Phụ nữ hãy lên tiếng
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:00, 27/05/2023
Nâng cao kiến thức về bình đẳng giới giúp phụ nữ chủ động phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh tư liệu
Khi một người phụ nữ bị chồng đánh đập, nhiều người đến can ngăn thường khuyên nhủ “Vợ chồng đóng cửa bảo nhau”. Thậm chí nhiều người còn cho rằng đó là chuyện riêng của gia đình họ. Người vợ khi bị bạo hành, đánh đập cũng “ngậm bồ hòn”, không dám tố cáo chồng vì quan niệm “xấu chàng hổ ai”. Chính vì thế, nạn bạo hành gia đình, nhất là bạo hành với phụ nữ và trẻ em vẫn diễn ra.
Câu chuyện của một phụ nữ mang thai 7 tháng bị chồng ở Kim Thành bạo hành trong thời gian dài phải trốn về nhà mẹ đẻ ở tận Kiên Giang vừa qua khiến nhiều người không khỏi xót xa, thương cảm. Bởi phụ nữ bình thường vốn yếu đuối, chứ chưa nói tới đang trong giai đoạn mang thai cần được nâng niu, bảo vệ. Vậy mà còn bị chính người chồng ra tay đánh đập, hành hạ tàn nhẫn. Những vết bầm trên khuôn mặt và cơ thể của người mẹ đang mang thai 7 tháng là lời tố cáo rõ ràng nhất đối với nạn bạo hành gia đình.
Không chỉ bạo hành thể xác, đâu đó vẫn có không ít phụ nữ bị hành hạ cả tinh thần. Họ bị ngược đãi về tâm lý, luôn trong trạng thái bất an, lo lắng, thiếu niềm tin vào cuộc sống, chán nản gia đình, thậm chí có người còn tìm đến cái chết. Bạo hành đối với phụ nữ không chỉ xuất phát từ người chồng, mà từ chính những người thân trong gia đình. Chẳng hạn như mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu bất hòa cũng khiến phụ nữ rơi vào áp lực, bị ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tinh thần.
Theo số liệu do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khảo sát gần đây nhất về bạo lực giới ở nước ta thì có tới gần 60% số phụ nữ sau khi kết hôn bị bạo hành. Đáng nói trong số này có tới 87% số phụ nữ bị chồng bạo hành về thể chất hoặc tình dục mà không tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tư pháp hoặc các dịch vụ thiết yếu khác, chỉ có 43% số vụ bạo lực gia đình được trình báo cơ quan có thẩm quyền.
43% số phụ nữ dám tố cáo nạn bạo hành gia đình quá ít so với số chị em đang từng ngày chịu nạn bạo hành trong gia đình. Mái ấm yêu thương trở thành nơi hứng chịu những cơn bão hành hạ cả thể chất và tinh thần với phụ nữ nhưng thay vì lên tiếng đấu tranh họ lại âm thầm nhẫn nhịn chịu đựng. Vì sao nhiều phụ nữ lại làm vậy? Có lẽ bởi họ chấp nhận hy sinh để giữ lại "mái nhà", gia đình cho con cái. Quan niệm "xuất giá tòng phu" cũng đã ăn sâu vào lối sống của phụ nữ Việt Nam.
Nhưng nay phụ nữ bị bạo hành mà im lặng vừa đáng thương cũng vừa đáng trách. Thương vì họ phải gánh chịu những nỗi đau về tinh thần và thể xác, trách vì chấp nhận im lặng mà mọi người xung quanh không thể bảo vệ được họ và quyền bình đẳng của phụ nữ từ đó dần bị bỏ quên.
Trong những năm qua, phòng chống bạo lực gia đình đã được các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương và dư luận xã hội quan tâm. Nhiều vụ án có nguyên nhân từ bạo lực gia đình đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, được dư luận đồng tình ủng hộ. Tại Hải Dương, không ít lần lãnh đạo tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với những đối tượng có hành vi bạo hành với phụ nữ.
Đã có chế tài cụ thể, vì thế khi bị bạo hành chị em hãy lên tiếng!
BẢO ANH