Lá phiếu "nặng ngàn cân"

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:56, 05/06/2023

Việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất là thử thách phân biệt “vàng-thau” đối với mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý để họ tự soi chiếu về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, thái độ phục vụ nhân dân.

Tuần qua, cụm từ “lấy phiếu tín nhiệm” đã “hâm nóng” diễn đàn Quốc hội. Rất nhiều ý kiến tham gia thảo luận xung quanh dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Việc xây dựng dự thảo nghị quyết này nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2.2.2023 của Bộ Chính trị (thay thế Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8.10.2014) về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Hiện nay, sau hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ, nhiều đảng bộ, chi bộ cơ sở đang tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp ủy. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị đã được thực hiện từ nhiệm kỳ trước. Đây là một phép thử đối với các vị trí lãnh đạo cao nhất trong bộ máy, là cơ sở để đánh giá cán bộ một cách thực chất. Nếu như khi bỏ phiếu bầu đồng chí A vào vị trí nào đó, người bỏ phiếu bầu mới chỉ dựa vào trình độ, năng lực, tố chất… bộc lộ trong quá trình công tác trước đó của đồng chí ấy, chương trình hành động, tóm lại là nhìn vào tiềm năng, lời hứa hẹn… Thì lần bỏ phiếu tín nhiệm này, đồng chí A đã có thời gian chứng minh những lời cam kết, biến chương trình hành động thành thực tiễn. Đồng chí ấy có phải là người “nói đi đôi với làm”, là tấm gương “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”… hay không đã được chứng minh qua thực tiễn nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội và sẽ được đánh giá qua từng tờ phiếu. 

Việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất là thử thách phân biệt “vàng-thau” đối với mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý để họ tự soi chiếu về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, thái độ phục vụ nhân dân, khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ, trách nhiệm nêu gương…

Theo Quy định 96-QĐ/TW, lấy phiếu tín nhiệm là “nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ”, trong khi trước đó tại Quy định 262-QĐ/TW chỉ coi phiếu tín nhiệm là “một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ”. Đã có sự khác biệt rất rõ ràng giữa khái niệm “kênh tham khảo” và “nội dung quan trọng”.

Yêu cầu đối với cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm trong quy định mới cũng cao hơn. Với Quy định 262-QĐ/TW, những đồng chí có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Những đồng chí có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Còn với Quy định 96-QĐ/TW lại rất chi tiết, chặt chẽ: Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Chính vì những quy định mới này mà trách nhiệm của người ghi phiếu tín nhiệm cũng nặng nề hơn. Khi cầm bút tích vào 1 trong 3 ô: tín nhiệm cao, tín nhiệm hay tín nhiệm thấp, người ghi phiếu phải có thái độ khách quan, trung thực, không để cảm tình cá nhân, lợi ích cục bộ xen lẫn. Nếu không, mức độ tín nhiệm rất dễ bị sai lệch hoặc xảy ra tình trạng lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. 

Với quy định mới của Bộ Chính trị, lá phiếu tín nhiệm mang trên mình trọng trách to lớn hơn bởi nó có thể quyết định một cách trực tiếp và tức thời sinh mệnh chính trị của người được lấy phiếu tín nhiệm. Vì thế, cả người được lấy phiếu và người ghi phiếu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm để việc lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

KIM THANH