[Audio] Hàng nội còn lép vế trên thị trường đồ điện tử

Thị trường - Ngày đăng : 11:10, 24/05/2023

Hiện nay, tại các siêu thị, cửa hàng điện tử, điện máy trên địa bàn tỉnh Hải Dương, các sản phẩm đến từ thương hiệu Việt vẫn chiếm khá ít.


Các sản phẩm nhập ngoại bày bán tại cửa hàng điện máy Hoàng Biên ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) chiếm khoảng 80%

Hàng ngoại chiếm lĩnh

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo ra sự chuyển biến lớn trong sản xuất và tiêu dùng hàng Việt. Nhiều nhóm sản phẩm Việt đã chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng như hàng may mặc, đồ gia dụng. Tuy nhiên, đối với thị trường điện tử, điện máy thì thương hiệu Việt chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. 

Tại nhiều siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh, sản phẩm điện máy, điện tử được bày bán phong phú với nhiều loại sản phẩm từ ti vi, tủ lạnh, điều hòa, đến nồi cơm điện, lò vi sóng… Trong đó chiếm thị phần lớn vẫn là những thương hiệu từ Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc… Ti vi phần lớn xuất xứ từ Malaysia; các loại loa, phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Trung bình phân khúc của các sản phẩm này dao động từ 8-18 triệu đồng/sản phẩm. Trong khi các dòng thương hiệu Việt có xuất xứ trong nước chiếm tỷ lệ thấp, giá cũng bình dân hơn, ở mức từ 5-10 triệu đồng/sản phẩm. 

Anh Nguyễn Đức Minh, quản lý siêu thị MediaMart trên đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cho biết, siêu thị có hơn 1.000 sản phẩm đến từ những thương hiệu nước ngoài sản xuất, chiếm khoảng 80%. Các dòng sản phẩm của thương hiệu Việt thường có mẫu mã đơn giản, thuộc phân khúc bình dân. Nếu như trước đây, khi mua sản phẩm điện tử, điện máy, người tiêu dùng thường chỉ cần quan tâm đến độ bền và mức giá, thì giờ đây mẫu mã đẹp, gọn nhẹ, chất lượng, giá cả phải chăng và thời gian bảo hành, hậu mãi lại là những tiêu chí hàng đầu lựa chọn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, về mẫu mã và chất lượng khiến nhiều người tiêu dùng vẫn còn cân nhắc khi so sánh giữa sản phẩm đến từ thương hiệu trong nước và nước ngoài”. 

Ở thời điểm này, siêu thị MediaMart trên đường Trần Hưng Đạo đang triển khai chương trình khuyến mãi “Chào hè” với ưu đãi về mức giá, công lắp đặt… các mặt hàng điều hòa, máy lạnh, thiết bị làm mát. Sự lựa chọn của người tiêu dùng tập trung vào những thương hiệu nổi tiếng, có từ lâu như Panasonic, LG, Mitsubishi, Daikin… Các loại máy lạnh, tủ lạnh của những hãng này được nhiều người chọn mua, phổ biến ở phân khúc từ 7-17 triệu đồng/sản phẩm”.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, nhân viên cửa hàng điện máy Hoàng Biên ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) cho biết: “Tại cửa hàng của chúng tôi, các sản phẩm nhập ngoại chiếm khoảng 80%. Hầu hết, khách đến với cửa hàng thường quan tâm những thương hiệu nổi tiếng đến từ nước ngoài. Các thiết bị làm mát như quạt, máy lạnh, điều hòa đang vào mùa. Điều hòa của thương hiệu Việt như Reetech, Nagakawa hay Funiki cũng có, nhưng ít người tiêu dùng lựa chọn". 

Theo đại diện cửa hàng điện máy Hoàng Hân ở thị trấn Thanh Hà, chính sách khuyến mãi, bảo hành của các sản phẩm điện tử, điện máy của nước ngoài hay trong nước đều tương đương nhau. Ví dụ như điều hòa thường có thời gian bảo hành từ 1-3 năm. Ưu điểm của các hãng điều hòa thương hiệu Việt là có nhiều loại ở phân khúc bình dân, tuy nhiên điểm trừ là công nghệ chưa hiện đại bằng nước ngoài, kiểu dáng thường không bắt mắt, mẫu mã ít, phần lớn những thương hiệu Việt mới xuất hiện trên thị trường nên vẫn chưa được nhiều người biết đến. 

Người tiêu dùng chưa quan tâm

Tâm lý lựa chọn sản phẩm điện tử, điện máy của người tiêu dùng hiện dựa theo thương hiệu, nhất là thương hiệu nổi tiếng nên nhìn chung các dòng sản phẩm điện tử, điện lạnh thương hiệu Việt vẫn không dễ cạnh tranh. Thông thường, trước khi tới nơi mua sắm, người tiêu dùng đã tìm hiểu thông tin về thương hiệu, nhà sản xuất mặt hàng mình đang có nhu cầu. Đôi khi, ở từng nhóm sản phẩm được mặc định gắn liền với thương hiệu tên tuổi đến từ một số quốc gia. Ví dụ nói đến bếp từ thường là các thương hiệu nổi tiếng như Malloca, Bosch, Chefs... của Đức, Tây Ban Nha. Ti vi thường là các thương hiệu quen thuộc như Samsung, LG, Sony của Hàn Quốc, Nhật Bản... Các sản phẩm loa, phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan… Do tâm lý và thói quen, người tiêu dùng vẫn khá cân nhắc khi được giới thiệu các mặt hàng sản xuất trong nước cho dù thời gian gần đây cũng có khá nhiều sản phẩm điện tử, điện máy của Việt Nam có chất lượng tốt. 

Anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Hợp Tiến (Nam Sách) cho biết: “Tiêu chí mà tôi chọn mua các mặt hàng điện máy là chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, gọn, tiết kiệm điện, giá cả phù hợp. Tôi cũng muốn ủng hộ hàng Việt Nam, tuy nhiên về các mặt hàng điện máy thì chất lượng, mẫu mã... sản xuất trong nước chưa bằng các thương hiệu ngoại nhập, cũng rất ít thương hiệu của Việt Nam. Bởi thế, người tiêu dùng không có nhiều sự lựa chọn".

Một số thương hiệu điện máy thuần Việt được nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam biết đến là Sunhouse, Goldsun, Asanzo, Funiki. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm của thương hiệu Việt chủ yếu là các mặt hàng điện gia dụng như nồi cơm điện, bếp điện từ, lò nướng điện, còn những mặt hàng máy giặt, tủ lạnh, máy điều hòa, ti vi không nhiều. 

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn đang được các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức người tiêu dùng. Từ đó, tạo điều kiện để hàng Việt khẳng định vị thế, nhất là trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt hiện nay. Để có thể cạnh tranh với hàng ngoại trên thị trường điện tử, điện máy, các nhà sản xuất trong nước cần quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã. Bên cạnh đó, cần làm tốt khâu tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thương hiệu Việt để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, từ đó tạo sức cạnh tranh mạnh hơn với những thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. 

HUYỀN TRANG