Cây thị 700 tuổi "cứu vua Lê Lợi" được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 18:30, 30/05/2023

Cây thị có tuổi đời trên 700 năm gắn liền với sự tích "cứu vua Lê Lợi" ở Hà Tĩnh vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam.


Cây thị trên 700 năm tuổi gắn liền với sự tích "cứu vua Lê Lợi" được công nhận Cây di sản Việt Nam

Ngày 30.5, ông Phan Văn Đoài - Chủ tịch UBND xã Kim Hoa (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) - cho biết Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vừa ra quyết định công nhận một cây thị tại địa phương là Cây di sản Việt Nam.

Cây thị nằm ở thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa có tuổi đời trên 700 năm, chiều cao 45-50 m, cành lá xum xuê, chu vi đoạn gốc tiếp giáp với mặt đất khoảng 12 m, gốc cây rỗng, có thể chứa được 4-5 người.

Theo lời các cụ cao niên ở thôn Kim Sơn, tương truyền cây thị gắn liền với lịch sử chống quân Minh xâm lược vào thế kỷ XV. 

Theo đó, vào năm 1425, khi cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh của vua Lê Lợi ở Lam Sơn (Thanh Hóa) gặp khó, nhà vua đã quyết định kéo quân di chuyển vào vùng đất Đỗ Gia (tức Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay) để lập căn cứ địa.


Cây thị có chu vi đoạn gốc tiếp giáp với mặt đất khoảng 12 m

Trên đường vào đến Hương Sơn, vua Lê Lợi bị giặc Minh truy đuổi, đến làng Cổ Đậu thì phát hiện thấy cây thị xum xuê, phần gốc rỗng ruột, vua Lê Lợi được thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện cùng đội quân chỉ dẫn chui vào ẩn nấp trong hốc cây, nhờ đó thoát nạn.

Theo tương truyền, tại gốc cây thị này, vua Lê Lợi và thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đã cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc Minh.

Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần. Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền câu thơ nói về giai thoại lịch sử: 

"Cắt tóc, giết ngựa trắng
Dưới gốc thị thề nguyền
Nguyện đồng tâm đồng chí
Phá giặc xây cơ đồ".


Tấm bia đặt gần gốc cây thị

Trải qua hàng trăm năm, cây thị vẫn giữ được thế rất đẹp, nhiều đoạn cành lá sum suê, uốn lượn. Rất nhiều đoàn khách các địa phương về đây chụp hình lưu niệm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của "cây thị ăn thề".

Năm 2001, nhân dân địa phương đã đóng góp kinh phí xây dựng một miếu thờ dưới gốc cây thị, bên bia khắc chữ: "Gốc thị sử tích, mùa thu Ất Tỵ 1425 Lê Lợi - Nguyễn Tuấn Thiện tuyên thệ/Thệ phát sơ thù Minh thị hạ/Quyết tâm bất dịch, trợ hòa đao".

Theo Tuổi trẻ