Đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng với ô tô
Thị trường - Ngày đăng : 20:30, 01/06/2023
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Thảo luận ở hội trường chiều 1.6 tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết.
Đại biểu Việt Nga đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô (bao gồm cả dòng xe ô tô dưới 24 chỗ). Theo đại biểu, việc này nhằm thúc đẩy sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước để bảo đảm duy trì nguồn thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực này.
"Nói về tầm quan trọng của ngành công nghiệp ô tô, đây là một trong những ngành công nghiệp đi đầu kéo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và đóng góp không nhỏ cho kinh tế - xã hội. Một trong các công cụ hiệu quả được nhiều nước trên thế giới thực hiện để thúc đẩy ngành này là điều chỉnh các chính sách về thuế và phí để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành xe", đại biểu Việt Nga nhận định.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, ngành này đang phải đối mặt với tình trạng tồn kho lớn, phát sinh nhiều chi phí bảo dưỡng, doanh thu sụt giảm. Kéo theo đó, dòng tiền bị tê liệt dẫn tới mất cần đối thu - chi, hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên rất cần chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, có thể áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe ô tô dưới 24 chỗ.
Theo đại biểu, việc áp dụng mức thuế VAT 8% gây hụt thu ngân sách nhà nước 2% VAT so với quy định hiện hành nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao cùng với nhiều loại thuế, phí khác... Vì vậy, nếu kích cầu trong lĩnh vực này thì tổng số thuế thu từ các loại thuế và phí khác phải chịu trên một chiếc ô tô sẽ vượt số thuế VAT 2% đã được giảm. Điều này góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và phát triển ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt kích cầu thị trường để giải quyết khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Mặt khác, mặc dù các dòng xe ô tô dưới 24 chỗ là loại hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không khuyến khích tiêu dùng nhưng việc giảm thuế VAT 2% chỉ áp dụng trong thời gian ngắn nên cơ bản không ảnh hưởng tới tinh thần chung trong việc điều tiết không khuyến khích tiêu dùng đối với mặt hàng này mà chỉ tháo gỡ khó khăn thời điểm.
Dẫn số liệu báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, đại biểu Việt Nga cho biết giai đoạn 2020 - 2022, trong thời gian áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì lượng xe tồn kho kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đã được tiêu thụ. Từ tháng 7.2020 đến tháng 12.2020, số lượng xe bán ra tăng 77% so với 6 tháng đầu năm 2020 khi chưa được áp dụng chính sách này. Tổng doanh số bán xe toàn thị trường trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, số lượng xe bán ra được bán ra từ đầu năm 2023 đến nay chỉ ở mức hơn 22.400 xe, thấp nhất trong 4 năm gần đây. Con số này cho thấy sự khó khăn mà ngành công nghiệp ô tô đang phải đối mặt trong khi ngành này đang đóng góp một phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước.
Trước thực trạng này, đại biểu Việt Nga đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế gia trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô (bao gồm cả đối với các dòng xe ô tô dưới 24 chỗ) để kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ô tô tháo gỡ khó khăn, bảo đảm việc làm cho người lao động, tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp ô tô. Qua đó, tiếp tục đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và phát triển nền kinh tế.
PV