Giá điện ở Phần Lan giảm đến 75% nhờ nhà máy hạt nhân mới
Tin tức - Ngày đăng : 13:56, 19/05/2023
Lò phản ứng hạt nhân Olkiluoto 3 tại Eurajoki, Phần Lan
Trang Oilprice đưa tin nhà máy hạt nhân Olkiluoto 3 đã hoàn thành quá trình chuyển đổi từ thử nghiệm sang sản lượng thông thường vào tháng 4 để trở thành nhà máy hạt nhân mới đầu tiên của Phần Lan trong hơn bốn thập kỷ. Theo dự tính, Olkiluoto 3 sẽ đáp ứng tới 15% nhu cầu điện của Phần Lan.
Và mặc dù quá trình sản xuất của cơ sở này vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng quyết định khánh thành Olkiluoto 3 đã tác động đáng kể đến giá năng lượng của Phần Lan, làm giảm giá điện giao ngay tại quốc gia này từ mức 245,98 euro MWh (hơn 6,2 triệu đồng) vào tháng 12.2022 xuống còn 60,55 euro MWh vào tháng 4.2023, tức giảm hơn 75%.
Giá năng lượng đã tăng mạnh ở quốc gia châu Âu này sau khi chính phủ cấm nhập khẩu điện từ nước láng giềng Nga vào năm ngoái. Việc sử dụng điện hạt nhân sẽ được người tiêu dùng Phần Lan hoan nghênh, đặc biệt khi Phần Lan có mức tiêu thụ điện bình quân đầu người cao nhất trong Liên minh châu Âu.
“Chúng tôi đã có sự ổn định hơn trong hệ thống nhờ Olkiluoto 3. Đó là một nhà máy hạt nhân khổng lồ, một trong những nhà máy lớn nhất thế giới, được kết nối với một hệ thống nhỏ”, ông Jukka Ruusunen, Giám đốc điều hành công ty điều hành lưới điện quốc gia Phần Lan Fingrid cho biết.
Phát biểu với báo The National, ông Ruusunen giải thích rằng điện gió sẽ là nguồn năng lượng lớn nhất ở Phần Lan vào năm 2027 và năng lượng hạt nhân hiện là một phương án thay thế hữu ích và đáng tin cậy.
Ông nói rằng năng lượng gió có khả năng thu hút đầu tư lớn hơn, trong khi năng lượng hạt nhân dường như đang bị một số nhà đầu tư môi trường đưa vào “danh sách đen”.
Tuy nhiên, hạt nhân tiếp tục là nguồn sản xuất năng lượng ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia châu Âu. Pháp, Thụy Điển, Ba Lan và Hungary đều đang tìm cách mở rộng sản lượng năng lượng hạt nhân.
Tháng trước, Ba Lan đã nhận được 4 tỷ USD tiền tài trợ để xây dựng 20 lò phản ứng mô-đun nhỏ trên khắp đất nước vào năm 2029, trong khi Hungary tập trung vào mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks.
Ví dụ của Phần Lan là một minh chứng cho thấy năng lượng hạt nhân có thể góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, khi người tiêu dùng vẫn phải trả phí năng lượng cao ngất trời ở nhiều nước châu Âu.
Tuy nhiên, Đức đã đi theo con đường ngược lại và gây tranh cãi khi đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân còn lại vào tháng trước. Lạm phát cao, chi phí năng lượng cao và sản lượng công nghiệp giảm mạnh đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán suy thoái kinh tế có thể xảy ra đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Theo Báo Tin tức