Khi vụ lúa chiêm xuân chuẩn bị cho thu hoạch cũng là lúc nông dân ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) bắt đầu bước vào chính vụ khai thác cáy trong năm. 

Thính thơm dụ cáy vào bẫy

Nhiều lần được thưởng thức một số món ngon chế biến từ con cáy nhưng tôi chưa biết phương pháp bà con nông dân xã An Thanh thu hoạch cáy thế nào. Một ngày trung tuần tháng 5, chị Phạm Thị Mến - một nông dân có diện tích khai thác cáy ngoài đê sông Thái Bình nhận lời cho tôi “mục sở thị” quy trình này.

0c982571584f8611df5e.png
Phóng viên Tiến Mạnh (Báo Hải Dương) trải nghiệm khai thác cáy cùng chị Phạm Thị Mến

5 giờ sáng, chị Mến cùng nhiều nông dân xã An Thanh đã thức dậy để chuẩn bị đi đặt bẫy cáy ở diện tích ruộng cấy lúa hữu cơ ngoài đê sông Thái Bình. Chị dùng vài đầu đũa mắm tôm, một ít nước trộn đều với bát cám gạo đã được rang thơm trước đó để tạo ra thứ nước sền sệt, gọi là thính. Với mấy túi lưới đựng hơn 200 chiếc chai nhựa, chủ yếu là chai nước mắm, dầu ăn đã cắt bỏ phần đầu, chị lần lượt quết thính vào phía trong từng chai nhựa. Sau đó, chị mang chai nhựa ra đặt dưới bờ ruộng chi chít lỗ cáy theo hướng thẳng đứng, cứ khoảng 50-70 cm lại đặt một chiếc. “Cách bẫy cáy này do chúng tôi nghĩ ra cách đây vài năm rồi, người này truyền cho người kia. Nói chung không mất nhiều công sức mà hiệu quả lại cao. Cáy ngửi thấy mùi thính thì sẽ từ trong lỗ chui ra ăn mồi. Khi đã bò vào chai thì chúng không thể bò ngược trở lại vì thành chai nhựa rất trơn. Trước kia chưa nghĩ ra cách này bà con chủ yếu dùng dậm, móc sắt, thuổng để bắt cáy nhưng không được nhiều, lại vất vả”, chị Mến chia sẻ. 

8 giờ sáng, tôi và chị Mến bắt đầu đi thu hoạch cáy. Chị cho biết phải thu hoạch trước khi mặt trời lên cao nếu không cáy sẽ chết vì nắng nóng. Quan sát tôi thấy gần như chai nhựa nào cũng có cáy dính bẫy, đủ mọi kích cỡ. Chị Mến nhanh tay đổ cáy vào thùng nhựa, động tác nhanh thoăn thoắt, chưa đến nửa tiếng đã thu hoạch xong mẻ cáy trên thửa ruộng rộng gần 3 mẫu. Cáy sau khi thu hoạch được chị Mến đổ ra thau để rửa qua một lần nước cho sạch đất. Cả một chậu cáy đầy ắp. Thương lái đã có mặt sẵn để thu mua toàn bộ.

Video trải nghiệm khai thác cáy
190654567279ac27f568_chimen.jpg

Nhìn chung, việc khai thác cáy chẳng mất nhiều công sức. Theo chị Mến, việc đầu tư khai thác con đặc sản này cũng gần như chẳng tốn kém gì, chỉ cần giữ cho môi trường sạch sẽ và bỏ ra chút công sức. Trong quá trình khai thác, nếu thấy có cáy cái mang trứng, chị và bà con sẽ thả lại ruộng để chúng tiếp tục sinh sản. “Cứ tầm 2-3 ngày thì tôi lại thu hoạch cáy 1 lần, mỗi lần cũng được tầm 10-12 kg, giá bán tại chỗ trung bình 100.000 đồng/kg. Con cáy góp phần mang lại cuộc sống ngày càng ấm no cho gia đình tôi và bà con địa phương”.

.

Vựa cáy lớn nhất Hải Dương

Cùng với rươi, cáy là một trong hai con đặc sản tự nhiên mà xã An Thanh được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Nơi đây được coi là vựa cáy lớn nhất Hải Dương khi có tới hơn 137 ha ngoài đê sông Thái Bình cho khai thác 2 con đặc sản này. Chưa hết, từ năm 2020, khi cống Sồi trên đê hữu sông Thái Bình qua xã An Thanh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng thì diện tích khai thác rươi, cáy ở đây đã được mở rộng về phía trong đồng thêm 214 ha. Đến nay, hơn 100 ha ruộng trong đồng đã được nhân dân cải tạo trồng lúa hữu cơ và khai thác rươi, cáy.

