Phim truyền hình lấy lại sức hút
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 13:59, 27/05/2023
Từ cuối năm 2022 đến giữa năm 2023, nhiều bộ phim lên sóng với đa dạng thể loại, khai thác nhiều khía cạnh của cuộc sống. Nhiều bộ phim khai thác đề tài về hôn nhân, gia đình, tình bạn, tình yêu với cách thể hiện gần gũi, sinh động khiến nhiều khán giả thích thú.
Hút khán giả trở lại
Năm 2022, phim truyền hình Việt có dấu hiệu chững lại. Trong năm 2022, bộ phim nhận được nhiều lời khen, sự công nhận của khán giả là Thương ngày nắng về. Tại các lễ trao giải về phim truyền hình cuối năm, không khó để nhận định bộ phim này thắng giải. Tuy nhiên, trường hợp này có lẽ khó xảy ra hơn trong năm 2023, bởi chỉ nửa năm nhưng các phim lên sóng đều gây thiện cảm.
Theo số liệu do đơn vị nghiên cứu thị trường Kantar Media Vietnam công bố, những bộ phim truyền hình như Đừng làm mẹ cáu (đạo diễn Vũ Minh Trí), Đừng nói khi yêu (đạo diễn Bùi Quốc Việt), Cuộc đời vẫn đẹp sao (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng), Gia đình mình vui bất thình lình (đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh và Nguyễn Đức Hiếu) luôn dẫn đầu trong bảng xếp hạng chương trình được xem nhiều nhất cả nước, có rating trên 3%.
Thị trường phim truyền hình năm 2023 nhộn nhịp với nhiều thể loại phim trên sóng
Chị Trần Thu Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiết lộ, hai vợ chồng chị là khán giả trung thành của phim truyền hình trên sóng giờ vàng nhiều năm nay. Họ giữ thói quen xem phim sau bữa tối như một cách gắn kết các thành viên trong gia đình. “Tôi thích những phim nhẹ nhàng, về hôn nhân, gia đình. Phim Việt gần đây như Hương vị tình thân, Cuộc đời vẫn đẹp sao… khá hấp dẫn, không thua kém các bộ phim của Trung Quốc, Hàn Quốc. Tôi chọn xem phim truyền hình Việt vì sự gần gũi, dễ hiểu”, chị Thu Hà chia sẻ.
Giới trẻ cũng quan tâm đến phim truyền hình Việt hơn, bởi nhà sản xuất quan tâm hơn về đề tài tình bạn, tình yêu của giới trẻ. Những bộ phim như 11 tháng 5 ngày, Gara hạnh phúc, Đừng nói khi yêu... nói đúng nỗi lòng giới trẻ. Khán giả Hoàng Minh Thư (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, những tình huống trong phim gần gũi với cuộc sống, nhiều tình huống thực tế xảy ra ngoài đời. “Phim Việt Nam ngày càng hấp dẫn, tình huống, thoại trong phim rất đời. Nhất là mấy bộ phim phát sóng gần đây như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Gia đình mình vui bất thình lình”, Minh Thư nói.
Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm về phim truyền hình xuất hiện, cho thấy sự quan tâm của khán giả rất lớn. Nhóm hâm mộ phim Gia đình mình vui bất thình lình trên mạng xã hội thu hút gần 30 nghìn người tham gia. Trước đó, nhóm này có tên 11 tháng 5 ngày - một bộ phim cũng của bộ đôi đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh và Nguyễn Đức Hiếu. Cảnh đánh ghen, dằn mặt hay những tình tiết xúc động được trích ra từ phim cũng hút cả triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận.
Thoại phim cất lên từ đời sống
Điểm chung của các bộ phim ăn khách là kịch bản gần gũi, câu chuyện phim bình dị, tình huống, lời thoại mang đậm chất liệu đời thường. Với mỗi phân cảnh, tình huống trong phim, khán giả như được thấy được chính mình.
Nội dung giản dị, lời thoại gần gũi, đời thường là “điểm cộng” cho loạt phim truyền hình ăn khách. Thậm chí, một số câu thoại vượt qua khỏi khuôn khổ bộ phim để trở thành câu nói được yêu thích trong đời sống. Có thể kể đến câu “hết nước chấm” của nhân vật Lưu (NSƯT Hoàng Hải) trong Cuộc đời vẫn đẹp sao, “Khả năng phát hiện tiểu tam từ khi nó còn là tiểu nhị” của nhân vật Hà (Lan Phương) trong Gia đình mình vui bất thình lình... Biên kịch Nguyễn Thu Thủy, người chấp bút kịch bản phim Về nhà đi con cho rằng những câu thoại làm nhân vật sống động và sắc nét hơn nhiều.
“Trong phim truyền hình, thoại phim rất quan trọng, vừa khắc họa nhân vật, lại vừa tạo không khí phim. Khi thoại nhân vật như cất lên từ cuộc sống cũng là lúc người xem tiếp nhận nhân vật, chuyện phim một cách tự nhiên nhất. Chúng tôi giờ đây có thể lắng nghe, quan sát cuộc sống, đưa cuộc sống vào phim, và khi cuộc sống trong phim đủ thuyết phục, nó sẽ một lần nữa quay ngược trở lại đời sống, tạo nên những vòng lan tỏa mới”, biên kịch Nguyễn Thu Thủy nói.
NSƯT Hoàng Hải nhận cơn mưa lời khen khi hóa thân thành Lưu trong Cuộc đời vẫn đẹp sao
Sự hóa thân mượt mà của các diễn viên cho mỗi nhân vật cũng là điểm thu hút khán giả. Dù là vai chính hay vai phụ, các diễn viên đều cố gắng để thuyết phục khán giả. Thanh Hương có màn hóa thân xuất sắc với vai Luyến trong Cuộc đời vẫn đẹp sao. Cô thể hiện được một Luyến “cửu vạn” đanh đá, có phần khôn lỏi nhưng vẫn tình cảm với người mình yêu quý. Lan Phương cũng thể hiện khả năng biến hóa tài tình trong bộ phim Gia đình mình vui bất thình lình với vai Hà - một người vợ lanh chanh, trẻ con, hay gây sự nhưng hết lòng vì gia đình. Khán giả cũng yêu mến NSƯT Hoàng Hải với vai Lưu Cuộc đời vẫn đẹp sao, gắn với những câu thoại “xịn hết nước chấm”.
Trước đây nhược điểm thường thấy ở phim truyền hình Việt là cách xử lý tình huống dễ dàng, qua loa, thiếu logic, đặc biệt trong việc phát triển tâm lý của nhân vật. Điều này được khắc phục trong nhiều bộ phim gần đây: các chi tiết được xâu chuỗi một cách hợp lý, tâm lý nhân vật được xây dựng kỹ càng.
“Phim ảnh và nghệ thuật nói chung luôn vận động và phát triển, mỗi thời điểm nó đều phản ánh hơi thở đời sống xã hội của thời điểm ấy. Nhu cầu của khán giả cũng vậy, đòi hỏi khán giả mỗi thời mỗi khác luôn đa dạng và không ngừng nâng cao. Quan điểm của tôi là khán giả còn chưa hài lòng ở điểm nào, đó đều là những điểm yếu mà chúng tôi cần khắc phục”, biên kịch Nguyễn Thu Thủy nêu.
Theo Zing