Căng thẳng tăng cao ở Kosovo và phản ứng của Nga, phương Tây
Tin tức - Ngày đăng : 20:18, 28/05/2023
Lực lượng an ninh đứng cạnh một chiếc ô tô đang bốc cháy, sau cuộc đụng độ giữa cảnh sát Kosovo và những người biểu tình thuộc sắc tộc Serbia ngày 26.5. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, kết quả của các cuộc đụng độ giữa cảnh sát Kosovo và những người biểu tình phản đối các thị trưởng người Albania hôm 26.5 đã khiến Serbia phải đặt quân đội trong tình trạng báo động chiến đấu cao và triển khai các đơn vị đến gần khu vực biên giới với Kosovo.
Reuters dẫn lời Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết quân đội nước này vẫn duy trì "mức báo động cao nhất" gần biên giới với Kosovo, một ngày sau khi chính quyền Kosovo dùng vũ lực để bổ nhiệm thị trưởng ở khu vực có người dân tộc Serbia sinh sống và các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa người dân tộc Serbia và cảnh sát Kosovo.
Hiện tình hình vẫn còn căng thẳng ở miền Bắc Kosovo, nơi lực lượng cảnh sát vũ trang hạng nặng với xe bọc thép đang canh gác các tòa nhà của thành phố.
Nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti đã bảo vệ hành động của cảnh sát trong việc hộ tống các thị trưởng mới được bổ nhiệm. Ông Kurti viết trên Twitter: “Những người được bầu trong các cuộc bầu cử dân chủ có quyền đảm nhận chức vụ mà không bị đe dọa. Đó cũng là quyền của công dân được phục vụ bởi các quan chức được bầu đó”.
Phản ứng về vấn đề trên, Oana Lungescu, người phát ngôn của NATO cho biết trong một bài đăng trên Twitter: "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Kosovo xuống thang ngay lập tức và giải quyết tình hình thông qua đối thoại". Bà Oana Lungescu cho biết KFOR, phái bộ gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu gồm 3.800 người ở Kosovo, sẽ tiếp tục "cảnh giác".
Trong khi đó, người phát ngôn các vấn đề đối ngoại của EU Peter Stano kêu gọi tất cả các bên "xuống thang tình hình căng thẳng và khôi phục bình tĩnh ngay lập tức". "EU sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động đơn phương hoặc khiêu khích nào nữa và việc duy trì hòa bình và an ninh trên thực địa nên được ưu tiên", ông Stano nói trong một tuyên bố.
Anh, Pháp, Italy, Đức và Mỹ cũng đưa ra tuyên bố chung lên án quyết định của Kosovo về vụ việc, kêu gọi chính quyền lùi bước và giảm leo thang tình hình.
"Chúng tôi kêu gọi chính quyền Kosovo ngay lập tức lùi bước và xuống thang, đồng thời phối hợp chặt chẽ với EULEX (phái bộ của EU) và KFOR ở Kosovo. Chúng tôi lo ngại trước quyết định của Serbia về việc nâng cao mức độ sẵn sàng chiến đấu lực lượng vũ trang của họ ở biên giới với Kosovo và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa, tránh những lời lẽ kích động", thông báo được đăng trên trang web của Chính phủ Anh nêu rõ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chỉ trích chính quyền Kosovo vì những hành động mới của họ, nói rằng họ "làm leo thang căng thẳng một cách không cần thiết, (đã) làm suy yếu những nỗ lực của chúng tôi nhằm giúp bình thường hóa quan hệ giữa Kosovo và Serbia và sẽ gây ra hậu quả cho quan hệ song phương của chúng tôi với Kosovo".
Mỹ là nhà hỗ trợ chính của Kosovo về chính trị, quân sự và tài chính kể từ khi họ tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008.
Về phần mình, Nga đổ lỗi cho Kosovo, Mỹ và EU về việc làm leo thang căng thẳng ở Balkan, đồng thời cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ sau các vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát Kosovo và những người biểu tình phản đối các thị trưởng sắc tộc Albania.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: "Chúng tôi cực lực lên án các bước đi khiêu khích của Kosovo, vốn đã đẩy tình hình gần đến giai đoạn nóng và đe dọa trực tiếp đến an ninh của toàn bộ khu vực Balkan. Trách nhiệm về việc này hoàn toàn thuộc về Mỹ và EU”, lưu ý rằng những phản ứng trên đối với Kosovo của “các nhà trung gian phương Tây” đã được đưa ra quá muộn.
Gần một thập kỷ sau khi kết thúc cuộc xung đột, người Serbia ở khu vực phía Bắc của Kosovo không chấp nhận tuyên bố độc lập của Kosovo khỏi Serbia năm 2008 và vẫn coi Belgrade là thủ đô của họ. Kosovo có người gốc Albania chiếm hơn 90% dân số, với người Serbia chỉ chiếm đa số ở khu vực phía Bắc.
Theo Báo Tin tức