manh_cayanthanh13.jpg
Vùng khai thác cáy và rươi rộng hàng trăm ha ở xã An Thanh

So với con rươi, thời gian khai thác cáy dài hơn. Vụ khai thác cáy thường bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 10 dương lịch hằng năm, trong đó trọng tâm là từ tháng 5 đến hết tháng 7. Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh cho biết năm 2010, nông dân trong xã bắt đầu cấy lúa hữu cơ, nói không với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, hầu hết hoạt động canh tác hoàn toàn được thực hiện theo phương thức thủ công. Dần dà, mô hình cấy lúa hữu cơ được mở rộng ra tất cả diện tích ngoài đê. Năm 2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác rươi, cáy quy mô hơn 137 ha ngoài đê sông Thái Bình của xã

1a3315683347ed19b4562.jpg

An Thanh đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng này đã tạo ra môi trường lý tưởng để rươi và cáy sinh sôi, phát triển, phục vụ mục tiêu khai thác con đặc sản tự nhiên một cách bền vững. “Sản lượng vụ cáy năm 2022 đạt khoảng 1 tấn/ha. Giá trị con cáy mang lại đã góp phần nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp của địa phương, đạt từ 450-500 triệu đồng/ha/năm”, ông Luận thông tin. 

Tháng 5 vừa qua, HĐND tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết về việc đầu tư xây dựng kênh dẫn, đường bờ kênh kết hợp đường dẫn cầu Sồi thuộc xã An Thanh với tổng kinh phí hơn 11,2 tỷ đồng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi tại địa phương, nâng cao năng lực dẫn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết nối giao thông trong khu vực vùng sản xuất tập trung phục vụ nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân trong vùng dự án. Công trình này cũng sẽ góp phần phát triển mô hình khai thác rươi, cáy kết hợp trồng lúa hữu cơ, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Những món ăn dân dã hấp dẫn

Nhiều người thường biết đến món ngon chế biến từ con rươi An Thanh, song thực tế cáy ở đây cũng có thể dùng chế biến ra rất nhiều món ngon khó cưỡng. 

manh_cayanthanh14.jpg
Những món ăn dân dã nhưng rất hấp dẫn từ cáy

Chị Phạm Thị Hoa ở thôn An Định cho biết ngoài số cáy bán cho thương lái, vụ cáy nào chị cũng giữ lại vài tạ để làm mắm cáy. Chị chọn những con cáy to khoẻ, ngâm với nước muối pha loãng, sau đó rửa sạch, bóc mai, say nhuyễn kết hợp với các loại gia vị sẵn có ở địa phương để làm mắm cáy. Ngoài gia đình chị Hoa, ở xã An Thanh còn khoảng 50 hộ cũng làm mắm cáy. Mắm cáy An Thanh thơm ngon có tiếng, đã có mặt trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Thứ nước gia vị này được nhiều người ưa chuộng, hợp với chấm các loại rau luộc hoặc thịt lợn, thịt vịt… “Năm nào nhà tôi cũng làm, nhiều lúc còn không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách. Mỗi lít nước mắm cáy chúng tôi bán từ 120.000-130.000 đồng. Sản xuất mắm cáy cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân”, chị Hoa thông tin.

Về An Thanh trải nghiệm khai thác cáy, tôi và một số người bạn còn được chị Hoa mời ở lại dùng cơm trưa, thưởng thức một số món ngon chế biến từ cáy. Chị chọn những con cáy to khoẻ, chắc mẩy đem xay, lọc nước nấu với rau đay và mướp ăn kèm cà muối. Cáy còn được chị dùng nấu với bánh đa. Đặc biệt, chị Hoa còn chọn những con cáy có trứng đem rang với lá chanh thơm phức. Chị Hoa không quên luộc đĩa rau muống để chúng tôi chấm với mắm cáy.

Mâm cơm chỉ toàn những món đồng quê dân giã chế biến từ cáy mà ngon miệng. Anh Bùi Quang Tiệp - một người bạn của tôi ở Gia Lộc chia sẻ cảm nhận: “Rau đay nấu với cáy thì tôi cũng được ăn ở một số nơi nhưng ở đây mùi vị thơm và ngon hơn. Mùa hè oi ả, được ăn bát canh cáy nấu rau đay kèm với cà pháo giòn tan thế này thì không gì hơn được. Ấn tượng nhất là món cáy rang lá chanh lần đầu tôi được thưởng thức. Khi ăn cảm nhận được sự giòn rụm, thơm ngậy, rất hấp dẫn”.

