[Audio] Các chàng trai, cô gái "vàng" của thể thao Hải Dương
Trong tỉnh - Ngày đăng : 06:00, 20/05/2023
Hai cô gái "vàng" của thể thao Hải Dương: Lê Thị Thanh Vân (trái) và Phạm Thị Thu
Họ là những vận động viên xuất sắc của Hải Dương nằm trong các đội tuyển quốc gia thi đấu tại SEA Games 32. Không chỉ mang vinh quang về cho Tổ quốc, thành tích của họ còn làm rạng rỡ thể thao Hải Dương.
Tốc độ trên đường đua xanh
SEA Games 32 đã hạ màn sau hơn 10 ngày diễn ra sôi nổi trên đất nước Campuchia. Cũng như các kỳ SEA Games gần đây, các vận động viên thể thao Hải Dương đều có đóng góp quan trọng cho đoàn thể thao thành tích cao Việt Nam, cả về số lượng và chất lượng.
13 vận động viên, 1 huấn luyện viên kiêm vận động viên Hải Dương đã mang về cho thể thao nước nhà 7 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 6 huy chương đồng. Trong đó ấn tượng nhất là 4 tấm huy chương vàng ở môn lặn của 2 nữ kình ngư Phạm Thị Thu và Lê Thị Thanh Vân. Riêng với Phạm Thị Thu, đây là kỳ SEA Games đặc biệt khi cô giành tới 3 huy chương vàng, trong đó 1 huy chương vàng cá nhân nội dung 4 x 200 m vòi hơi chân vịt và 2 huy chương vàng đồng đội ở nội dung tiếp sức 4 x 100 m vòi hơi chân vịt (phá kỷ lục SEA Games với thành tích 2 phút 43 giây 56), huy chương vàng 4 x 50 m vòi hơi chân vịt. Nữ kình ngư người Bình Giang này còn giành cho riêng mình 2 huy chương đồng. Tại SEA Games 31, Phạm Thị Thu giành 1 huy chương vàng cá nhân, 1 huy chương vàng đồng đội.
Tấm huy chương vàng đầu tiên của đoàn vận động viên Hải Dương giành được tại SEA Games 32 cũng đến từ đường đua xanh. Người làm được điều này chính là Lê Thị Thanh Vân - nữ kình ngư sinh năm 2004, quê ở xã An Phượng (Thanh Hà).
18 giờ ngày 12.5, Lê Thị Thanh Vân bước vào chung kết nội dung 100 m vòi hơi chân vịt đôi. Mọi hy vọng của ban huấn luyện và đồng đội đặt lên vai của nữ "thợ lặn" này. Trở ngại lớn nhất không phải đến từ bản thân vận động viên, mà sức ép chính là Thanh Vân phải đối đầu với 2 đối thủ rất mạnh của Indonesia, 2 vận động viên Thái Lan, 1 của Singapore, 1 của chủ nhà Campuchia và 1 đồng đội ở đội tuyển quốc gia. Tuy vậy, Lê Thanh Vân đã về đích đầu tiên với thành tích 49 giây 54. Đây chưa phải thành tích tốt nhất của Thanh Vân, song với 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc cá nhân ở lần đầu dự một kỳ SEA Games là kết quả rất đáng tự hào đối với cô gái "tay ngang" mới từ bơi chuyển sang lặn chưa lâu.
Lãnh đạo Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương đón tác giả của 3 tấm huy chương vàng Phạm Thị Thu tại sân bay Nội Bài
Có mặt tại sân bay Nội Bài đón Phạm Thị Thu và Lê Thị Thanh Vân trở về từ SEA Games 32, huấn luyện viên Phạm Đăng Khoa của Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh rất tự hào khi cả 2 học trò của mình đều bước lên bục cao nhất, không chỉ 1 lần mà đến 4 lần. "Các huy chương của 2 vận động viên không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn. Thành tích của 2 nữ vận động viên của Hải Dương sẽ không chỉ dừng tại đây", huấn luyện viên Phạm Đăng Khoa cho biết.
