Nữ du khách Việt cắm trại trên vách núi cao 115 m
Khám phá - Ngày đăng : 15:33, 24/05/2023
Phi Dương cắm trại lơ lửng trên con thác cao ở Lâm Đồng.
Khinh Vũ Phi Dương (34 tuổi), một biên tập viên tại Hà Nội có niềm đam mê lớn với trekking, thám hiểm và yêu thích thiên nhiên.
Cách đây 5 năm, Phi Dương thử sức với trekking để bản thân tách ra khỏi guồng quay của cuộc sống. Vào mỗi cuối tuần, nữ du khách gác mọi công việc, chuẩn bị hành lý để thực hiện những chuyến trekking. Tính đến nay, Phi Dương đã chinh phục khoảng 15 đỉnh núi.
"Cliff camping (cắm trại trên vách đá) là một trong những hình thức chinh phục do một số nhà leo núi chuyên nghiệp sáng tạo ra để đưa trải nghiệm du lịch lên tầm cao mới. Để vượt qua giới hạn bản thân ở độ tuổi này chỉ cần một cơ thể thôi", Phi Dương chia sẻ sau 2 lần cắm trại trên vách đá.
Thử thách bản thân
Đã thực hiện nhiều chuyến trekking từ đơn giản đến mạo hiểm, Phi Dương muốn khám phá thêm những điều mới mẻ, đặt ra thử thách khó nhằn cho bản thân. Chị ấn tượng mạnh khi nhìn thấy nhiều hình ảnh và thước phim về cliff camping trên những trang tin của nước ngoài.
"Tôi lập tức lưu lại những hình ảnh về cliff camping, tìm hiểu một số thông tin liên quan đến loại hình này. Thậm chí, tôi còn đưa cliff camping vào danh sách những điều phải làm trong đời", Phi Dương cho biết.
Quen với những chuyến trekking và đu dây trên cao, Phi Dương thực hiện cliff camping không chút do dự.
Cliff camping (cắm trại trên vách đá) là loại hình du lịch mới. Du khách thường nằm trên chiếc giường làm bằng vải bạt được treo chắc chắn vào vách núi dựng đứng, trên người quấn dây cáp chằng chịt. Bên dưới là khoảng không bao la, không có thiết bị chống đỡ.
Ở một số nước trên thế giới, cliff camping khá quen thuộc, được đông đảo du khách thực hiện. Riêng Việt Nam, loại hình này chưa phổ biến. Số đơn vị cung cấp tour cliff camping chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thêm vào đó, không phải du khách nào cũng đủ can đảm treo mình ở độ cao hơn trăm mét.
Cuối tháng 4 vừa qua, Phi Dương đã cắm trại trên một vách núi tại thung lũng Lân Tu (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn). Hai tuần sau, chị tiếp tục đến Lâm Đồng cùng với đồng đội và cắm trại lần thứ 2 trên con thác Phi Liêng cao 115 m.
Với kinh nghiệm hơn 5 năm trekking, Phi Dương có tâm lý thoải mái trước chuyến đi. Nữ du khách chỉ mang theo những thứ cơ bản như quần áo thể thao, đồ dùng cá nhân, thuốc men, một quyển sách và loại thức uống yêu thích. Món đồ quan trọng và nan giải nhất là giường cắm trại. "Đây là loại giường treo (portaledge). Giường phải đủ chắc để đảm bảo an toàn, vừa phải gấp gọn để tiện mang đi", người này nói.
Phi Dương và đồng đội quyết định chọn giường rời, có thể lắp ráp khi đến nơi. Họ đã mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu, tính toán thật kĩ những mối ghép, trọng lượng và loại vải lót của giường.
Phi Dương cùng đồng đội cắm cọc, treo giường vào vách đá.
Xuất phát từ Hà Nội, Phi Dương trekking lên giữa thác Phi Liêng, giăng lều trên bãi cỏ và bắt đầu cắm cọc, treo giường vào vách đá, đeo thiết bị bảo hộ và từ từ thả người xuống.
