Hai tập tiểu thuyết lịch sử xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 08:00, 05/06/2023
2 tập đầu của bộ tiểu thuyết 4 tập "Nước non vạn dặm"
Trong văn đàn Việt Nam hiện đại có rất nhiều nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nổi tiếng nhất là "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng, tái bản hơn 30 lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Gần đây có một nhà văn, nhà biên kịch đã tìm tòi, viết 4 tập tiểu thuyết lịch sử và kịch bản sân khấu cải lương về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu trong bộ tiểu thuyết "Nước non vạn dặm". Đó là nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận và Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
Hiện tập 1 có tên “Nợ nước non” và tập 2 “Lênh đênh bốn biển” đã ra mắt độc giả nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2023).
Tập 1 “Nợ nước non” dày hơn 200 trang, gồm 4 chương: Làng Chùa; Làng Chùa về lại, làng Sen vinh quy; Trở lại kinh thành; Cho chuyến đi xa. Trong tập này, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, lôi cuốn người đọc qua từng trang viết. Viết về một nhân vật lịch sử vĩ đại nhưng nhà văn đã không “kỳ bí hóa”, “thần thánh hóa” thời niên thiếu của vĩ nhân đó.
Chương 1 thực sự thành công bởi vốn sống và trải nghiệm phong phú của tác giả về quê hương xứ Nghệ, về cuộc sống ở kinh thành Huế nơi cậu bé Cung theo cha vào dạy học. Tác giả đã hư cấu những nhân vật không có trong chính sử, đó là đưa việc Cung kết bạn với Phúc, một em bé nhà nghèo, hiếu học, Cung xin cha dạy chữ cho Phúc không lấy tiền... Chính chi tiết nhỏ này đã toát nên một phẩm chất rất nhân văn trong con người Hồ Chí Minh.
Chương 2 "Làng Chùa về lại, làng Sen vinh quy" bắt đầu khi Cung trở lại quê nhà sau cái chết của mẹ và em. Những ngày ở quê, một may mắn đối với cậu bé Cung (lúc này là Nguyễn Tất Thành) là được gặp gỡ, tiếp xúc với những nhà yêu nước như thầy giáo Vương Thúc Quý, Phan Bội Châu, Nguyễn Quang Đoan - con trai cụ Nguyễn Quang Bích... đã giúp chàng thanh niên mở mang về kiến thức thế sự và hình thành những trăn trở lớn về thời cuộc. Những lần cha trò chuyện với cụ Phan Bội Châu về thế sự đã để lại dấu ấn lớn trong nhận thức về lòng yêu nước của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành sau này.
Trong chương 3 “Trở lại kinh thành”, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế nhậm chức năm 1906 trong bối cảnh những biến động chính trị lớn xảy ra nơi triều đình Huế. Những phong trào như Đông Kinh nghĩa thục, Đông Du, Duy Tân do những nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… lĩnh xướng đã thu hút đông đảo thanh niên trí thức, con cái các quan lại cấp tiến tham gia. Đây là thời kỳ Nguyễn Tất Thành học Trường Pháp - Việt Đông Ba và Quốc học Huế đã chứng kiến đời sống khốn khổ của nhân dân ta, các cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng của nhân dân Thừa Thiên-Huế và cậu tham gia làm phiên dịch. Vì thế, Nguyễn Tất Thành nằm trong tầm ngắm của mật thám Pháp. Đây cũng là thời gian chín muồi về nhận thức tư duy yêu nước của Nguyễn Tất Thành trong thực tiễn và hành động.
Chương 4 “Cho chuyến đi xa” là giai đoạn chuẩn bị của chàng trai Nguyễn Tất Thành khi rời thương cảng Sài Gòn ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Thời gian này, ông Nguyễn Sinh Huy được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê (Bình Định), Nguyễn Tất Thành vào học Trường Pháp-Việt Quy Nhơn một thời gian ngắn. Vì yêu nước, thương dân nên Tri huyện Bình Khê sai lính lệ trừng trị một tên cường hào, sau đó ông bị vu cáo hãm hại, triều đình Huế giáng chức, ông liền từ quan. Chính thời gian này, Nguyễn Tất Thành có dịp tiếp xúc với những nhân sĩ trí thức của phong trào Đông Kinh nghĩa thục như các ông Nguyễn Trọng Lôi, Nguyễn Quý Anh và xin dạy ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thấu hiểu lời cha dạy: “Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn”, bên tai Nguyễn Tất Thành văng vẳng lời dạy của cha: “Nước mất thì phải lo tìm nước, đừng mất công tìm cha” là cú hích để Người rời Phan Thiết vào Sài Gòn để đến ngày 5.6.1911, tại bến Nhà Rồng, Người lên con tàu Amiral Latouche Tréville với cái tên Văn Ba, bắt đầu hành trình 30 năm vạn dặm tìm đường cứu nước.
Tập 2 của bộ tiểu thuyết mang tên "Lênh đênh bốn biển" gồm 9 chương với 222 trang, nhà văn khắc họa hình tượng Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, Anh, Mỹ, Hồng Kông, Liên Xô, các nước châu Phi, Trung Quốc, Thái Lan... cho đến mùa xuân năm 1941, Người trở về Tổ quốc. So với tập 1, khối lượng tư liệu, nhất là tính tư tưởng của tác phẩm, nhân vật, sự kiện lớn hơn rất nhiều. Vừa tự kiếm sống, vừa trau dồi kiến thức, chàng thanh niên Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc đã hăng hái tham gia các hoạt động xã hội. Người tham gia Đảng Xã hội Pháp năm 1918 rồi chủ động cùng các nhân sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường gửi yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Versaille (1919); bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1922, Người sáng lập tờ báo “Người cùng khổ”. Người khẳng định sứ mệnh của tờ báo là “giải phóng con người”. Bằng bút pháp chặt chẽ, xử lý tư liệu khôn khéo, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã khắc họa thành công chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm tháng bôn ba ở hải ngoại và chi tiết xúc động nhất là Người tìm đến Chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi đọc xong Luận cương Lênin, Người bật khóc: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”.
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ là một chính khách, một chính khách làm văn nghệ, bằng tư duy chính trị nhạy bén với năng khiếu văn chương bẩm sinh, ông đã khắc họa thành công chân dung lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xúc động qua 2 tập của bộ tiểu thuyết "Nước non vạn dặm".
NGUYỄN VIẾT HIỆN