Giúp người già thành “công dân số”

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:46, 07/06/2023

Giúp người già thành "công dân số" là công việc đòi hỏi sự kiên trì và lòng nhiệt tình, vì mục tiêu xây dựng "xã hội số".

Giúp người già trở thành “công dân số” là việc đòi hỏi sự quyết liệt, kiên trì và sự hỗ trợ tối đa. Trong ảnh tư liệu: Công an huyện Nam Sách thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân

Cuối tuần rồi tôi về quê, thấy bố mẹ mình tất tả ra nhà văn hóa thôn để được lăn tay, chụp ảnh, thực hiện kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Ông bà bảo, xã thông báo thế rồi, không làm không được, mà làm rồi thì nói thật vẫn thấy lơ mơ chưa hiểu sau này dùng thế nào. Nhìn các ông bà tuổi đã ngoài 70, sử dụng điện thoại thông minh còn chưa thành thạo loay hoay với các tính năng của ứng dụng VNeID, tôi cũng hơi ái ngại. Nhưng tôi vẫn động viên "làm dần sẽ quen, khi mà xã hội thành xã hội số thì chuyện người già thành công dân số cũng hết sức bình thường".

Nói là vậy, nhưng tôi biết giúp người già thành “công dân số” không phải là chuyện đơn giản. Mới đây, khi làm thủ tục chứng thực một số giấy tờ, tôi cũng mới lần đầu tiên tiếp cận với việc nộp hồ sơ trực tuyến và công chức tiếp nhận hồ sơ cũng phải rất nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn thì việc thực hiện mới nhanh gọn. Trong khi chờ kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tôi quan sát hầu hết người đến làm thủ tục chứng thực như tôi đều chưa chủ động nộp hồ sơ trực tuyến, có người quên không nhớ mật khẩu tài khoản định danh điện tử, có người dùng căn cước công dân của người thân để đi làm nên không có tài khoản định danh cài đặt sẵn trên điện thoại, cũng như không thể nhận mã OTP để đăng nhập, có người điện thoại quá cũ, ảnh chụp mờ nên phải dùng máy quét của bộ phận "một cửa"…  Dù trên tường phòng làm việc đã niêm yết hướng dẫn chi tiết việc nộp hồ sơ trực tuyến thì hầu hết người làm thủ tục vẫn phải được hỗ trợ mới có thể hoàn thành. Đáng nói là, đa số họ đều chưa phải người già ngoài 70 tuổi như bố mẹ tôi. Có người mới chỉ ngoài 40 tuổi, một số ít thì tuổi hơn 60. Nhiều người khi được yêu cầu phải nộp hồ sơ trực tuyến đã tỏ ra thiếu kiên nhẫn. Họ chọn cách đến các phòng công chứng, văn phòng công chứng tư để đỡ phải làm việc này. Lại có người phàn nàn “hiện đại mà mất nhiều thời gian hơn cả cách làm cũ thì cứ làm như cũ có phải hơn không?”…

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đông đảo công dân, nhất là với người già trong việc làm thủ tục hành chính trực tuyến, giúp họ trở thành “công dân số” là việc đòi hỏi sự quyết liệt, kiên trì và sự hỗ trợ tối đa từ những công chức ở các bộ phận "một cửa". Không có việc gì dễ, quan trọng là chúng ta xác định, nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc mình làm.

Lấy một ví dụ đơn giản, trước đây nếu bạn đi chợ hoặc vào siêu thị mà quên không mang theo ví tiền, thì hẳn sẽ phải quay về. Nhưng nay thì khác, chỉ cần mang theo điện thoại và có sẵn tiền trong tài khoản thì mọi chuyện đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Tôi đã rất ngạc nhiên và vui mừng vì giờ đây ngay cả các chị bán hoa quả, thực phẩm ngoài chợ cũng sẵn sàng mở điện thoại để khách quét mã QR thanh toán tiền hàng thay vì phải đếm hoặc chạy đi đổi tiền. Mới đây, Cục Hàng không cho biết khách hàng đi máy bay có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để làm thủ tục bay, lại thêm lần nữa khẳng định những tiện ích của việc cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử.

Tới đây, khi việc sử dụng các dữ liệu điện tử của công dân ngày càng đồng bộ, các dịch vụ công trực tuyến được mở rộng, tôi tin rằng sẽ không có mấy người muốn trở lại cảnh xếp hàng chờ lấy số để làm thủ tục hành chính tại các bộ phận "một cửa". Và vì những tiện ích của quá trình chuyển đổi số, việc cần làm lúc này là kiên trì tuyên truyền, vận động và giúp đỡ người cao tuổi trở thành "công dân số".

HOÀI ANH