Quản lý chi tiêu là biết cách phân chia tiền của mình thành các khoản hợp lý để sử dụng. Đây là bước vô cùng quan trọng để bạn độc lập và tự do tài chính.
Bạn sẽ ít bị áp lực về tiền bạc khi bạn biết quản lý sớm. Bên cạnh đó khi hiểu được phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả có thể dễ dàng đạt được những mục tiêu mà bạn dự định trong tương lai.
Pay yourself first (Trả tiền cho mình trước)
Với phương pháp này bạn sẽ trích ra một số tiền, tối thiểu là 10% số tiền thu nhập của bạn cho vào quỹ tiết kiệm. Đó chính là trả tiền cho bản thân mình trước. Đối với số tiền còn lại thì bạn có thể chi tiêu thoải mái vì bạn đã để dành một khoản tiền trong túi trước rồi.
Đây là phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân dễ thực hiện. Ai cũng có thể làm được cho dù bạn là người không quan tâm đến việc quản lý tiền bạc.
Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ sử dụng và ít tốn thời gian. Điểm trừ duy nhất là bạn không có đầu tư để sinh lời bởi vì bạn chỉ có đủ tiền như vậy thôi, không hơn không kém.
Quy tắc 50/30/20
Quy tắc ngân sách 50/30/20 là một quy tắc đơn giản và dễ làm theo để ổn định hơn về tài chính. Với phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân này bạn sẽ chia thu nhập của mình thành 3 khoản với tỷ lệ như sau:
- 50% thu nhập của bạn chi tiêu cho tiền thuê nhà, mua thực phẩm, đi lại và các hóa đơn gia đình,...
- 20% dành cho tiết kiệm và trả nợ
- 30% còn lại dành cho bản thân để làm bất cứ thứ gì bạn muốn như đi du lịch, mua sắm, giải trí,...
Đây là một phương pháp khá phổ biến vì khá dễ nhớ và có thể áp dụng ngay. Bạn có một khoản dành riêng cho việc ăn chơi nữa.
Phương pháp "cưa đôi"
Phương pháp này sẽ là chia tổng thu nhập thành 2 phần: Phần đầu dành cho nhu cầu hằng ngày, phần thứ hai gửi đến ngân hàng. Khi tiền mặt của bạn không còn nữa, hãy đến ngân hàng và lấy một nửa số tiền bạn có trong đó, cứ lặp lại như vậy khi cần thiết. Có một lưu ý là phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân này chỉ nên áp dụng với những người khó kiểm soát chi tiêu hằng ngày.
Phương pháp bìa thư
Đây là phương pháp chỉ dùng tiền mặt và các bìa thư giấy. Các bước thực hiện như sau:
- Liệt kê các khoản chi quan trọng mỗi tháng và đặt ngân sách cho từng khoản. Chẳng hạn như tiền nhà 3 triệu, ăn uống 2 triệu,...
- Rút tiền mặt khi nhận được thu nhập và chia số tiền vào mỗi bìa thư như kế hoạch đã định.
- Khi chi khoản nào thì chỉ cần lấy đúng bìa thư đó.
- Bạn không được phép chi cho khoản đó khi bìa thư đã hết tiền. Bạn chỉ được phép chi khi nhận được thu nhập tháng tiếp theo.
Phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân này giúp cho bản thân kiên trì hơn và chi tiêu kỹ càng hơn, đặc biệt đối với những người “vung tay quá trán” hoặc đang có nợ. Chính vì vậy phương pháp này giúp bạn có được tiết kiệm được tiền và nhanh chóng thoát nợ.
Phương pháp 6 lọ
Đây là phương pháp chia thu nhập của mình thành 6 khoản của T.Harv Eker trong sách “Bí mật tư duy triệu phú”. Dưới đây là cách chia 6 lọ:
- Lọ nhu yếu phẩm (NEC) 55%: Khoản chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu.
- Lọ ăn chơi (PLAY) 10%: Khoản chi tiêu thỏa mãn thú vui của bản thân.
- Lọ giáo dục (EDU) 10%: Khoản chi tiêu phục vụ cho việc phát triển tư duy, kiến thức và kỹ năng của bản thân.
- Lọ cho đi (GIV) 5%: Khoản chi để làm từ thiện, giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống.
- Lọ tiết kiệm để chi tiêu cho tương lai (LTSS) 10%: Tiết kiệm tiền để đi du lịch, mua nhà, mua xe,...
- Lọ tự do tài chính (FFA) 10%: Khoản này dành cho việc kinh doanh, đầu tư nguồn tiền của mình.
Ưu điểm của phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân này là bạn có một khoản để tăng trưởng thu nhập mà không ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Phương pháp này cũng rõ ràng vì thu nhập của bạn được chia ra 6 lọ riêng biệt.
Cái khó của phương pháp này là bạn phải theo dõi sát sao để biết rằng mình có đang chi trong giới hạn quy định hay không. Cũng vì có nhiều lọ nên sẽ hơi lộn xộn một tí.
Phương pháp 10/20/70
Với phương pháp này, về cơ bản bạn sẽ chia thu nhập của bản thân thành 3 khoản:
10% tiết kiệm: Ở khoản này bạn sẽ tập trung cho quỹ khẩn cấp trước rồi mới đến các tiết kiệm dài hạn.
20% cho phát triển bản thân để có thêm nhiều cơ hội kinh doanh, đầu tư hay có thêm nhiều mối quan hệ có lợi cho công việc của bản thân.
70% dành cho các chi tiêu hằng ngày cũng như tiền ăn chơi, giải trí,...
Ưu điểm của phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân này là bạn không cần phải theo dõi tỉ mỉ chi tiêu hàng ngày, có thể tăng trưởng thu nhập, không quá lộn xộn.
Một số cách giúp tiết kiệm đơn giản hơn mà mỗi người cần biết như:
- Nấu ăn tại nhà. Chắc chắn đây không phải là mẹo tiết kiệm mà chỉ là một cách "ai cũng biết" nhưng ít ai thực hiện thường xuyên.
- Ghi lại các khoản chi tiêu trong tháng. Ai cũng có lúc quên mất rằng tháng vừa rồi mình đã tiêu những gì mà lương lại cạn kiệt. Hãy tập thói quen ghi lại chi tiêu một cách trung thực để tránh điều này.
- Lên danh sách mua sắm. Mỗi khi ra các cửa hàng tạp hóa hay siêu thị, đừng quên mang theo một tờ giấy nhỏ và ghi lại những món đồ cần mua. Sau khi mua hết danh sách thì hãy rời khỏi nơi bán hàng ngay.
- Không nên đi siêu thị với cái bụng trống rỗng. Bởi khi đó bạn sẽ mua nhiều đồ ăn hơn. Thay vào đó bạn nên đi siêu thị chỉ sau khi đã ăn.
- Sử dụng ví tiền. Đừng cho rằng ví tiền thì chỉ để cất giữ tiền, mà thêm vào đó bạn hãy để thêm cả những hóa đơn thanh toán như hóa đơn đi siêu thị, hóa đơn điện nước, hóa đơn điện thoại…
Theo VTC