Sẽ bổ sung quy định về giao tiếp ứng xử trên mạng xã hội trong Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ
Chính trị - Ngày đăng : 15:09, 26/05/2023
Đây là bản dự thảo được chỉnh lý lần thứ tư. So với các bản dự thảo trước đó, dự thảo lần này có sự điều chỉnh cả về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, mục đích, đến các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Huyền Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước (thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ), dự thảo lần này ngắn gọn hơn, quy định khung, những vấn đề mang tính nguyên tắc, trên cơ sở đó, từng cơ quan, đơn vị sẽ cụ thể hóa các quy định phù hợp với cơ quan, đơn vị mình. Dự thảo lược bớt các hành vi quy định cụ thể, định tính.
Mục đích của việc xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ là nhằm bảo đảm sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; là cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện bản thân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác.
Ngày 25/5, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm tra dự thảo Nghị định. Liên quan đến quy định “chỉ được tiếp cá nhân, tổ chức tại cơ quan, đơn vị; không được hẹn gặp, tiếp công dân và tổ chức ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng”, Tiến sỹ Nguyễn Huyền Hạnh cho biết, quy định này không phải bây giờ mới có, Luật Tiếp công dân đã quy định rõ việc tiếp, làm việc với người dân tại phải thực hiện trụ sở, dự thảo Nghị định chỉ hệ thống lại để quy định rõ hơn.
Bộ Tư pháp cho rằng, về mặt bản chất, hành vi trong quy định này không có vấn đề gì. Tuy nhiên, trước các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo sẽ chỉnh lý để quy định chặt chẽ và rõ nghĩa, theo hướng nêu rõ không được hẹn gặp, tiếp công dân và tổ chức ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng để giải quyết công việc của cơ quan. Còn các mối quan hệ dân sự, gặp gỡ trao đổi là bình thường. Việc dự thảo quy định như vậy nhằm ngăn chặn tiêu cực phát sinh.
Tại cuộc họp thẩm tra về Nghị định, theo Tiến sỹ Nguyễn Huyền Hạnh, nhiều ý kiến đề nghị và bàn luận sôi nổi về việc cần quy định một điều về “giao tiếp ứng xử trên mạng xã hội”. Đây là vấn đề liên quan đến hầu hết cán bộ, công chức, viên chức. Từ góp ý này, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và bổ sung thêm một điều quy định riêng về giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trên mạng xã hội và internet. Chẳng hạn như không được đăng tải, chia sẻ, bình luận (comment) những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực. Việc này nhằm giữ gìn hình ảnh của người cán bộ, công chức.
Dự thảo lần này quy định rõ không giải quyết việc riêng trong giờ làm việc; không quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng dưới mọi hình thức tại nơi làm việc.
Đề án Văn hóa công vụ năm 2019 có quy định “Công chức, viên chức, viên chức không nịnh bợ, lấy lòng lãnh đạo cấp trên vì động cơ không trong sáng”. Tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, Ban soạn thảo đã bổ sung vào dự thảo lần này quy định “không xu nịnh”, trong Điều 6 Chương II về Chuẩn mực đạo đức (dự thảo gần đây không có quy định này). Theo đó, các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức là tinh thần phục vụ; liêm khiết; chính trực; tận tụy; tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, Điều 6 về Chính trực quy định rõ các chuẩn mực: Trung thực, đúng mực, công tâm, thẳng thắn, không xu nịnh; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung; kiên quyết bảo vệ lẽ phải, không bao che những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức.
“Đây là nghị định quy định về đạo đức, chỉ nói về những chuẩn mực chung. Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hành vi này, hành vi kia nhưng càng cụ thể, lại càng thiếu”, Tiến sỹ Nguyễn Huyền Hạnh chia sẻ.
Nói về kỳ vọng của Bộ khi ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước Nguyễn Huyền Hạnh cho biết, Bộ trưởng Nội vụ rất tâm huyết, đau đáu trước vấn đề đạo đức công vụ, tình trạng tham ô, tham nhũng, hành vi lệch chuẩn trong đội ngũ. Vì vậy, cần có một văn bản để làm cơ sở pháp lý, làm khung cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo và cũng là khung tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, là cơ sở xử lý nếu có vi phạm. Rộng ra nữa là nhằm xây dựng một nền hành chính trong sạch, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự liêm chính, phục vụ nhân dân.
Dự thảo lần này đi vào ba nội dung chính là chuẩn mực đạo đức; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đây là một vấn đề khó, nhưng không quy định không được. Trước đây có Đề án Văn hóa công vụ, bây giờ là nghị định - một văn bản pháp lý quy định bắt buộc.
Theo TTXVN