Ba nhà khoa học tên lửa siêu thanh Nga tiết lộ bí mật cho Trung Quốc
Tin tức - Ngày đăng : 12:30, 25/05/2023
Theo hãng tin Reuters ngày 24.5, Giám đốc một viện khoa học hàng đầu của Nga cùng với hai chuyên gia công nghệ tên lửa siêu thanh khác, đã bị bắt vì cáo buộc tiết lộ bí mật cho Trung Quốc.
Reuters dẫn 2 nguồn tin có liên quan đến vụ việc cho biết, Alexander Shiplyuk, người đứng đầu Viện Cơ học Lý thuyết và Ứng dụng Khristianovich (ITAM) ở vùng Siberia (Nga), bị nghi ngờ đã chuyển giao tài liệu mật tại một hội nghị khoa học ở Trung Quốc năm 2017.
Ông Shiplyuk đã bác bỏ cáo buộc, cho rằng mình vô tội và khẳng định thông tin được đề cập không được xếp vào dạng "mật", được đăng tải miễn phí trên mạng. “Ông Shiplyuk tuyên bố rằng thông tin đó không phải là bí mật và bản thân mình vô tội”, một người trong số nguồn tin trên nói.
Mối liên hệ với Trung Quốc khiến Viện trưởng của ITAM trở thành người mới nhất trong một loạt nhà khoa học Nga bị bắt trong những năm gần đây vì cáo buộc tiết lộ bí mật cho Bắc Kinh.
Khi được hỏi về các cáo buộc mà các chuyên gia ITAM phải đối mặt cũng như về các vụ việc tương tự trước đây có liên quan đến Trung Quốc, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các cơ quan an ninh Nga đang theo dõi các trường hợp có thể liên quan đến "tội phản quốc".
"Đây là công việc rất quan trọng, đang diễn ra liên tục và khó có thể nói ở đây về bất kỳ vấn đề cụ thể nào", ông Peskov nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được hỏi về những cáo buộc rằng Bắc Kinh đã nhắm mục tiêu các nhà khoa học Nga để có được những nghiên cứu nhạy cảm, cho biết quan hệ Trung-Nga dựa trên sự "không liên minh, không đối đầu và không nhằm vào bên thứ ba".
"Điều này về cơ bản khác với những gì một số liên minh quân sự và tình báo đã hợp tác với nhau dựa trên tâm lý Chiến tranh Lạnh của họ", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nói rằng Moskva dẫn đầu thế giới về tên lửa siêu thanh, loại vũ khí tiên tiến có khả năng bay với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh để xuyên thủng các hệ thống phòng không.
Các vụ việc liên quan đến ITAM, cũng như các sự kiện tương tự trước đây cho thấy Nga cảnh giác về việc bị mất bất kỳ lợi thế công nghệ nào. Năm ngoái, chuyên gia laser Dmitry Kolker bị bắt ở Siberia với cáo buộc chuyển bí mật cho Trung Quốc nhưng qua đời hai ngày sau đó vì bệnh ung thư.
Trước đó năm 2020, Alexander Lukanin, một nhà khoa học đến từ thành phố Tomsk của vùng Siberia, đã bị bắt vì nghi ngờ chuyển bí mật công nghệ cho Bắc Kinh, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin vào thời điểm đó. Năm ngoái, ông này bị kết án bảy năm rưỡi tù giam.
Valery Mitko, một nhà khoa học hàng đầu tại Học viện Khoa học Bắc Cực ở St. Petersburg, cũng bị buộc tội vào năm 2020 vì đã chuyển bí mật cho Trung Quốc, nơi ông thường xuyên đến để giảng bài, hãng thông tấn Nga TASS cho biết. Ông này qua đời hai năm sau đó ở tuổi 81 trong khi bị quản thúc tại gia.
Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, Quốc hội Nga tháng trước đã bỏ phiếu tăng hình phạt tối đa cho tội phản quốc lên tù chung thân, so với trước đây là 20 năm. Hôm 23.5, người đứng đầu Ủy ban An ninh của Hạ viện Nga đã ủng hộ dự thảo luật siết chặt việc tiếp cận bí mật nhà nước, nói rằng 48 người Nga đã bị kết tội phản quốc từ năm 2017 đến năm 2022.
Theo Báo Tin tức