Vất vả cai nghiện cho trẻ vị thành niên
Xã hội - Ngày đăng : 11:36, 21/05/2023
Việc dạy học văn hóa cho trẻ vị thành niên khi vào cai nghiện rất khó khăn
Ngày một tăng
Lần giở cuốn lưu bút ghi lại những tháng ngày vui vẻ bên bạn bè, thầy cô và gia đình, em N.T.P. ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) rơm rớm nước mắt. Ở tuổi trăng tròn, P. đã rời xa vòng tay gia đình, quyết tâm đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu” làm lại cuộc đời ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương.
“Chỉ một phút sai lầm nghe theo lời dụ dỗ của bạn trai mà cuộc đời em sang một ngã rẽ khác. Em không nghĩ dính vào ma túy lại kinh khủng đến vậy, vật vã, mất hết lý trí”, P. chia sẻ. Từ một cô bé vui tươi, hồn nhiên, sa vào ma túy, P. như trở thành một người khác, cân nặng sụt giảm có lúc chỉ còn gần 40 kg, gầy gò, xanh xao. P. không chỉ dính vào ma túy mà còn đi quá giới hạn dẫn đến có thai và sảy thai. “Sai lầm nào cũng phải trả giá, em cố gắng chiến thắng bản thân để sớm được về với gia đình và làm lại cuộc đời. Em rất muốn được trở lại trường học tiếp”. P. chia sẻ.
Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương đang hỗ trợ điều trị cho 9 trẻ vị thành niên nghiện ma túy. Ở đây nam có, nữ cũng không ít. Phần lớn các em vướng vào ma túy do mải chơi, bạn bè dụ dỗ. Phần lớn các em ở độ tuổi từ 15-16, cá biệt có em mới 14 tuổi. Nhiều em đã bỏ học 1-2 năm.
Em V.D.H. ở phường Bến Tắm (Chí Linh) mới 14 tuổi nhưng trông già hơn so với tuổi thực. 13 tuổi H. đã được bố mẹ đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy. Thoát cơn nghiện về với gia đình, H. lại tái nghiện và phải vào cơ sở cai nghiện lần hai.
Ngoài điều trị cắt cơn, giải độc, cán bộ của Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh còn phải trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên
Gia đình không êm ấm, bố cũng bị nghiện nên em chán nản, bỏ bê học hành, đi theo những anh chị hư hỏng. H. cho biết: “Một số bạn cùng tuổi như em cũng đã nghiện ma túy nhưng gia đình giấu để cai nghiện tại nhà. Không biết giờ các bạn ra sao? Nếu không quyết tâm thì khó có thể cai nghiện thành công bởi như bản thân em đã tái nghiện tới 2 lần”.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ban Chỉ đạo 138) tỉnh, năm 2022 Hải Dương có thêm 7 người nghiện ma túy là trẻ vị thành niên. Tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương, số trẻ vị thành niên vào cai nghiện cũng tăng hằng năm. Năm 2021, cơ sở tiếp nhận 4 trẻ, năm 2022 có thêm 10 trẻ, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023 lại có thêm 3 trẻ đến cai nghiện.
Bảo đảm quyền lợi
“Thanh thiếu niên trong độ tuổi từ đủ 12 đến dưới 18 vẫn đang có sự thay đổi nhiều trong tâm sinh lý. Vì vậy, việc áp dụng hình thức cai nghiện nào cũng phải cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng để vừa đạt được hiệu quả cai nghiện nhưng vẫn phải bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các em là không dễ”, chị Nguyễn Thị Duyên, cán bộ Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh cho biết.
Hành xử thiếu thận trọng đối với trẻ em ở độ tuổi đang phát triển, nhất là trong giai đoạn nghiện ma túy sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến tương lai của các em và ổn định xã hội. Do đó, khi áp dụng các biện pháp cai nghiện bắt buộc tập trung phải đánh giá tác động đầy đủ, đặc biệt là những tác động bất lợi đến tâm lý để có giải pháp hỗ trợ cai nghiện phù hợp.
Số trẻ vị thành niên nghiện ma túy tăng hằng năm
“Việc dạy văn hóa cho trẻ vị thành niên trong cơ sở cai nghiện theo quy định của pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đang gặp khó khăn. Nguyên nhân do mỗi em đến cơ sở cai nghiện có lứa tuổi, trình độ học vấn khác nhau nên không thể cho các em học văn hóa cùng một lớp. Số trẻ vị thành niên nghiện ma túy không quá nhiều nên cũng không thể mở lớp riêng tại cơ sở. “Việc đưa các em đến trường học cũng không dễ bởi khi đó mỗi cán bộ của cơ sở phải đồng hành cùng các em suốt buổi học. Trong điều kiện cán bộ của trung tâm còn thiếu thốn và còn nhiều việc chuyên môn phải làm thì khó có thể thực hiện được phương án này”, ông Bùi Quang Dương, Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh nói.
Phương án khả thi được ông Dương đề xuất là hiện nay tỉnh hoặc các ngành chức năng có thể nghiên cứu phương án đưa các em cùng độ tuổi, trình độ đang cai nghiện ở các cơ sở ma túy vào học trực tuyến. Các em có thể trao đổi trực tuyến với nhau để tiếp thu kiến thức tốt nhất mà không phải trực tiếp đến trường. Thời gian học cũng sẽ linh hoạt hơn.
Chăm sóc cho trẻ vị thành niên nghiện ma túy cũng không đơn giản. Cán bộ phải nắm chắc tâm sinh lý của trẻ mới lớn để có thể hiểu và giúp các em cai nghiện hiệu quả. “Chúng tôi còn phải dạy cách giao tiếp, nâng cao kiến thức phòng tránh tái nghiện và HIV/AIDS khi trở về cộng đồng”, chị Duyên nói.
Số trẻ vị thành niên nghiện ma túy tăng lên cũng đồng nghĩa áp lực cai nghiện đối với nhóm này cũng sẽ nhiều hơn. Nếu không sớm có phương án cụ thể thì việc bảo đảm vừa cai nghiện vừa có thể giúp các em học văn hóa khó có thể thực hiện được. Những vướng mắc này cần sớm được các cơ quan chức năng tháo gỡ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các em.
BẢO ANH