Đã có thuốc giải ngộ độc botulinum nhưng một người đã không còn kịp dùng

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:14, 25/05/2023

Người đàn ông 45 tuổi bị ngộ độc botulinum đã tử vong, không kịp dùng thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam.

Ngày 25.5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau hơn 1 tuần điều trị, người đàn ông 45 tuổi bị ngộ độc botulinum đã tử vong, không kịp dùng thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam đã về đến TP Hồ Chí Minh vào đêm qua 24.5.

Trước đó, bệnh nhân này nhập viện tại BV Nhân dân Gia Định trong tình trạng ngộ độc botulinum nguy kịch sau khi ăn một món mắm để lâu ngày.

Khi đang điều trị tại Khoa Nội thần kinh trong tình trạng liệt cơ, thở máy, điều trị kháng sinh, bệnh nhân này biến chứng nặng, phải chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU). Dù các bác sĩ liên tục hội chẩn cùng các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy, nỗ lực điều trị nhưng bệnh nhân dần suy đa cơ quan, ngưng tim và không qua khỏi.

Loại thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (thuốc BAT) có giá rất đắt đỏ và điều kiện bảo quản ngặt nghèo.

Loại thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (thuốc BAT) có giá rất đắt đỏ và điều kiện bảo quản ngặt nghèo.

Thời điểm bệnh nhân tử vong, thuốc giải BAT do WHO viện trợ khẩn cấp cho bệnh nhân đã về đến TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, trước đó, bệnh nhân đã quá thời gian chỉ định dùng thuốc giải.

Cũng trong sáng 25.5, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy cho biết, BV đã được phân phối các lọ thuốc giải độc botulinum do WHO viện trợ cho Việt Nam. Tuy nhiên, hai bệnh nhân 18 tuổi và 26 tuổi (là anh em ruột) đang điều trị tại BV Chợ Rẫy sẽ không được chỉ định dùng thuốc vì tình trạng sức khỏe thực tế không còn cho phép. Hiện, các bệnh nhân đã liệt cơ hoàn toàn, đang được nuôi dưỡng, thở máy, chăm sóc tích cực.

Được biết, số thuốc giải BAT do WHO viện trợ khẩn cấp được phân về 3 BV. BV Chợ Rẫy, nơi đang điều trị 2 ca ngộ độc botulinum phải thở máy, nhận 2 lọ; BV Nhân dân Gia Định nhận 1 lọ, BV Nhi đồng 2 nhận 3 lọ.

Một trong ba trường hợp ngộ độc botulinum mới phát hiện đang điều trị tại BV Chợ Rẫy.

TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 6 ca bệnh ngộ độc botulinum do ăn bánh mì chả lụa, mắm. Trong đó, 3 bệnh nhân nhỏ tuổi được sử dụng thuốc giải BAT trước đó, tình hình sức khỏe đã được cải thiện, còn các bệnh nhân phát hiện sau (gồm hai anh em ruột, 18 tuổi và 26 tuổi, có ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán dạo. Người còn lại đã tử vong là nam 45 tuổi, đã ăn một loại mắm để lâu ngày) rơi vào tình trạng nguy kịch đang phải thở máy do hết thuốc giải.

TS BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy cho biết độc tố botulinum có bảy type A, B, C, D, E, F, G. Thế giới hiện có ba loại thuốc giải độc tố này. Hai loại có tác dụng với một số type nhất định, riêng thuốc BAT có thể giải độc cho cả bảy type.

Thuốc giải BAT sẽ giúp trung hòa độc tố botulinum còn lại trong máu, ngăn không tấn công vào hệ thần kinh và giảm độ nặng triệu chứng.

Trường hợp ngộ độc botulinum nếu sử dụng thuốc BAT sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải thở máy…

TS BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy.

Nhưng trường hợp không có thuốc giải độc BAT thì các bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ, chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Thở máy sẽ phải kéo dài và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Với bệnh lý này, chất độc của botulinum làm cho tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ.

Hiện loại thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (thuốc BAT) rất đắt đỏ, có giá khoảng 6.300 USD/lọ, điều kiện bảo quản thuốc rất khó khăn khi phải bảo quản âm sâu ở nhiệt độ từ -77 độ C đến -17 độ C.

Cũng theo TS BS Lê Quốc Hùng, nguyên nhân dẫn tới bệnh này là do vi khuẩn yếm khí botulinum gây ra. Tất cả các loại thức ăn chế biến, đóng gói, đóng hộp, đóng vào bao kín, không có oxy thì loại vi khuẩn này có khả năng phát triển… Như vậy, khả năng nhiễm độc loại vi khuẩn này là luôn luôn rình rập.

Do đó, trong các công đoạn chế biến, bảo quản thực phẩm, đồ ăn, chúng ta cần đảm bảo phải sạch sẽ và không nên đóng kín nếu không có kỹ thuật tốt để tránh bị nhiễm loại vi khuẩn này. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên ăn uống hay sử dụng các loại thực phẩm, đồ ăn quá hạn sử dụng, ôi thiu, chảy nước...

Theo CAND