họ phải đổ không ít mồ hôi, công sức, ngâm mình trong bể bơi từ 7-8 tiếng/ngày.


Phải thường xuyên ngâm dưới nước nhiều giờ nên giáo viên dạy bơi dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong ảnh: Anh Lưu Văn Khả dạy bơi tại bể bơi Thái HD (TP Hải Dương)

Mỗi giáo viên dạy bơi đang phải "bán mặt cho nước, bán lưng cho trời", tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập dịp hè về.

Tưởng chừng nghề dạy bơi nhàn nhã, thu nhập tốt nhưng để có thu nhập như vậy nhiều giáo viên đang đổ không ít mồ hôi, công sức.

Đi sớm về muộn

Mới hơn 9 giờ sáng nhưng những cái nắng chói chang đầu tháng 6 đã phủ kín bể bơi ở Nhà Thi đấu thể dục thể thao tỉnh. Lúc này, anh Nguyễn Xuân Mạnh, giáo viên dạy bơi đang dầm mình dưới bể hướng dẫn học sinh tập bơi.

Với giọng khàn “vịt đực” cùng làn da “cột nhà cháy”, anh Mạnh cho biết hôm nay dạy muộn hơn vì kèm thêm mấy cháu nhỏ, đây cũng là ca thứ 3 anh dạy từ 5 giờ sáng đến giờ. Anh Mạnh thường thức dậy từ 4 giờ sáng đi từ quê ở xã Vĩnh Hoà (Ninh Giang) đến TP Hải Dương dạy lớp học bơi sớm nhất trong ngày. Buổi chiều, anh dạy từ 16 giờ với nhiều ca khác nhau. Có hôm về đến nhà đã 22 giờ.

Nói về nỗi vất vả của nghề, anh Mạnh chia sẻ: “Giáo viên dạy bơi phải ngâm mình dưới nước từ 8-10 giờ/ngày, tiếp xúc với nước quá nhiều khiến xương khớp nhức mỏi, dễ mắc các bệnh về da, tai-mũi-họng, cơ thể không tiết được mồ hôi nên dễ mất sức. Có người đã không thể trụ được lâu dài với nghề do cường độ công việc liên tục, vất vả”.

Anh Lưu Văn Khả ở TP Hải Dương cũng thường thức dậy từ 4 giờ sáng để bắt đầu một ngày mới vất vả với công việc dạy bơi. Nước ở bể bơi thường gây khô da nên anh Khả hay bị ngứa ngáy và mẩn đỏ. Anh Khả cho biết dạy bơi dịp hè cho thu nhập khá nhưng chỉ thời vụ nên càng phải tranh thủ, dù anh đang bị viêm da cơ địa do ngâm mình dưới nước nhiều giờ trong ngày. 

Đối tượng học bơi chủ yếu là các em nhỏ nên càng vất vả hơn. Anh Khả nhớ nhất là dạy bơi thành công cho một em mắc chứng tự kỷ. “Cháu bé này ít nói, nhát nước nên rất khó khăn để cháu làm quen và chịu xuống nước. Tôi đã phải làm các động tác hài hước dưới nước như trồng cây chuối, nhào lộn để gây sự chú ý. Khi có thiện cảm, tôi phải dỗ dành rất nhiều để cháu chịu xuống nước. Tôi phải kèm cặp từng động tác vì việc giao tiếp với cháu khá hạn chế", anh Khả kể.

Nhưng bù lại nghề này cho thu nhập khá. Theo một số giáo viên dạy bơi, phụ huynh thường đăng ký cho con học đông nhất từ tháng 6 đến hết tháng 7. Học phí tùy thuộc vào lứa tuổi và nội dung học, nhưng trung bình từ 1-1,5 triệu đồng/người/khóa học. Mỗi khóa học kéo dài từ 15-20 ngày, nhưng hầu hết các giáo viên sẽ dạy cho đến khi nào học viên biết bơi. Mỗi dịp hè, giáo viên dạy bơi từ 100-200 học viên.

Niềm vui riêng

Vất vả là vậy nhưng với mỗi giáo viên dạy bơi, ngoài thù lao do công sức bỏ ra thì họ còn niềm vui khác là hạnh phúc khi kết thúc khóa học thấy mỗi em nhỏ đều biết bơi.

Là số ít phụ nữ dạy bơi ở TP Hải Dương, cô gái người Thanh Hoá Văn Thị Nga từng là vận động viên chuyên nghiệp cũng đã bén duyên với nghề này hơn 10 năm nay. Chị Nga mong mỗi dịp hè đến như "mong mẹ về chợ” để thỏa mãn niềm đam mê với bể bơi, trẻ nhỏ.

Chị Nga cho biết là nữ giới nên theo nghề này cũng có sự vất vả riêng. Hiện chị đang dạy tại bể bơi ở khu đô thị Ecorivers (TP Hải Dương). Mỗi ngày, chị dạy từ 6-7 ca, tương ứng với thời gian phải ngâm mình dưới nước từ 7-8 tiếng. Có hôm về đến nhà đã 8 giờ tối, sáng hôm sau lại dậy sớm đi dạy. Mỗi dịp hè, chị dạy được khoảng 200 học viên, chủ yếu là các em học sinh. Chị cũng dạy cho số ít người trung niên. “Vất vả thật đấy, dạy các em nhỏ phải chỉnh sửa động tác, hò hét khản giọng. Nhưng vui nhất là thấy các em đều biết bơi sau khi kết thúc khóa học”, chị Nga nói.

Từng học chuyên sâu bơi bài bản ở đại học, anh Mạnh đã có hơn 15 năm trong nghề dạy bơi. Theo anh Mạnh, để làm một giáo viên dạy bơi uy tín và thu hút nhiều học viên không dễ, cần phải có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm giảng dạy nhất định. Ngoài dạy bơi, mỗi giáo viên dạy bơi còn phải hoạt động như một nhân viên cứu đuối. Vì vậy lớp học bơi của anh Mạnh luôn có đông học viên theo học.

“Không chỉ vui khi thấy các cháu khỏe, biết bơi, có kỹ năng phòng tránh đuối nước mà vui vì còn góp một phần nhỏ vào phong trào thể thao của tỉnh nhà”, anh Mạnh chia sẻ.

Xem clip

THẾ ANH