Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu-16

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 14:06, 30/05/2023

Vào lúc 9 giờ 31 sáng 30.5 (giờ địa phương), Trung Quốc đã phóng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F, mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-16, đưa 3 phi hành gia của nước này lên trạm vũ trụ Thiên Cung.


Tên lửa đẩy Trường Chinh-2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-16 rời bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc ngày 30.5.2023

Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc, đây là chuyến bay đầu tiên của thế hệ phi hành gia thứ 3 của Trung Quốc và là lần đầu tiên có sự tham gia của phi hành gia dân sự trong sứ mệnh trên tàu vũ trụ. Nhóm 3 phi hành gia này sẽ tiến hành các nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu kéo dài 5 tháng trên Thiên Cung, tiếp quản công tác từ các đồng nghiệp thuộc sứ mệnh Thần Châu-15, sau khi họ kết thúc nhiệm vụ 6 tháng làm việc tại đây. 

Trong nhóm 3 phi hành gia trên tàu Thần Châu-16, trưởng đoàn là thiếu tướng Cảnh Hải Bằng - người lần thứ 4 thực hiện nhiệm vụ bay vào không gian. Người thứ hai là kỹ sư hàng không vũ trụ Chu Dương Trụ. Người thứ ba là ông Quế Hải Triều (36 tuổi) - Giáo sư thuộc trường Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh (Đại học Beihang). 

Ông Quế Hải Triều là cá nhân dân sự đầu tiên ở Trung Quốc bay vào vũ trụ. Ông được Chương trình Vũ trụ có người lái của Trung Quốc chọn hồi tháng 10.2020 để đào tạo thành một trong những phi hành gia thế hệ thứ 3 và được giao nhiệm vụ làm chuyên gia về trọng tải khoa học. Tháng 6.2022, ông được chọn tham gia sứ mệnh Thần Châu-16, trở thành nhà khoa học Trung Quốc đầu tiên thực hiện chuyến bay vũ trụ.

Để chuẩn bị cho chuyến bay này, từ sáng 29.5, tên lửa Trường Chinh-2F đã bắt đầu được nạp nhiên liệu đẩy. Theo kế hoạch, sau khi Thần Châu-16 vào quỹ đạo, tàu này sẽ kích hoạt chế độ hướng dẫn cập bến nhanh để tiếp cận và kết nối với cổng vòm của module lõi trên trạm vũ trụ. Các phi hành gia Thần Châu-16 được kỳ vọng sẽ đạt được những thành tựu khoa học cấp cao trong việc nghiên cứu các hiện tượng lượng tử mới lạ, các hệ tần số không thời gian có độ chính xác cao, xác minh thuyết tương đối rộng và nguồn gốc của sự sống. 

Chuyến bay của tàu Thần Châu đánh giá bước tiến mới của Trung Quốc trên con đường trở thành một cường quốc không gian. Những thành tựu vũ trụ nổi bật nhất của Trung Quốc trong 20 năm qua bao gồm việc nước này đã xây dựng được hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu của riêng mình để thay thế cho GPS của Mỹ; thực hiện nhiều chuyến bay có phi hành đoàn kể từ chuyến bay đầu tiên năm 2003; hoàn thành việc xây trạm vũ trụ Thiên Cung và xúc tiến nhiều sứ mệnh khám phá Mặt Trăng, các hành tinh và nhiều mục tiêu vũ trụ tham vọng khác.

Theo TTXVN