Kinh phí giám sát quá ít, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khó mời chuyên gia

Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 11:39, 28/05/2023

Kinh phí giám sát quá ít sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giám sát cả về chất lượng lẫn khâu tổ chức hoạt động.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương 

Phát biểu thảo luận hội trường sáng 27.5 tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị Quốc hội xem xét nâng mức kinh phí phục vụ hoạt động giám sát cho phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy từ năm 2022 và trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều đổi mới toàn diện, đạt kết quả tích cực và được đông đảo cử tri, nhân dân đánh giá rất cao. Tuy nhiên, hiện kinh phí dành cho hoạt động giám sát tại các Đoàn Đại biểu Quốc hội địa phương còn quá ít ỏi để tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ sở. Ngoài các thành viên là đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh còn phải phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành khác và mời các chuyên gia.

Với mức kinh phí hiện tại thì việc mời được chuyên gia từ các lĩnh vực và các thành viên của các cơ quan khác tham gia đoàn giám sát chưa được thuận lợi. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động giám sát cả về chất lượng lẫn khâu tổ chức hoạt động.

Bên cạnh đó, việc tham gia đoàn giám sát của đại diện các cơ quan hữu quan, đặc biệt là lãnh đạo các bộ cần được tính toán, cân nhắc kỹ hơn nữa. Lãnh đạo các bộ vừa tham gia với tư cách là chuyên gia tham gia đoàn giám sát, vừa với tư cách là cơ quan chịu sự giám sát. Khi đoàn giám sát một lĩnh vực nào đó tại địa phương, nếu có lãnh đạo bộ phụ trách lĩnh vực đó là Bộ trưởng, Thứ trưởng là thành viên Đoàn giám sát thì thông thường địa phương rất ngại đề cập tới những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật mà chỉ thiên về báo cáo thành tích.

Ngoài ra, các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai tại các Đoàn Đại biểu Quốc hội nhiều khi còn áp lực về thời gian do không tính đến tính thời điểm của hoạt động giám sát. Ví dụ với cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, kế hoạch chi tiết ban hành ngày 11.10.2022 và yêu cầu các Đoàn Đại biểu Quốc hội phải gửi báo cáo trước ngày 15.2.2023. Trong khi Kỳ họp thứ 4 kết thúc vào ngày 15.11.2022, đến 20.11.2022 các đoàn mới hoàn thành hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp. Sau khi trừ thời gian nghỉ Tết, khoảng thời gian vật chất thực tế còn lại để triển khai hoạt động giám sát khá ngắn mà đoàn có nhiều hoạt động gắn với Tết cổ truyền như đi thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu sự giám sát trong thời gian đó cũng bộn bề công việc tổng kết năm, triển khai nhiệm vụ năm mới...

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy hoạt động giám sát đúng yêu cầu về thời gian thì rất vất vả và kết quả chưa thực sự như mong muốn. Kế hoạch giám sát gửi các Đoàn Đại biểu Quốc hội cần được tính toán kỹ hơn về thời gian và về thời điểm để tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt nhất hoạt động giám sát của mình.

PHONG TUYẾT