Tiến sĩ Trần Hoành quê ở đâu?
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 15:00, 02/06/2023
Bia “Thạch kiều bi ký” đang được lưu giữ tại đình làng Trung, xã Tái Sơn được khắc dựng năm 1944 có ghi “Tứ Kỳ phủ, Phan Xá tổng, Ngọc Tái xã, Trung thôn”
Một tiến sĩ, hai xã cùng ghi quê
Báo Hải Dương nhận được bài viết của thầy giáo Nguyễn Đình Sơn, ở xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) về việc trên con đường tìm hiểu các tiến sĩ của huyện Tứ Kỳ, thông qua các tài liệu cho thấy chưa có sự thống nhất trong thông tin về quê hương của Tiến sĩ Trần Hoành.
Cụ thể, trong cuốn "Tiến sĩ Nho học Hải Dương 1075 - 1919" phát hành năm 1999, trang 139 có ghi Tiến sĩ Trần Hoành (Hoàng giáp khoa thi năm 1487), “sinh trú quán ở xã Ngọc Tái (玉 塞)” và “nay thuộc xã Ngọc Kỳ”. Đối chiếu với các cuốn sách sau này gồm: “Lịch sử Đảng bộ huyện Tứ Kỳ tập 1 (1930 - 1975)”, xuất bản năm 2000 nói quê của Tiến sĩ Trần Hoành thuộc xã Ngọc Kỳ ngày nay. Đồng nhất quan điểm, cuốn Lịch sử đảng bộ và nhân dân xã Ngọc Kỳ (1930 - 2010) xuất bản năm 2012 cũng ghi Tiến sĩ Trần Hoành quê ở xã Ngọc Kỳ. Tuy nhiên cùng xuất bản năm 2012, Lịch sử đảng bộ và nhân dân xã Tái Sơn (1930 - 2010), trang 39 lại thông tin quê hương của Tiến sĩ Trần Hoành thuộc xã Tái Sơn ngày nay.
Như vậy, cùng một tiến sĩ nhưng cả 2 xã đều nhận là quê hương. Vậy đâu mới là quê hương chính xác của danh nhân này?
Tác giả Nguyễn Đình Sơn đã đối chiếu với các cuốn sách gốc chép về các tiến sĩ nho học như: Đại Việt lịch triều đăng khoa lục (vẫn được gọi tắt là cuốn Đăng khoa lục) của nhóm tác giả: Nguyễn Hoãn, Uông Sĩ Lãng, Phan Trọng Phiên, Võ Miên, xuất bản năm 1779, trang 85 có ghi Trần Hoành người xã Ngọc Tái đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1487. Trong cuốn "Tứ Kỳ địa dư phong vật chí" của Nguyễn Năng Tấu cũng thông tin tương tự khi ghi quê của ông ở xã Ngọc Tái, tổng Phan Xá, huyện Tứ Kỳ. Như vậy, các cuốn sách gốc này đều thống nhất thông tin quê hương của Tiến sĩ Trần Hoành là ở xã Ngọc Tái.
Như vậy, quê của Tiến sĩ Trần Hoành ở xã Ngọc Tái thì đã rõ, nhưng Ngọc Tái thuộc xã nào ở Tứ Kỳ ngày nay?
Tấm bia "Bản tự bi ký" khắc dụng thời vua Tự Đức đang được lưu giữ ở chùa Tố Quang, thôn Trung, xã Tái Sơn
Tìm lời giải
Cuốn Lịch sử đảng bộ và nhân dân xã Ngọc Kỳ (1930 - 2010), tại trang 11 chép: Vào thời Lê (tức thời Tiến sĩ Trần Hoành sinh sống - PV), xã Ngọc Kỳ ngày nay là hợp của 3 làng xã gồm: Tứ Kỳ, Đại Đình, Kim Đôi. Năm 1899, một xóm đạo của thôn Kim Đôi tách ra thành lập thôn Ngọc Lý, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, xóm Trại của Ngọc Lý tách ra thành lập thôn Ngọc Trại. Ngày nay, xã Ngọc Kỳ có 5 thôn là: Tứ Kỳ thượng, Đại Đình, Kim Đôi, Ngọc Lý, Ngọc Trại. Như vậy, trên địa bàn xã Ngọc Kỳ trong lịch sử không ghi địa danh nào mang tên là Ngọc Tái.
Trong cuốn Lịch sử đảng bộ và nhân dân xã Tái Sơn (1930 - 2010), trang 14 cũng viết: xã Tái Sơn ngày nay trước Cách mạng Tháng Tám vốn là 2 xã Thiết Tái và Ngọc Tái, xã Ngọc Tái có các thôn: Thượng, Trung, Ngọc Chấn. Năm 1946, 2 xã Ngọc Tái và Thiết Tái hợp lại thành xã Tái Sơn với 4 thôn: Thiết Tái, Thượng, Trung, Ngọc Chấn. Tên xã Ngọc Tái không còn nữa kể từ thời điểm năm 1946 trở lại đây.
Bản đồ do người Pháp vẽ năm 1904 cho thấy vị trí tương ứng của Ngọc Tái với xã Tái Sơn ngày nay
Tác giả Nguyễn Đình Sơn cũng dẫn chứng hiện ở cả chùa và đình làng Trung, xã Tái Sơn ngày nay vẫn còn các tấm bia khẳng định đây là xã Ngọc Tái xưa.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện ở thôn Trung, xã Tái Sơn còn lưu giữ 2 tấm bia là cơ sở để tham khảo đây có thể là xã Ngọc Tái cũ. Cụ thể, ở chùa Tố Quang, thuộc thôn Trung, xã Tái Sơn ngày nay vẫn còn tấm bia "Bản tự bi ký" khắc dựng thời vua Tự Đức có xác định địa chỉ là: "Ngọc Tái xã, Trung thôn". Còn tấm bia “Thạch kiều bi ký” đang được lưu giữ tại đình làng Trung nói về việc xây dựng cầu đá, được khắc dựng năm 1944 cũng có ghi “Tứ Kỳ phủ, Phan Xá tổng, Ngọc Tái xã, Trung thôn”.
Tham khảo cuốn "Địa danh Làng xã Việt Nam qua tài liệu địa bạ Triều Nguyễn" có ghi: "Xã Ngọc Tái: Đông giáp các thôn Thái Lãng, Đông Trù xã Thái Lãng bản tổng. Tây giáp các xã Kim Đôi, Thiết Tái, thôn Đại Đình xã Tứ Kỳ bản tổng. Nam giáp xã Thiết Tái bản tổng, xã Mặc Xá tổng Mặc Xá. Bắc giáp các xã Ô Mễ, Lạc Dục tổng Nguyễn Xá; và bản đồ được người Pháp vẽ năm 1904, thì xã Ngọc Tái cũ khá tương ứng với xã Tái Sơn ngày nay.
Như vậy, xã Ngọc Tái rất có thể là xã cổ thuộc xã Tái Sơn ngày nay.
Tương tự, một vị tiến sĩ khác là Nguyễn Sầm, đỗ đệ tam giáp khoa thi năm 1544 cũng có nhiều cuốn sách ghi quê ở xã Ngọc Tái (玉 塞)” và “nay thuộc xã Ngọc Kỳ”. Phải chăng cũng có sự nhầm lẫn? Đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu, trao đổi để có câu trả lời thỏa đáng.
ANH SƠN