Ukraine không chấp nhận sự hiện diện của quân đội phương Tây
Tin tức - Ngày đăng : 05:29, 09/06/2023
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba
Ngày 8.6, Ngoại trưởng Dmitry Kuleba đã bác bỏ gợi ý của cựu Tổng thư ký NATO Anders Rasmussen rằng Ba Lan có thể dẫn đầu một "liên minh" và đưa quân vào Ukraine, đồng thời khẳng định chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky chưa bao giờ yêu cầu một bước đi như vậy.
Bình luận về ý kiến của ông Rasmussen, Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh: "Cho đến khi cuộc xung đột vũ trang trên lãnh thổ Ukraine kết thúc, các quốc gia nước ngoài sẽ không đưa quân vào đất nước chúng tôi".
Ngoại trưởng Kuleba bày tỏ tin tưởng rằng Ukraine sẽ trở thành một phần của NATO, và khi đó chắc chắn Kiev sẽ triển khai các đơn vị quân đội để bảo vệ các đồng minh của mình. Nguyện vọng gia nhập khối được ghi trong hiến pháp Ukraine.
Trước đó, cựu lãnh đạo NATO cho rằng một kịch bản can thiệp có thể thành hiện thực, nếu khối quân sự do Mỹ dẫn đầu không đưa ra các đảm bảo an ninh chính thức cho Ukraine trong Hội nghị Thượng đỉnh ở Vilnius, Litva vào tháng tới.
“Chúng tôi biết rằng Ba Lan rất tích cực trong hỗ trợ cụ thể cho Ukraine. Và tôi không loại trừ khả năng Ba Lan sẽ tham gia mạnh mẽ hơn nữa, và các quốc gia Batic sẽ theo sau. Họ có thể triển khai quân đội trên bộ. Tôi nghĩ người Ba Lan sẽ cân nhắc nghiêm túc việc tham gia và tập hợp một liên minh thiện chí nếu cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine bị loại khỏi chương trình nghị sự tại Vilnius”, ông Rasmussen nói.
Theo ông Rasmussen, ngay cả khi Ukraine không nhận được lời mời gia nhập NATO ở Vilnius, thì lời mời đó cũng có thể được gia hạn ở Washington vào năm tới. Ông lưu ý Ukraine sẽ thất vọng nếu không đạt được cam kết đó.
Tổng thống Ukraine Zelensky được cho là đã đe dọa tẩy chay sự kiện này trừ khi quốc gia của ông được đưa ra một lộ trình cụ thể để trở thành thành viên.
Về phần mình, Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố rằng ngăn Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu chính của Nga. Moskva coi việc NATO mở rộng sang hướng đông là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, buộc Nga phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cuối tháng 5 nhắc lại các điều kiện chấm dứt xung đột, một trong số đó là Ukraine “phải trở lại tình trạng trung lập, không liên kết” và “từ chối gia nhập NATO, EU”. Ukraine đã bác bỏ những yêu cầu này.
Các quan chức Nga cũng cáo buộc các thành viên NATO tạo điều kiện cho Ukraine tuyển dụng lính đánh thuê, đồng thời cho rằng các quân nhân phục vụ của các quốc gia tài trợ thậm chí có thể đang vận hành một số vũ khí được gửi đến nước này.
Mỹ trước đó xác nhận họ có một đội ngũ nhỏ nhân viên quân sự bên trong Ukraine, nhưng tuyên bố vai trò của họ là giám sát hỗ trợ quân sự cho quốc gia này.
Theo Báo Tin tức