Nằm giữa trời đất bao la, nữ du khách chậm rãi đọc chương sách còn dang dở, nhâm nhi loại thức uống yêu thích, hít thở bầu không khí trong lành và lắng nghe tiếng thác đổ ào ạt bên tai.
Hạnh phúc tột độ
Thoạt nhìn, nhiều người nghĩ rằng Phi Dương mang trong lòng nỗi lo rất lớn khi cắm trại ở một vị trí quá cao, chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể rơi thẳng xuống dưới. Tuy nhiên, nữ du khách không chút sợ sệt, tận hưởng từng giây phút khi nằm trên chiếc giường.
"Tôi nghĩ phải rất lâu mới có thể thực hiện cliff camping vì Việt Nam vẫn chưa phát triển về du lịch mạo hiểm. Bây giờ, tôi đã làm được điều mình ấp ủ từ nhiều năm nay, chính trên cảnh đẹp của đất nước mình. Tôi hạnh phúc không thể tả", Phi Dương tâm sự.
So với các loại hình du lịch khác, cliff camping mang đến trải nghiệm thật sự khác biệt. "Nằm lơ lửng giữa không gian mênh mông mang đến cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm, toàn bộ nơron thần kinh được kích thích. Lòng ngực no mùi đất mẹ khiến cảm xúc tôi dâng trào", Dương không giấu được sự phấn khích khi kể lại.
Nằm trên chiếc giường treo, Phi Dương ung dung đọc quyển sách yêu thích.
Khi cắm trại, trước mắt Phi Dương là khung cảnh thiên nhiên trải rộng, tĩnh lặng. Những vạt nắng khẽ chạm lên vách đá, gió vờn qua từng sợi tóc. Xung quanh không một bóng người, chị cảm giác như mình được một lần độc chiếm thiên nhiên.
Ngủ qua đêm trên chiếc giường treo lơ lửng, Phi Dương có dịp ngắm trọn vẹn bầu trời đêm và đón bình minh lên theo một cách rất khác.
Tập luyện kỹ lưỡng
Không tùy hứng, không liều mình, Phi Dương phải chuẩn bị từ tinh thần đến thể chất trong một thời gian dài trước khi cắm trại trên vách núi.
"Tôi đã tìm hiểu cặn kẽ về thông tin của những thiết bị bảo hộ. Tập luyện một tuần 2 lần với chuyên gia để sử dụng thành thạo. Trước đây, tôi từng sử dụng thiết bị an toàn nên không quá bỡ ngỡ hay bị choáng khi treo người trên dây cao", nữ du khách chia sẻ.
Sự an toàn được Phi Dương đặt lên hàng đầu. Chị luôn đi cùng những người có kinh nghiệm hoặc chuyên gia trong 2 lần cắm trại. Thêm vào đó, để tránh rủi ro, Phi Dương luôn chuẩn bị phương án dự phòng về thiết bị và con người.
Phi Dương số ít người Việt đầu tiên thực hiện cliff camping.
Loại hình này không giới hạn về độ tuổi, cân nặng, nhưng người tham gia cần có tình trạng sức khỏe ổn định. "Không chỉ đầu tư về thể lực, du khách còn phải đầu tư về thời gian và tinh thần", Phi Dương nói.
Trước khi thực hiện cliff camping, người tham gia nên theo học những khóa sử dụng thiết bị bảo hộ. Khắc phục nỗi sợ độ cao, tập luyện thể thao để tăng sức bền vì khi ở trên cao hoặc thực hiện thao tác đu dây cần nền tảng thể lực tốt.
"Hãy đến với cliff camping khi hiểu rõ về loại hình này và thật sự muốn trải nghiệm. Nếu chỉ vì 1-2 bức ảnh 'sống ảo' thì không nên tham gia. Cliff camping dành cho những ai đủ khao khát và yêu thiên nhiên, thích thú với việc đu dây, leo núi", Phi Dương bày tỏ.
Theo Zing