Giúp nghệ nhân giữ "lửa" nghề

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 10:12, 17/05/2023

Nắm giữ những loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt, những Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú chính là những người giữ lửa cho di sản văn hóa tiếp tục tồn tại trong xã hội hiện đại.


Nghệ nhân thêu ren Phạm Thị Hòa (bên phải) miệt mài chỉ dẫn cho người lao động

Nòng cốt bảo tồn di sản văn hóa


Nổi danh trong nghề bởi tài năng lẫn nhiệt huyết, anh Lưu Đức Anh Tuấn (hay còn gọi là Lưu Thanh Thương), ở Ninh Giang sớm được phong tặng là Nghệ nhân Ưu tú nắm giữ di sản thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Đây là một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Chia sẻ về niềm đam mê với di sản văn hóa độc đáo này, anh Tuấn cho biết: “Tôi rất mừng vì được Nhà nước ghi nhận, trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Nhưng việc đáng mừng hơn cả là tôi có nhiều học trò đã thành công, có thể chơi được nhiều nhạc cụ và biểu diễn hát văn thuần thục, được đánh giá cao. Điều đó giúp nghệ thuật hát văn cũng như di sản văn hóa thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ xây dựng chỗ đứng vững chắc trong tương lai”.

Tại xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) có 4 nghệ nhân thêu ren được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú. Với việc nắm giữ các kỹ thuật thêu tinh xảo, họ đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm vô cùng đẹp mắt, không chỉ có sức hấp dẫn đối với thị trường trong nước mà còn phát triển ra thị trường nước ngoài. Trong những năm gắn bó với nghề, các nghệ nhân thêu ren đã truyền dạy kỹ thuật thêu cho nhiều người, góp phần đưa nghề thêu ren trở thành một nghề có thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều người dân trong và ngoài xã.

Hiện ở Hải Dương, qua 3 đợt Nhà nước xét tặng đã có 2 Nghệ nhân Nhân dân và 32 Nghệ nhân Ưu tú được phong tặng, truy tặng thuộc các lĩnh vực: nghệ thuật trình diễn dân gian hát ca trù; nghệ thuật trình diễn dân gian hát tuồng; nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối nước; tri thức dân gian về nghệ thuật trang trí và tranh thêu truyền thống; nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối nước; nghệ thuật trang trí, tạo hình cấu kiện gỗ trong công trình kiến trúc truyền thống; nghệ thuật trình diễn dân gian hát trống quân; tri thức dân gian về y học cổ truyền; tri thức dân gian tạo hình mỹ thuật gốm, sứ cổ truyền thống; thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Họ là những người nắm giữ đa dạng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Họ cũng là nòng cốt trong việc gìn giữ và truyền dạy di sản văn hóa cho lớp kế cận. 


Nghệ nhân Lưu Đức Anh Tuấn

Còn khó khăn

Trong những năm qua, cùng với việc triển khai xét, trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú theo quy định, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ mỗi câu lạc bộ ca trù 5 triệu đồng/năm và tạo điều kiện thuận lợi cho 6 câu lạc bộ ca trù trên địa bàn tỉnh hoạt động để các nghệ nhân duy trì sinh hoạt, truyền dạy các kỹ năng của nghệ thuật này. Tỉnh hỗ trợ hai nghệ nhân ca trù là Nguyễn Phú Đẹ (mất năm 2019) và Trương Quang Hiến 1 triệu đồng/tháng và mở lớp để trao truyền kỹ năng cho các thế hệ kế cận. Với nghệ thuật múa rối nước, tỉnh quan tâm mua sắm trang thiết bị, đạo cụ, nhà thủy đình di động; làm mới và sửa chữa con rối cho 3 phường; tạo điều kiện để các phường hoạt động, phục vụ biểu diễn.

Mặc dù đã có sự quan tâm của Nhà nước, tuy nhiên hiện nay các nghệ nhân còn gặp khá nhiều khó khăn vì chưa có chế độ đãi ngộ thường xuyên. Các câu lạc bộ di sản hoạt động cầm chừng vì không có kinh phí hoặc kinh phí còn thấp. Trong số 34 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong tỉnh được công nhận thì 9 người đã mất, nhiều người tuổi đã cao nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc gìn giữ và truyền dạy các giá trị di sản văn hóa…

Chị Đoàn Thị Chinh (sinh năm 1980), là nghệ nhân hát ca trù trẻ nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú từ ngay đợt 1 năm 2015 chia sẻ: “Nghệ thuật ca trù kén cả người nghe và người học. Chỉ ở các thành phố lớn thì các nghệ nhân và câu lạc bộ ca trù mới nhiều đất diễn vì có khách du lịch, còn ở tỉnh nhỏ thì các nghệ nhân khó bám trụ với nghề. Mỗi năm, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh tổ chức một lớp tập huấn ca trù cho những người đam mê theo học nhưng kinh phí cho tổ chức lớp còn hạn chế nên chỉ có thể thực hiện trong một thời gian ngắn. Việc truyền dạy cho lớp kế cận chủ yếu dựa vào các nghệ nhân đang hoạt động tại các câu lạc bộ thì cũng còn thiếu thốn về kinh phí hỗ trợ, trang thiết bị, địa điểm hoạt động…”.

Ðể các nghệ nhân có thể tiếp tục cống hiến và phát huy vai trò chủ thể trong việc bảo tồn di sản văn hóa, bên cạnh vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước cùng các chính sách hiệu quả về bảo tồn di sản văn hóa thì cần có những cơ chế đặc thù đãi ngộ, động viên các nghệ nhân của các cấp chính quyền địa phương, của cộng đồng. Cần tiếp tục tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn và tăng cường hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cho các câu lạc bộ để việc duy trì hoạt động và truyền dạy kỹ năng cho lớp kế cận đạt hiệu quả cao… Qua đó sẽ góp phần tạo động lực để các nghệ nhân phát huy vai trò, tính sáng tạo trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời tạo cơ sở để họ tiếp tục truyền dạy kiến thức, kỹ năng về di sản văn hóa đang nắm giữ. 

TRƯỜNG THÀNH