EU kiện Ba Lan về đạo luật mới liên quan đến Nga

Tin tức - Ngày đăng : 07:54, 08/06/2023

Đây là tranh chấp mới nhất trong một loạt các rắc rối pháp lý giữa Brussels và Warsaw.

Chú thích ảnh

Brussels và Warsaw đang vướng vào một loạt tranh cãi pháp lý. Ảnh: Reuters 

Ủy ban Châu Âu ngày 7.6 tuyên bố họ đang kiện Ba Lan về đạo luật thành lập một cơ quan đặc biệt để điều tra ảnh hưởng của Nga trong nền chính trị Ba Lan, mà các nhà phê bình cho rằng vi phạm hiến pháp Ba Lan và có thể được sử dụng để đe dọa các đối thủ chính trị.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis phát biểu trong một cuộc họp báo cùng ngày cho biết, EU đã “đồng ý bắt đầu thủ tục bằng cách gửi thư thông báo chính thức liên quan đến luật mới về ủy ban nhà nước kiểm tra ảnh hưởng của Nga” tới Warsaw. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, Dana Spinant nói rằng các chi tiết về vụ việc sẽ được công bố trong cuộc họp báo thường kỳ vào 8.6.

Trong khi đó, Bộ trưởng Châu Âu của Ba Lan Szymon Szynkowski vel Sęk cho biết Warsaw rất tự tin: “Chúng tôi sẽ bình tĩnh đưa ra các lập luận pháp lý và thực tế trong trường hợp này sau khi xem xét các mối quan ngại của Ủy ban".

Đây là vụ mới nhất trong một loạt tranh chấp giữa Brussels và Warsaw về việc chính quyền Ba Lan bị cáo buộc liên tục vi phạm các tiêu chuẩn pháp quyền của EU.

Dự luật về "Ủy ban Điện Kremlin" đã được quốc hội Ba Lan thông qua vào cuối tháng 5. Ủy ban gồm 9 thành viên sẽ được bổ nhiệm bởi quốc hội, nơi đảng Pháp luật và Công lý (PiS) chiếm đa số hẹp. Các đảng đối lập cho biết họ sẽ tẩy chay thủ tục này.

Ủy ban trên sẽ có quyền tiếp cận tất cả các cơ quan chính phủ và truy cập các tài liệu trong công việc của mình. Nếu phát hiện những người phạm tội hoạt động dưới ảnh hưởng của Điện Kremlin, Ủy ban có thể áp dụng một loạt hình phạt - bao gồm cả việc cấm người vi phạm tham gia các cơ quan công quyền trong một thập kỷ. Điều đó đã làm dấy lên sự chỉ trích từ phe đối lập Ba Lan, cho rằng đạo luật có thể được sử dụng để loại bỏ lãnh đạo của họ, ông Donald Tusk, khỏi chính trường.

Chú thích ảnh

Lãnh đạo phe đối lập Donald Tusk và cựu Tổng thống Lech Walesa tham gia một cuộc tuần hành phản đối chính phủ ở Warsaw ngày 4.6.2023. Ảnh; CNN

Những người ủng hộ chính phủ nói rằng ủy ban trên là cần thiết để xem xét các vấn đề như thỏa thuận khí đốt của Nga được Warsaw ký kết vào thời điểm ông Tusk là thủ tướng. Tuy nhiên, thỏa thuận đó đã được ký kết trước khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và Ba Lan dưới chính phủ của đảng PiS hiện tại tiếp tục mua năng lượng của Nga cho đến năm nay.

Ba Lan đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp diễn ra vào mùa thu này khi PiS cố gắng giành được nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp chưa từng có. Theo thăm dò ý kiến ​​​​của Politico, PiS là đảng lớn nhất, nhưng khi kết hợp lại thì phe đối lập thống nhất lại đang dẫn trước.

Trong khi đó, luật "Ủy ban Điện Kremlin" đã kích động những người phản đối chính phủ; khoảng nửa triệu người đã xuống đường ở Warsaw hôm 5.6 để phản đối đảng PiS.

Các chuyên gia pháp lý cho biết việc thành lập ủy ban này là vi hiến khi làm suy yếu quyền được xét xử công bằng và tạo ra một cơ quan có quyền tư pháp nằm ngoài hệ thống tòa án.

Tổng thống Andrzej Duda đã ký phê chuẩn luật trên vào tuần trước, nhưng ông cũng thực hiện một bước thông thường là gửi nó lên Tòa án Hiến pháp, một tòa án hàng đầu chịu trách nhiệm kiểm tra xem luật có phù hợp với hiến pháp hay không.

Ủy ban châu Âu đã bày tỏ lo ngại về luật mới của Ba Lan. Mỹ - đồng minh NATO quan trọng của Warsaw - cũng có chung quan điểm. “Chính phủ Mỹ lo ngại về việc chính phủ Ba Lan thông qua luật mới có thể bị lạm dụng để can thiệp vào các cuộc bầu cử tự do và công bằng của Ba Lan" - Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Tổng thống Duda đã tìm cách trấn an những lo ngại khi thông báo rằng ông sẽ đưa ra các sửa đổi để loại bỏ các biện pháp trừng phạt đối với những người bị phát hiện hành động dưới ảnh hưởng của Nga, và thay vào đó, ủy ban sẽ chỉ có thể đưa ra ý kiến ​​​​đánh giá tiêu cực về năng lực phù hợp của một người cho chức vụ công, trong đó không bao gồm các nghị sĩ quốc hội.

Tuy nhiên, luật mà Tổng thống Duda đã ký hiện đang có hiệu lực và những sửa đổi chưa được quốc hội bỏ phiếu thông qua. Và ngay cả với những điều chỉnh đó, những người chỉ trích luật nói rằng nó vẫn không phù hợp với hiến pháp và sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các chính trị gia đối lập.

Trong bối cảnh đó, EU đã quyết định hành động, nối dài danh sách các tranh chấp giữa Warsaw và Brussels.

Trong một diễn biến khác, Tòa án Công lý Liên minh Châu Âu (CJEU) ngày 5/6 đã ra phán quyết rằng chính phủ Ba Lan đã vi phạm luật pháp EU khi thông qua các cải cách tư pháp sâu rộng đe dọa sự độc lập của các thẩm phán.

Theo Báo Tin tức