Bất cập trong thực thi Luật Tài nguyên nước ở Hải Dương
Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 07:55, 05/06/2023
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, chất lượng nước mặt hệ thống sông Bắc Hưng Hải có nhiều chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép. Trong ảnh: Cống Âu thuyền ở TP Hải Dương
Tháng 5 vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khảo sát về tình hình thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012. Sự chồng chéo trong quy định và thiếu thốn về kinh phí, nhân lực là 2 khó khăn được hầu hết các đơn vị, địa phương được khảo sát phản ánh.
Chồng chéo quy định
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, chất lượng nước mặt ở hệ thống các sông tự nhiên (sông Thái Bình, các phân lưu của sông Thái Bình, sông Luộc), hệ thống sông nội đồng (hệ thống sông Bắc Hưng Hải, An Kim Hải, sông Hương) đều có diễn biến ô nhiễm. Nhiều chỉ số vượt và vượt nhiều lần so với giới hạn cho phép, xu hướng ô nhiễm ngày càng gia tăng. Chất lượng nước dưới đất tại một số huyện như Cẩm Giàng, Nam Sách, Bình Giang, Thanh Miện, thị xã Kinh Môn và một phần TP Hải Dương đều có chỉ số vượt quá giới hạn cho phép và có dấu hiệu ô nhiễm.
Thực trạng này đang đặt ra bài toán khó trong công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, quản lý tài nguyên nước là một công tác rộng, có tính chất liên vùng miền, liên ngành nên càng phức tạp trong quản lý. Là địa phương có hệ thống sông Bắc Hưng Hải chảy qua địa bàn và phải hứng chịu nhiều tác động do ô nhiễm nguồn nước, UBND huyện Bình Giang phản ánh các quy định pháp luật về đối tượng, phạm vi, trách nhiệm quản lý giữa lĩnh vực tài nguyên nước và các lĩnh vực chuyên ngành chưa thống nhất.
Cụ thể, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã quy định rạch ròi giữa công tác quản lý tài nguyên nước và quản lý các hoạt động, công trình khai thác, sử dụng nước để bảo đảm nguyên tắc, thống nhất trong công tác quản lý nhà nước. Luật Thủy lợi lại đồng nhất khái niệm hệ thống công trình thủy lợi bao gồm cả nguồn nước, dòng sông dẫn đến nguyên tắc này không được bảo đảm, gây sự chồng chéo trong quá trình thực thi, không rõ đối tượng quản lý. Hiên nay, thực trạng quản lý tài nguyên nước xảy ra tình trạng nhiều chủ thể cùng quản lý một đối tượng hoặc không rõ trách nhiệm trong quản lý.
Cũng phản ánh vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho rằng một nội dung quản lý chỉ nên thống nhất giao cho một ngành chịu trách nhiệm chính, các ngành có liên quan chỉ tham gia để tránh chồng chéo, gây khó khăn cho công tác quản lý, tốn kém cho các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, một văn bản quy phạm pháp luật dưới luật như nghị định, thông tư có thể điều chỉnh nội dung tương tự nhau. Việc ban hành quá nhiều thông tư như hiện nay khiến cơ quan quản lý và tổ chức, cá nhân khó thực hiện.
Về quản lý hoạt động khai thác, sử dụng nước, Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định việc cấp phép khai thác tại nguồn nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh cấp. Luật Thủy lợi lại quy định việc khai thác nước trong công trình thủy lợi sẽ thực hiện theo hình thức hợp đồng với tổ chức, cá nhân vận hành công trình đó. Thực tế cho thấy hầu hết các công trình thủy lợi có hoạt động khai thác nước thuộc trường hợp phải cấp phép nhưng chỉ số ít có giấy phép.
Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước năm 2012 cũng có điểm chồng chéo với Luật Quy hoạch và Luật Bảo vệ môi trường về quy định xả nước thải vào nguồn nước. Sau khi Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua thì có một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 không còn phù hợp và chưa thống nhất, gắn kết với các luật khác.
Thiếu thốn kinh phí, nhân lực
Đây là một khó khăn lớn đang gây vướng mắc, trì trệ trong quá trình thực thi pháp luật, chính sách về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện nay.
Theo UBND huyện Gia Lộc, bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở cấp huyện không có cán bộ chuyên môn về tài nguyên nước. Do đó, các yêu cầu để thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành chưa được thực hiện. Ở 2 cấp huyện và xã chỉ có một cán bộ làm công tác kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực và gần như không có chuyên môn về tài nguyên nước. UBND huyện Gia Lộc cho rằng điều này đã làm giảm hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại địa phương.
Hiện nay, việc xả nước thải sinh hoạt vào nguồn nước mặt, nước ngầm của các gia đình, cá nhân các khu dân cư diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chưa đồng bộ do chưa có kinh phí xây dựng khu, trạm xử lý nước thải sinh hoạt dân cư.
UBND huyện Kim Thành cũng phản ánh lực lượng thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước còn mỏng, trang thiết bị phục vụ thiếu thốn, kinh phí cấp còn hạn chế khiến việc phát hiện và xử lý các vi phạm chưa kịp thời. Bên cạnh đó, huyện Kim Thành cũng chưa triển khai việc điều tra, đánh giá, khoanh định vùng bảo vệ nguồn nước tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện do không có kinh phí.
Cũng vì thiếu kinh phí mà Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương hiện còn 7 nhiệm vụ chưa làm được hoặc đang làm dang dở trong việc thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012. Trong đó, có nhiều việc đã tồn tại từ lâu như việc kiểm kê hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; điều tra, xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; lập danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương... Với đặc thù tài nguyên nước, các nhiệm vụ này chưa thực hiện được cũng kéo theo nhiều nhiệm vụ khác trì trệ hoặc không thể triển khai. Vì vậy, Hải Dương cần có biện pháp nhằm khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn nước khỏi các nguy cơ ô nhiễm trước khi quá muộn màng.
PHONG TUYẾT