Kỳ tích của chàng shipper siêu lực sĩ
Nếu lặn, các môn đua thuyền, pencak silat, bắn súng, bắn cung... thường được coi là "mỏ vàng" của thể thao Hải Dương thì cử tạ đã lắng xuống sau thời kỳ đỉnh cao của tượng đài cử tạ Việt Nam Nguyễn Thị Thiết.
Tại SEA Games năm nay, mọi hy vọng về một tấm huy chương vàng cử tạ được đặt trọn lên vai lực sĩ Trần Đình Thắng, bởi lẽ đã 7 kỳ SEA Games liên tiếp Hải Dương mới có vận động viên cử tạ thi đấu.
16.5, ngày thi đấu cuối cùng của SEA Games 32, Trần Đình Thắng mới bước vào nội dung thi đấu đầu tiên cũng là duy nhất của mình ở phần thi siêu lực sĩ, hạng trên 89 kg. Các đối thủ của Đình Thắng, ngoài lực sĩ chủ nhà Campuchia còn có Myanmar và Panya - đối thủ rất mạnh của Thái Lan. Phần thi sớm trở thành cuộc đua song mã của chàng lực sĩ đến từ Hải Dương với Panya. Ở phần cử giật, Panya có tổng thành tích 155 kg, cao hơn 5 kg so với Trần Đình Thắng. Một bất ngờ thú vị đã đến, ở phần cử đẩy, Panya nâng thành công mức tạ 203 kg, tổng cử đang là 358 kg. Gần như nắm chắc trong tay tấm huy chương vàng, Panya ăn mừng như thể đã là nhà vô địch. Nhưng không, Trần Đình Thắng tự tin bước lên sàn và làm được điều không tưởng khi hoàn thành phần thi với tổng cử 359 kg, hơn Panya đúng 1 kg để giành tấm huy chương vàng quý giá.
Ông Lê Đình Đoàn, cha của kình ngư Lê Thị Thanh Vân đón con gái trở về từ SEA Games 32
Huấn luyện viên cử tạ Nguyễn Thị Thiết đã dùng từ "trận đánh" khi nói về chiến thắng của cậu học trò Trần Đình Thắng: "Trận đánh thể hiện bản lĩnh, ý chí của Thắng". Bởi lẽ, không ai hiểu về nghị lực, khát khao của Trần Đình Thắng bằng chính huấn luyện viên của mình. Không nói nhiều về cậu học trò của mình, nhưng Nguyễn Thị Thiết biết rằng con đường phía trước của anh còn rất dài, cả vinh quang và chông gai. Một điều ít người biết, do điều kiện gia đình khó khăn, trong thời gian tập luyện, Trần Đình Thắng đã phải tranh thủ đi làm shipper để trang trải cho cuộc sống...
So với SEA Games 31, thành tích các vận động viên Hải Dương trong đội tuyển quốc gia giảm 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc. Nguyên nhân chủ yếu do một số môn thế mạnh của các vận động viên Hải Dương đã giành huy chương vàng tại SEA Games trước không được nước chủ nhà đưa vào chương trình thi đấu. Thế nhưng ở kỳ SEA Games này, các vận động viên Hải Dương tham gia 6 môn: đua thuyền truyền thống, lặn, bóng bàn, đấu kiếm, cử tạ và Arnis thì cả 6 môn đều có huy chương. Tấm huy chương đồng cuối cùng trong danh sách tại ngày thi đấu cuối cùng của SEA Games thuộc về võ sĩ Vũ Thị Trang ở môn Arnis. Vũ Thị Trang là vận động viên pencak silat mới được trưng dụng sang Arnis - môn thi rất lạ lẫm đối với các vận động viên Hải Dương.
Số lượng huy chương ít hơn, thành tích giảm nhưng lại khiến những tấm huy chương đó mang nhiều ý nghĩa. Đó là vinh quang, là sự nỗ lực và cả hy sinh thầm lặng của các vận động viên, huấn luyện viên và gia đình của họ. "Tôi nhớ cháu lắm. 10 tuổi đã xa gia đình, mỗi năm chỉ được về mấy bận. Từ Tết đến giờ cũng chưa về", ông Lê Đình Đoàn, cha của cô gái vàng Lê Thị Thanh Vân nói khi trên đường đến sân bay Nội Bài đón con gái trở về.
TIẾN HUY