Người dân... đi bộ giữa lòng hồ thủy điện lớn nhất Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 21:52, 08/06/2023

Thời tiết nắng nóng gay gắt, mưa ít khiến nước ở hồ thủy điện lớn nhất Việt Nam xuống mực nước chết, ảnh hưởng lớn đến việc vận hành, cung cấp điện và sinh kế của người dân.


Người dân tại thị xã Mường Lay (Điện Biên) đi bộ giữa lòng hồ thủy điện Sơn La, hạn hán kéo dài khiến lòng hồ nứt nẻ trơ đáy - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Những ngày đầu tháng 6, phóng viên có mặt tại Nhà máy thủy điện Sơn La (thủy điện lớn nhất Việt Nam với công suất 2.400MW).

Trời Tây Bắc nắng chang chang, nhiệt độ lên tới 40 độ C. Từ đỉnh đập có thể thấy rõ mực nước hồ thủy điện Sơn La xuống thấp hơn rất nhiều so với vạch mực nước dâng bình thường cho phép (215m).

Nhà máy thủy điện không hoạt động mấy ngày qua

"3-4 ngày qua, Nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu gần như không hoạt động..." - Đón chúng tôi, ông Mai Đức Tiệp (quản đốc phân xưởng vận hành, Nhà máy thủy điện Sơn La) cho biết hơn 13 năm trong nghề cũng là hơn 13 năm kể từ khi tổ máy đầu tiên đi vào hoạt động, đây là lần đầu tiên mực nước hồ thủy điện Sơn La xuống mức thấp kỷ lục và phải vận hành dưới mực nước chết (175m).

"Mấy hôm trước nắng nóng cao điểm, tất cả 6 tổ máy đều hoạt động. Những ngày gần đây, các tổ máy gần như dừng hoạt động, nếu chạy thì cũng rất hạn chế vì hồ đã ở mực nước chết" - ông Tiệp nói và cho biết nhà máy đang vận hành linh hoạt với mục tiêu luôn sẵn sàng đáp ứng được hệ thống điện quốc gia.

Nhìn từ trên cao, một số khu vực tại hạ lưu của Nhà máy thủy điện Sơn La đã cạn trơ đáy. Nhà máy thủy điện Sơn La được xây dựng tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La, có công suất lắp máy 2.400MW, với 6 tổ máy. Công trình xây dựng ngày 2.12.2005, khánh thành vào ngày 23.12.2012, trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tại khu vực trung tâm vận hành của Nhà máy thủy điện Sơn La, 6 kỹ sư đang căng mình túc trực, theo dõi hệ thống vận hành. Trong 6 tổ máy thì chỉ có một tổ máy đèn cam (chạy bù điện), còn lại 5 đèn báo xanh (sẵn sàng phát điện).

"Trong điều kiện mực nước chết, cột nước tổ máy giảm, tua bin có nguy cơ rung, đảo tổ máy, nhiệt độ các tổ máy có nguy cơ tăng lên nên nhà máy phải bố trí tăng người đi kiểm tra thiết bị, tăng cường chu kỳ kiểm tra.

Trong điều kiện bình thường khoảng 2 giờ đồng hồ chúng tôi sẽ kiểm tra tổ máy một lần, nhưng khi vận hành dưới mực nước chết thì 1 giờ hoặc 30 phút phải kiểm tra một lần để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường nhằm đề xuất bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời. Mục tiêu làm sao cả 6 tổ máy luôn sẵn sàng để đáp ứng điện lưới khi có yêu cầu" - ông Tiệp chia sẻ.

Các kỹ sư của Nhà máy thủy điện Sơn La đang vận hành nhà máy tại phòng điều khiển trung tâm. Hiện tại do mực nước đã xuống dưới “mực nước chết” nên 5 tua bin của nhà máy phải ngừng hoạt động, còn 1 tua bin (đèn màu cam) hoạt động cầm chừng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cận cảnh 6 tua bin tại Nhà máy thủy điện Sơn La, trong điều kiện mực nước chết, cột nước tổ máy giảm, tua bin có nguy cơ rung, đảo tổ máy, nhiệt độ các tổ máy có nguy cơ tăng lên nên nhà máy phải bố trí tăng người đi kiểm tra thiết bị, tăng cường chu kỳ kiểm tra - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Các máy xúc đang hoạt động liên tục nạo vét đá sỏi để khơi thông dòng chảy tại khu vực hạ lưu Nhà máy thủy điện Sơn La - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ông Khương Thế Anh, Tổng giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, cho biết kể từ khi đưa vào vận hành đến nay, lần đầu tiên cả Nhà máy thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu vận hành dưới mực nước chết.

"3-4 ngày qua, Nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu gần như không hoạt động, nhưng 9 tổ máy luôn sẵn sàng hoạt động khi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) yêu cầu hoặc nhà máy cài đặt giới hạn cảnh báo tần số gây nguy hiểm cho hệ thống thì các tổ máy chủ động vận hành để đáp ứng sự thay đổi của hệ thống bất cứ lúc nào. Thời điểm thiếu nước như thế này, chúng tôi không cần sản lượng mà cần để đáp ứng những tình huống như vậy" - ông Thế Anh chia sẻ.

