[Audio] Tứ Kỳ phát triển nuôi thủy sản công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 15:09, 07/06/2023
Mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao của ông Nguyễn Hữu Doan ở xã Tân Kỳ là mô hình điểm của huyện Tứ Kỳ
Thực hiện Đề án "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả và bền vững giai đoạn 2021-2025", huyện Tứ Kỳ đã xây dựng liên vùng nuôi thủy sản công nghệ cao Tái Sơn - Quang Phục - Tân Kỳ. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh định hướng phát triển thủy sản đồng bộ, tập trung, ứng dụng công nghệ cao.
Nâng cao năng suất
Tân Kỳ, Quang Phục, Tái Sơn là những xã có truyền thống nuôi thủy sản của huyện với diện tích lớn, nằm cạnh nhau nhưng hạ tầng lại thiếu liên kết. Người dân thường áp dụng phương thức nuôi truyền thống nên năng suất thấp. Năm 2021, huyện đã xây dựng vùng nuôi thủy sản công nghệ cao tại 3 xã trên với sự tham gia của 455 hộ trên tổng diện tích 296 ha.
Để xây dựng liên vùng, huyện đã trích ngân sách hỗ trợ xây dựng 3 tuyến đường ra vùng nuôi thủy sản dài 3,37 km tại xã Tái Sơn và Tân Kỳ; xây cầu Tân Lập để kết nối các vùng nuôi thuỷ sản; đề nghị tỉnh lắp đặt 2 trạm biến áp. Tứ Kỳ còn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc triển khai những mô hình thâm canh thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận cho 56 cơ sở nuôi thủy sản. UBND huyện nhiều lần làm việc với các chuyên gia về công nghệ và hỗ trợ liên kết sản xuất thủy sản của một số trường đại học, học viện.
Để thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, gia tăng giá trị kinh tế, những năm qua, các xã thành lập mô hình hợp tác xã thủy sản công nghệ cao. Năm 2021, huyện đã thành lập được 2 hợp tác xã nuôi thủy sản công nghệ cao ở Tân Kỳ và Quang Phục. Tại xã Tân Kỳ, 8 hộ dân tham gia hợp tác xã được hỗ trợ về kỹ thuật thâm canh công nghệ cao, đưa máy móc vào hỗ trợ sản xuất. Từ khi tham gia mô hình, ông Nguyễn Hữu Doan, ở thôn Nghi Khê đã đầu tư mua máy cho cá ăn tự động, thiết bị theo dõi cảm biến tự động thông minh kết nối điện thoại di động, thiết bị quan trắc môi trường nước... Nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, mỗi ha, năng suất bình quân nuôi thủy sản của gia đình ông Doan đạt 32 tấn, tăng 10 tấn so với trước khi tham gia hợp tác xã, doanh thu từ 1,2- 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng. Mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao của gia đình ông Doan được chọn là mô hình điểm của huyện.
Tại xã Tái Sơn, việc ứng dụng công nghệ cao, đưa máy móc tự động, bán tự động vào sản xuất đã giúp giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất, chất lượng thủy sản. Hiện xã có khoảng 60% số hộ nuôi thủy sản đã dùng máy tự động cho thủy sản ăn, máy sục khí liên hoàn tự động. Nhờ đó, năng suất thủy sản của xã tăng 1,2-1,5 lần so với phương thức nuôi truyền thống.
Tiếp tục đầu tư bài bản
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, địa phương hiện có khoảng 2.000 hộ nuôi thủy sản chuyên nghiệp với tổng diện tích 1.782ha, sản lượng ước đạt 15.000 tấn/năm. Huyện có 22 vùng thủy sản tập trung có quy mô từ 20 ha/vùng trở lên ở các xã Tân Kỳ, Quang Phục, Tái Sơn, Hưng Đạo, Tiên Động. Để phát huy lợi thế, áp dụng công nghệ cao vào nuôi thủy sản chính là hướng đi lâu dài của huyện, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Qua gần 3 năm triển khai xây dựng liên vùng thủy sản công nghệ cao, huyện xác định cần xây dựng từng mô hình nhỏ trong vùng lớn, từ đó đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm để nhân rộng. Trong năm 2023, huyện trích ngân sách thuê đơn vị điều tra, tư vấn thuyết minh cho vùng thủy sản; xây dựng mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao vào nuôi thủy sản với quy mô 10 ha tại xã Quang Phục; đề nghị tỉnh hỗ trợ hơn 21 tỷ đồng xây dựng 6 tuyến đường giao thông ra liên vùng thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đào Văn Soái cho biết xây dựng liên vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, bảo vệ môi trường. Đây là nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tứ Kỳ khoá XXV nhiệm kỳ 2020 -2025. Huyện cũng xác định phát triển thủy sản là mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp nên quyết tâm tạo đột phá cho lĩnh vực này bằng cách sản xuất hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Huyện đang đề nghị tỉnh công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho vùng thủy sản tập trung.
NGUYỄN THẢO