Hướng đi mới cho người sản xuất bánh gai Ninh Giang

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 10:11, 06/06/2023

Bằng việc thêm một số chất vào nguyên liệu, bánh gai đã có thời gian bảo quản kéo dài hơn so với trước đây, mang lại lợi ích cho người sản xuất cũng như tiêu dùng.


Nhờ áp dụng phương pháp kéo dài thời gian bảo quản, cơ sở sản xuất bánh gai của bà Nguyễn Thị Nga ở khu 2, thị trấn Ninh Giang đã nâng công suất, hiện đạt khoảng 5.000 bánh/ngày 

Bánh gai được người dân Ninh Giang làm theo công thức truyền thống với nguyên liệu là bột gạo nếp, lá gai, đỗ xanh, đường mật, đường kính... được gói trong lá chuối khô và dùng hơi hấp chín. Bánh có hương vị thơm ngon đặc trưng nên được nhiều thực khách ưa chuộng. Tuy nhiên, sau 3-4 ngày bánh thường bị thiu, chảy nhớt trên bề mặt và khô, cứng phần bột bánh. Vì thế, dù việc tiêu thụ khá tốt nhưng người dân Ninh Giang chỉ sản xuất cầm chừng. 

Để bánh gai kéo dài thời gian sử dụng, không bị hư hỏng, năm 2021, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (Bộ Công thương) phối hợp thực hiện đề tài “Nghiên cứu kéo dài thời hạn sử dụng đặc sản bánh gai Ninh Giang - Hải Dương”. Các thành viên tham gia nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến bánh nhanh hỏng là do vi khuẩn, nấm mốc và bị oxi hóa, tác động của nhiệt độ. Khắc phục hiện tượng này, nhóm đã xác định tỷ lệ, liều lượng sử dụng phù hợp các chất chống vi sinh vật, nấm, mốc, chống oxi hóa như kali sorbat, a xít sorbic, natri propionate, natri erythrobat, phụ tổng hợp Anti one nhằm kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn. Các chất đều nằm trong danh mục Bộ Y tế cho phép nên không gây độc hại cho sức khỏe.

Để kéo dài thời gian bảo quản, nhóm nghiên cứu khuyến cáo lá chuối khô đem rửa sạch, lau bằng dung dịch nước ôxi già nồng độ 3-5% hoặc nước pha phụ gia kali sorbat nồng độ 1,0-1,5% trước khi gói bánh. Khi bánh nguội, buộc 5 chiếc thành chồng cho vào túi ni lông và hút chân không. 

Với nhiều biện pháp như vậy, sau khi thử nghiệm, bánh gai có thể kéo dài thời gian sử dụng đến 7 ngày vẫn có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt dịu, bánh mềm, dẻo giống như bánh trước đây. Bên ngoài lá bánh không có hiện tượng mốc, phần bột bánh không khô cứng, chảy nhớt, mốc. 

Tại buổi nghiệm thu cuối tháng 3.2023 do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá đề tài "Nghiên cứu kéo dài thời hạn sử dụng đặc sản bánh gai Ninh Giang - Hải Dương" mang lại những hiệu quả thiết thực với người sản xuất. Từ đây, sẽ giúp bánh gai Ninh Giang vươn xa hơn ở thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nga ở khu 2, thị trấn Ninh Giang có truyền thống làm bánh gai từ nhiều đời nay. Trước đây, gia đình bà chỉ sử dụng các nguyên liệu thông thường nên bánh để ở môi trường tự nhiên không được lâu. Tham gia đề tài "Nghiên cứu kéo dài thời hạn sử dụng đặc sản bánh gai Ninh Giang - Hải Dương", bà Nga được hướng dẫn đưa thêm một số chất vào bánh gai, cách rửa lá chuối, hút chân không... nên bánh gai của gia đình để được lâu hơn, việc buôn bán cũng thuận tiện hơn rất nhiều. Theo phương pháp truyền thống, mỗi ngày gia đình bà chỉ sử dụng 7 lao động, sản xuất khoảng 3.000 bánh, mùa đông hay cuối tuần tăng thêm chút ít. Còn hiện nay, số lượng tăng đáng kể, lên khoảng 5.000 chiếc/ngày và phải thuê thêm người làm. Thị trường tiêu thụ bánh của gia đình bà Nga không chỉ ở trong nước mà còn xuất sang Hàn Quốc và một số người mua làm quà biếu khi ra nước ngoài. "Việc kéo dài thời hạn sử dụng mang lại rất nhiều lợi ích cho người làm bánh", bà Nga khẳng định.

Nhiều người thân của gia đình bà Nga thấy hiệu quả nên cũng áp dụng vào sản xuất bánh gai, trong đó có xưởng sản xuất của con gái bà ở tỉnh Thái Bình.

Với việc sử dụng thêm các chất trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, người làm bánh gai không còn lo lắng ôi, thiu như trước, sẽ mở ra những hướng mới, xuất sang nước ngoài của người dân Ninh Giang. 

THANH HÀ