Mức nước thượng lưu hồ chứa của Nhà máy thủy điện Sơn La hiện đã xuống dưới mực nước chết. Mực nước chết của nhà máy là 175m (tính từ mặt nước biển), ghi nhận trong ngày 7.6, mực nước đã xuống đến mức 174,9m. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhà máy thủy điện Sơn La rơi vào tình trạng này - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hai người đàn ông đang phải dùng tay kéo chiếc xuồng của mình đi qua một đoạn sông Đà tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Khô hạn kéo dài đã khiến lòng hồ sông Đà tại khu vực này cạn trơ sỏi đá khiến cho việc di chuyển đường thủy gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Để vận hành các tổ máy dưới mực nước chết, ông Thế Anh cho biết Công ty Thủy điện Sơn La đã phải kiểm tra, bảo dưỡng và tăng cường 3-6 người để theo dõi, thu thập số liệu toàn bộ hệ thống thiết bị liên tục để đánh giá phân tích bảo đảm các tổ máy vận hành an toàn.

Thuyền, nhà nổi, vó, bè người dân nằm phơi nắng giữa lòng hồ trơ đáy

Ngược đập thủy điện Sơn La chừng 200km, chúng tôi tới thị xã Mường Lay - điểm cuối của hồ thủy điện Sơn La. Đây cũng là nơi hội tụ của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay (thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên).

Tại thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, lòng hồ thủy điện Sơn La chảy qua khu vực này cũng đang cạn trơ đáy. Nguyên nhân chính là do tình trạng hạn hán kéo dài, khô hạn, mực nước tại các nhà máy thủy điện Lai Châu và Sơn La đang ở dưới mực nước chết - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cả một khu vực lòng hồ rộng lớn đang trong tình trạng cạn trơ đáy. Thuyền, nhà nổi, vó, bè của người dân nằm phơi nắng giữa lòng hồ. Những đàn trâu, bò đang gặm cỏ giữa lòng hồ thủy điện.

Ông Vàng Văn Vượng, người dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La (thị xã Mường Lay), cho biết những năm trước lòng hồ có rút nước nhưng vẫn còn chừng 1-2 mét nước, tuy nhiên năm nay thì cạn khô, người dân có thể đi bộ qua sông.

"Từ khoảng tháng 4, nước bắt đầu rút nhanh. Lòng hồ cạn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mưu sinh của người dân. Mọi năm có nước chúng tôi còn kiếm tôm, tép bán mưu sinh qua ngày, nhưng năm nay cả bè, thuyền bỏ phơi dưới lòng hồ nứt nẻ" - ông Vượng cho biết.

Ông Vàng Văn Vượng, người dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La (thị xã Mường Lay), đang đứng bên cạnh chiếc vó bắt cá của gia đình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Còn ông Đoàn Duy Quân, Trạm trưởng Trạm thủy văn Mường Lay (Điện Biên), cho biết lưu lượng nước về hồ Sơn La đoạn qua Mường Lay giảm 40-50% so với trung bình nhiều năm.

Lưu lượng nước về hồ từ đầu năm đến nay đo được lớn nhất 1.500m3/s, thời điểm này chỉ còn hơn 10m3/s. Kể từ khi hồ Sơn La tích nước đến nay, đây là thời điểm lưu lượng nước về hồ nhỏ nhất. Chính vì vậy, thời điểm này mực nước hồ Sơn La chỉ ở mức 175m, thấp hơn thời điểm mực nước thấp nhất trung bình các năm từ 10-15m" - ông Quân nói và cho biết dự báo khô hạn còn kéo dài tới hết tháng 6.

Một chiếc vó bắt cá và hai chiếc thuyền của người dân thị xã Mường Lay bị mắc cạn giữa lòng hồ thủy điện Sơn La - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Người dân tại thị xã Mường Lay (Điện Biên) tận dụng lòng hồ khô hạn để chăn thả gia súc - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Một chiếc thuyền mắc cạn giữa lòng hồ thủy điện Sơn La - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo chính quyền huyện Mường Lay (Điện Biên), do tình trạng khô hạn kéo dài gần nửa năm nên việc phát triển nuôi cá lồng bè của người dân địa phương không thực hiện được, trong ảnh là hai lồng bè nuôi cá của người dân mắc cạn dưới lòng hồ thủy điện Sơn La - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Để thích nghi với tình trạng lòng hồ thủy điện hạn hán kéo dài, người dân tại huyện Mường Lay đã cấy một vụ lúa để tăng gia sản xuất, tuy nhiên có thời điểm những diện tích lúa này mất trắng do nước lũ về đột ngột - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Một người dân đang thu hoạch lúa trên lòng hồ thủy điện Sơn La, do năm nay hạn hán kéo dài nên người dân đang có kế hoạch cấy thêm một vụ lúa nữa - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Khuôn mặt rầu rĩ của ông Hồ Văn Kiến (62 tuổi, sống tại phường Na Lay, thị xã Mường Lay) khi hạn hán kéo dài khiến những cây ngô của gia đình không phát triển được, cây còi cọc và ra bắp muộn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo Tuổi trẻ