Khó giải quyết vụ việc đất ở trong khuôn viên chùa
Xã hội - Ngày đăng : 10:00, 25/05/2023
Diện tích thửa đất ở của gia đình bà Nguyễn Thị Vạt được xác định đang nằm trong khuôn viên chùa Đại Quang Minh
Mở rộng chùa vào đất ở
Báo Hải Dương nhận được phản ánh của chị Trần Thị Vân cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Vạt ở thôn Nguyễn Bạo, xã Đại Đức về việc thửa đất ở của bà Vạt bị chính quyền địa phương lấy để mở rộng khuôn viên chùa Đại Quang Minh.
Gia đình bà Vạt đề nghị địa phương bố trí cho bà thửa đất ở vị trí mới hoặc hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng diện tích đất đã sử dụng để mở rộng chùa hoặc phải tháo dỡ, bàn giao lại cho gia đình diện tích đất ở như trước đây.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, đất của gia đình bà Vạt được cấp vào khoảng năm 1977, vốn là đất ở trước đây của bà Bùi Thị Tía (bác dâu của bà Vạt). Thời điểm đó, bà Vạt ra đây sinh sống trong căn nhà đất do bà Tía để lại. Sau một thời gian bà Vạt ở đó, do căn nhà cũ nát nên bà sang ở với mẹ đẻ. Thửa đất này bà Vạt dùng để cấy lúa. Sau này, bà Vạt đi vắng, không thường trú tại địa phương, mảnh đất đó được ông Nguyễn Sơn Hà là cháu bà Vạt trông coi giúp.
Năm 2004, chùa Đại Quang Minh có chủ trương mở rộng khuôn viên. Do thửa đất của gia đình bà Vạt gần chùa, Ban hội tự chùa và thôn làm việc với ông Hà đề nghị việc đổi đất của gia đình bà Vạt sang vị trí khác để mở rộng khuôn viên chùa. Hai bên đã thống nhất đổi diện tích thửa đất của bà Vạt ra vị trí khác và ông Hà canh tác trên diện tích đất đó cho đến khi gia đình bà Vạt trở về địa phương. Theo UBND xã Đại Đức, việc đổi đất cho chùa lúc đó bà Vạt không có nhà mà do ông Hà đứng ra đổi với cơ sở thôn và Ban hội tự chùa. Việc đổi vị trí đất cũng không thông qua UBND xã. Hiện UBND xã Đại Đức không lưu trữ biên bản đổi đất nào giữa gia đình bà Vạt với UBND xã.
Năm 2021, UBND xã Đại Đức nhận được đơn đề nghị của bà Vạt về việc đổi đất của gia đình với chùa Đại Quang Minh. Tại buổi làm việc, gia đình bà Vạt đề nghị giao lại mốc diện tích mảnh đất đã đổi để gia đình bà Vạt tiếp quản, canh tác. Sau đó, UBND xã đã giao cán bộ chuyên môn giao lại diện tích đất cho gia đình bà Vạt để canh tác và sử dụng. Trước khi giao đất, UBND xã cũng đã làm việc với ông Hà để xác định lại vị trí mảnh đất. Tuy nhiên, sau một thời gian nhận bàn giao đất và canh tác, gia đình bà Vạt không nhận diện tích đã đổi nữa vì cho rằng diện tích đất trước đây đổi cho chùa là đất thổ cư. Gia đình yêu cầu xã phải trả cho gia đình diện tích đất thổ cư chứ không phải là diện tích đất canh tác.
Do thửa đất của gia đình bà Vạt từ trước đến nay chưa từng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để giải quyết kiến nghị của gia đình bà Vạt, chính quyền xã Đại Đức đã tiến hành tìm hiểu, xác minh nguồn gốc thửa đất trên và xác nhận: Gia đình bà Vạt có thửa đất hiện nằm trong khuôn viên chùa Đại Quang Minh, trong đó có đất thổ cư và đất canh tác. Theo hồ sơ địa chính và các nguyên cán bộ thời kỳ trước của xã xác định thì tổng diện tích đất của gia đình bà Vạt là 443 m2, trong đó đất thổ cư là 277 m2, đất canh tác là 166 m2.
Ngày 17.4.2023, chính quyền xã Đại Đức cùng gia đình bà Vạt tiến hành đo đạc, xác định mốc giới thửa đất của gia đình bà Vạt. Hiện trên thửa đất đã được xác định mốc giới có một phần công trình chùa Đại Quang Minh và một số công trình phụ của nhà chùa.
Chưa có phương án tối ưu
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Giang Nam, Chủ tịch UBND xã Đại Đức cho biết địa phương đã rất tích cực vào cuộc giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, đối với các đề nghị của gia đình, hiện chưa có phương án tối ưu. Việc bố trí cho gia đình bà Vạt một thửa đất ở ở vị trí khác không thể thực hiện được vì nằm ngoài các quy định của pháp luật hiện nay. Đối với việc hỗ trợ, bồi thường gia đình bà Vạt để giữ nguyên hiện trạng chùa thì kinh phí chỉ có thể sử dụng từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, mức kinh phí gia đình đề nghị nằm ngoài khả năng vận động của địa phương và nhà chùa. Chính vì vậy, xã Đại Đức đã tiến hành xác định mốc giới và sẽ hướng dẫn, hỗ trợ gia đình bà Vạt hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Tuy nhiên, theo ông Nam, việc bàn giao mặt bằng sạch thửa đất cho gia đình bà Vạt cũng gặp vướng mắc do xã không đủ thẩm quyền và cũng rất khó để tiến hành tháo dỡ một phần công trình chùa Đại Quang Minh.
Tìm hiểu và khảo sát tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy nếu thực hiện được việc bàn giao lại thửa đất cho gia đình bà Vạt thì cũng rất khó sử dụng, chuyển nhượng vì nằm ngay trong khuôn viên chùa và hiện không có lối đi riêng vào thửa đất. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên cũng sẽ rất phức tạp do địa phương và gia đình chưa thống nhất được diện tích, xác định rõ được vị trí đất thổ cư, đất canh tác trong thửa đất và không còn các loại giấy tờ liên quan.
Hiện bà Vạt đã cao tuổi, sống một mình tại địa phương và đã có chỗ ở ổn định. Phương án tối ưu nhất là chính quyền xã Đại Đức, thôn Nguyễn Bạo và nhà chùa cần tích cực vận động từ nguồn xã hội hóa; tiếp tục tuyên truyền, vận động để gia đình bà Vạt đồng thuận mức kinh phí hỗ trợ phù hợp đối với thửa đất trên để giữ nguyên hiện trạng chùa. Phương án khác là gia đình bà Vạt có thể hiến một phần diện tích thửa đất có công trình chùa Đại Quang Minh ở trên để thuận lợi cho việc giải phóng, bàn giao mặt bằng và tiến hành hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
HẠO NHIÊN