Video món ăn về cáy

Anh Phạm Đức Đồng (em trai chị Hoa) cho biết nhiều người bạn của anh và du khách ở các tỉnh, thành phố khác về An Thanh khi được thưởng thức những món ngon chế biến từ cáy cũng đều rất thích thú. Họ mua cáy, học công thức chế biến một số món ăn để mang về nhà áp dụng. Đài Truyền hình Việt Nam và một số cơ quan báo chí cũng từng về xã An Thanh để làm phóng sự các món ăn từ cáy.

manh_cayanthanh024.jpg
Cống Sồi - địa điểm dự kiến hình thành một số sản phẩm phục vụ phát triển du lịch

Phát triển thành sản phẩm du lịch trải nghiệm

Những năm gần đây, vùng khai thác rươi, cáy của xã An Thanh đã bắt đầu thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Một số nhà doanh nghiệp lữ hành cũng đã tới đây để tham quan, khảo sát. Tuy số lượng khách du khách chưa đông nhưng đây có thể coi là tín hiệu tích cực để mở ra cơ hội khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế mà xã An Thanh đang nắm giữ. 

f1a945ca63e5bdbbe4f43.jpg

Theo Chủ tịch UBND xã An Thanh Hoàng Tuấn Nhã, việc đưa vùng khai thác rươi, cáy trở thành một địa điểm du lịch trải nghiệm đã và đang được địa phương nhắm tới. Xã đang tranh thủ sự hỗ trợ từ cấp trên để tập trung các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Đề án “Quy hoạch vùng sản xuất theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, an toàn, hướng đến du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với bảo vệ môi bền vững giai đoạn 2021-2025”. Hiện nay, tuyến đường trục chính của xã giai đoạn 1 dài 2,7 km đã được nâng cấp xong. Tới đây, đoạn đầu của tuyến đường này sẽ được kết nối thẳng với đường tỉnh 391 (đoạn qua xã Văn Tố) giúp người dân đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. Hệ thống giao thông xuống vùng khai thác rươi, cáy đều đã được mở rộng, đổ bê tông, ô tô xuống tận nơi. “Giao thông được đầu tư đồng bộ là tiền đề quan trọng để địa phương chúng tôi hiện thực hoá mục tiêu trên”, ông Nhã nói.

Đề án “Xây dựng và phát triển du lịch huyện Tứ Kỳ giai đoạn 2021-2025” cũng đã xác định đưa vùng khai thác rươi, cáy của xã An Thanh trở thành địa điểm du lịch trọng điểm. Tháng 6.2022, huyện lần đầu tiên tổ chức lễ hội lúa rươi hữu cơ với nhiều hoạt động mang đậm nét đặc trưng văn hóa, mảnh đất và con người địa phương như thi gặt lúa, câu cáy, đùa nơm... Lễ hội được quảng bá rộng rãi qua các kênh truyền thông, được nhiều doanh nghiệp lữ hành, người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Dự kiến cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 tới, UBND huyện sẽ mở một cuộc hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, giới chuyên gia hàng đầu của Việt Nam để tiếp tục tìm giải pháp khai thác tối đa nguồn lợi rươi, cáy gắn với phát triển du lịch sinh thái. 

886248136e3cb062e92d4.jpg

Theo quy hoạch vùng đã được phê duyệt, huyện Tứ Kỳ sẽ sử dụng 6 ha khu vực xung quanh cống Sồi để tạo cảnh quan, thiết lập các sản phẩm du lịch phục vụ du khách khi về tham quan, trải nghiệm vùng khai thác rươi, cáy. Giải pháp hình thành các điểm homestay, huy động nhân dân cùng tham gia làm du lịch cũng đã được huyện tính đến. 

Người dân xã An Thanh rất phấn khởi nếu trong tương lai gần địa phương sẽ trở thành địa điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm. Có gia đình đã mở nhà hàng để phục vụ các món ăn dân dã liên quan đến rươi, cáy cho du khách khi về tham quan, trải nghiệm. Hiện nay, các sản phẩm liên quan đến vùng khai thác rươi, cáy như gạo bãi rươi, cáy cấp đông, rươi cấp đông, chả rươi, rươi niêu đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Những sản phẩm này đã nhiều lần tham dự các hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đây là một thuận lợi để huyện Tứ Kỳ từng bước hiện thực hoá mục tiêu đưa vùng khai thác rươi, cáy của xã An Thanh trở thành vùng trọng điểm về du lịch trải nghiệm. 

Ông Đào Văn Soái, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết thời gian tới, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng tại vùng khai thác rươi, cáy xã An Thanh theo quy hoạch. "Để sớm đưa vùng này trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, huyện rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ưu tiên đầu tư của tỉnh”, ông Soái nói.

Quan tâm bảo vệ môi trường kết hợp với tư duy làm nông nghiệp sạch, đa tầng, đa giá trị đã và đang mang lại nhiều thành quả ngọt ngào cho vùng trồng lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy của xã An Thanh. Tháng 6.2022, Bộ Trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng đặt chân đến mảnh đất này đã rất ấn tượng trước sự sáng tạo và khát vọng của nông dân địa phương. Họ trân quý từng tấc đất, biết từ bỏ tư duy sản xuất manh mún, có khát vọng, sáng tạo, biến những lợi thế vốn có thành những giá trị lớn lao hơn, bền vững hơn.

Nội dung: TIẾN MẠNH

Đồ họa: TUẤN ANH

PV