Kỳ vọng những đổi mới tại kỳ họp Quốc hội
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:51, 24/05/2023
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương dự thảo luận hội trường tại Kỳ họp thứ 5
Sáng 22.5, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội. Bên cạnh những nội dung quan trọng dự kiến được quyết nghị, kỳ họp này có những đổi mới quan trọng, lần đầu tiên có trong lịch sử.
Lần đầu tiên, một kỳ họp Quốc hội được chia làm 2 đợt họp tập trung. Đợt 1 từ ngày 22.5-10.6 và đợt 2 từ ngày 19-24.6. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc này nhằm dành một tuần giữa 2 đợt để các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp.
Điều này cho thấy sự đổi mới, linh hoạt của Quốc hội khi sẵn sàng thay đổi tiền lệ để phù hợp hơn với thực tiễn. Tại một số kỳ họp trước đó, nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội cho rằng với số lượng lớn các dự án luật, báo cáo, dự thảo nghị quyết được đưa ra xem xét và hàng trăm ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận tại hội trường, tại tổ thì các cơ quan liên quan khó tập hợp, tiếp thu, thẩm tra kịp thời để bổ sung, sửa đổi trước khi đưa ra biểu quyết vào cuối kỳ họp. Mặt khác, nếu các dự thảo luật, nghị quyết được hoàn thiện trong quãng nghỉ giữa 2 đợt thì Quốc hội có thể thông qua tại kỳ họp lần này thay vì chờ kỳ họp kế tiếp.
Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 11.2022. Theo đó, ngay tại buổi sáng ngày làm việc đầu tiên sau phiên khai mạc, Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4. Dự kiến, chiều 26.5, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo này.
Trước đó, sáng 10.5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về báo cáo. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, hằng tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều họp, cho ý kiến về công tác dân nguyện để đôn đốc, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, cho ý kiến về những vấn đề nổi lên mà dư luận quan tâm.
Liên tiếp các hoạt động cho thấy Quốc hội đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt đến những kiến nghị, phản ánh của cử tri và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Với những con số chi tiết, báo cáo cho thấy tín hiệu tốt khi đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và 2.589 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri (đạt 99,8%). Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 91/91 kiến nghị. Có thể thấy, Quốc hội đã giám sát một vấn đề quan trọng, với mục tiêu tạo chuyển biến tích cực trong công tác này, thể hiện cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất luôn đặt lợi ích chính đáng của cử tri lên hàng đầu.
Theo chương trình kỳ họp, dự kiến Quốc hội sẽ dành cả ngày 29.5 để làm việc về nội dung giám sát tối cao chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Tại đây, Quốc hội sẽ trình chiếu video về kết quả giám sát ngay tại hội trường cho các đại biểu xem và phát thanh, truyền hình trực tiếp cho cử tri, nhân dân cả nước cùng theo dõi. Sau đó, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận, "mổ xẻ" vấn đề nóng được đông đảo người dân quan tâm suốt thời gian vừa qua. Trên cơ sở báo cáo, Quốc hội sẽ phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện quy định của pháp luật, các nguyên nhân khách quan, chủ quan; kiến nghị các giải pháp cụ thể để gỡ vướng. Đến ngày cuối cùng trong chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về kết quả cuộc giám sát chuyên đề này.
Những nỗ lực đổi mới không ngừng của Quốc hội không chỉ ở kỳ họp này mà còn nhiều kỳ họp trước đó được đông đảo cử tri cả nước nói chung và cử tri Hải Dương nói riêng ghi nhận.
PHONG TUYẾT