Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu sớm công khai giá sách giáo khoa

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 21:21, 15/05/2023

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ rà soát, sớm công bố kết quả kê khai giá và tiến độ phát hành sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11.

Nội dung này được đề cập trong thông báo ngày 15.5 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về học phí và sách giáo khoa.

Phó Thủ tướng nhận định sách giáo khoa là vấn đề được phụ huynh, học sinh, các trường và xã hội quan tâm, đặc biệt vào thời điểm trước năm học mới. Do đó, ông yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa cho năm học mới, kịp thời thông tin về tiến độ in, phát hành sách.

Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ rà soát, công bố kết quả kê khai giá sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 - những khối lớp bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới (còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông năm 2018) từ năm học tới.


Quầy sách giáo khoa, sách tham khảo tại một hiệu sách ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, năm 2022

Tính đến ngày 10.5, 37 tỉnh, thành phố đã chọn xong sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11. Còn lại 26 địa phương đang đợi thẩm định giá từ Bộ Tài chính để quyết định. Theo kế hoạch, việc rà soát giá sách giáo khoa hoàn thành trong hôm nay.

Cả nước bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) từ năm học 2020-2021 với lớp 1. Các năm sau, lần lượt lớp 2, 3, 6, 7, 10 học theo chương trình mới.

Lộ trình thay sách cuốn chiếu cũng được thực hiện song song, với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", bỏ độc quyền xuất bản.

Tuy nhiên, giá sách giáo khoa cao gấp 2-3 lần sách cũ là vấn đề gây tranh luận. Nhiều phụ huynh cho rằng giá sách tăng đến "chóng mặt". Chẳng hạn, bộ sách lớp 3 có giá 177.000 đến 183.000 đồng trong khi bộ cũ giá 58.000. Tương tự, sách lớp 7 giá gần 210.000 đồng, cao hơn 80.000. Sách lớp 10 giá 246.000-301.000 đồng một bộ tùy tổ hợp môn học, cao hơn bộ cũ 80.000 đến 140.000. Các mức này chưa bao gồm sách tiếng Anh. Tuy nhiên, phía nhà xuất bản khẳng định đã tiết giảm tối đa chi phí đầu vào để có giá bán phù hợp với đại đa số gia đình có con em đi học.

Theo quy định tại Luật giá năm 2012, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá sách đã kê khai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá việc này có thể dẫn đến hiện tượng giá cao, thấp khác nhau. Trong khi đó, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn.

Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được thông qua hồi tháng 6.2022, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật giá. Dự kiến Luật giá sửa đổi sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp Quốc hội vào tháng này.

Theo VnExpress